Khoa học ngày nay

Nghiên cứu, chiết xuất collagen từ sứa biển

Tại các vùng biển Việt Nam, nguồn lợi sứa biển rất lớn, nhưng chủ yếu được khai thác, chế biến thủ công.

Các nhà khoa học của Viện Tài nguyên và môi trường biển (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tìm ra công nghệ để nâng cao giá trị sử dụng, giá trị kinh tế của nguồn lợi sứa biển qua thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam”. Nhóm nghiên cứu chứng minh collagen từ sứa biển có nhiều ưu việt so với các loài động vật khác và đã xây dựng quy trình tách chiết collagen. Từ đó, nhóm lựa chọn các thành phần để xây dựng công thức sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên nang.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo bảo vệ các thiết bị y tế

Các nhà khoa học của I-xra-en đã phát triển một công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm bảo vệ các thiết bị y tế (máy chụp CT, máy chụp cộng hưởng từ, máy siêu âm…) trước nguy cơ bị tiến công mạng. Các chuyên gia đánh giá những lệnh bất thường có thể đe dọa sức khỏe người bệnh, chẳng hạn như chiếu xạ quá độ, làm giả hình ảnh y tế. Kỹ thuật mới sử dụng AI cho phép phân tích các lệnh được gửi từ máy tính tới thiết bị, phát hiện các mệnh lệnh bất thường, từ đó  bảo vệ các thiết bị y tế trước những lệnh điều hành độc hại trong một vụ tiến công mạng, lỗi trong quá trình thiết lập thông số của kỹ thuật của người dùng, hoặc lỗi phần mềm của máy chủ.

Chế tạo rô-bốt sử dụng nhiên liệu

Nhóm các nhà khoa học tại Ðại học Nam Ca-li-pho-ni-a (Mỹ) đã tạo ra rô-bốt có kích thước siêu nhỏ, sử dụng nhiên liệu methanol và hệ thống cơ nhân tạo để bò trườn, leo trèo và mang vật nặng gấp 2,6 lần trọng lượng của mình trong hai giờ. Rô-bốt nặng 88 mg, dài 15 mm, có thể co lại khi gặp nóng do được làm từ các sợi hợp kim nickel-titanium. Sợi hợp kim trên được phủ một lớp bột platinum, có tác dụng làm chất xúc tác cho việc đốt cháy methanol. Rô-bốt được phát triển có thể sử dụng trong tìm kiếm cứu hộ sau thảm họa thiên nhiên, hỗ trợ thụ phấn nhân tạo, giám sát môi trường...