Khoa học ngày nay

Phát hiện một loài cá lẹp mới

Các nhà khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Trung tâm Nghiên cứu đa dạng phân tử (Bảo tàng quốc gia về tự nhiên và khoa học, Nhật Bản) vừa công bố một loài cá lẹp mới từ vùng biển vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), đó là cá lẹp Hạ Long.

Loài mới cá lẹp Hạ Long được thu thập mẫu vật từ các tàu, thuyền khai thác ven bờ khu vực vùng biển vịnh Hạ Long trong các năm 2014, 2017, 2018, do đó được đặt tên theo địa điểm thu mẫu. Loài cá lẹp mới duy nhất chỉ phân bố ở vịnh Hạ Long. Giống cá lẹp thuộc nhóm cá nổi, thường gặp ở vùng nước ven bờ, có giá trị kinh tế cao và là đối tượng khai thác phổ biến của nghề cá ven bờ. Cho tới nay, đã phát hiện được 10 loài cá lẹp ở vùng biển Việt Nam.

Phương pháp mới dự đoán thảm họa khí hậu

Trong một nghiên cứu công bố mới đây, các nhà khoa học Ca-na-đa đã giới thiệu phương pháp chính xác hơn để dự đoán nhiệt độ trái đất đến năm 2100. Theo đó, ngưỡng nóng lên nguy hiểm có thể từ năm 2027 đến 2042. Các nhà nghiên cứu cho rằng, kết quả này có thể là tiền đề cho các chính sách, quyết định hành động quan trọng từ các chính phủ, nhằm ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm từ thảm họa khí hậu.

Thử nghiệm công nghệ chỉnh sửa gien

Các nhà nghiên cứu I-xra-en đã thử nghiệm thành công phương pháp điều trị ung thư ở loài chuột bằng công nghệ chỉnh sửa gien. Bằng cách sử dụng hệ thống vận chuyển các hạt na-nô li-pít, các nhà nghiên cứu nhận thấy, công nghệ chỉnh sửa gien giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của các con chuột bị u nguyên bào thần kinh đệm và ung thư buồng trứng di căn mà không để lại tác dụng phụ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là dấu mốc quan trọng trong nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư, các bệnh di truyền hiếm gặp và các bệnh mãn tính do vi-rút gây ra.