Hiệu quả từ đầu tư bài bản cho nghiên cứu khoa học

Trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, ngành khoa học và công nghệ (KH và CN) đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch. Kết quả đó không phải có trong “ngày một, ngày hai”, mà là sự tích lũy năng lực, kinh nghiệm của các nhà khoa học, sự đầu tư dài hơi, đúng hướng của ngành KH và CN từ nhiều năm nay.

Ðại diện nhóm nghiên cứu Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á giới thiệu bộ kít phát hiện vi-rút SARS-CoV-2.
Ðại diện nhóm nghiên cứu Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á giới thiệu bộ kít phát hiện vi-rút SARS-CoV-2.

Chỉ trong thời gian ngắn, các nhà khoa học trong nước đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng và chế tạo thành công bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện vi-rút SARS-CoV-2, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu. Các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã nuôi cấy, phân lập thành công vi-rút SARS-CoV-2, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba nuôi cấy thành công chủng vi-rút này, giúp nghiên cứu sâu hơn về chủng vi-rút, đồng thời cung cấp vật liệu cho nghiên cứu sản xuất vắc-xin, sinh phẩm chẩn đoán... Các nhà khoa học cũng chủ động chia sẻ với cộng đồng khoa học trên thế giới các kết quả nghiên cứu của mình về thông tin trình tự gien vi-rút SARS-CoV-2, như: Các nhà khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đăng tải trên cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm sáu trình tự gien được giải từ mẫu bệnh phẩm của người bệnh tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và Quảng Ninh; các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học công bố bốn trình tự vùng gien, các nhà khoa học Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh công bố hai trình tự giải toàn bộ hệ gien trên Ngân hàng gien Mỹ... Hiện, các đơn vị nghiên cứu trong nước đang chạy đua với các nước trên thế giới trong việc nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng Covid-19. Ðáng chú ý, có đơn vị đã chủ động hợp tác với nước ngoài, tạo được chủng sản xuất vắc-xin, có đơn vị đã triển khai các bước nghiên cứu, thử nghiệm trên động vật, trên nền tảng công nghệ mà mình đã làm chủ. Ðiều đáng mừng là đã có doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đầu tư cùng Nhà nước trong việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.

Theo TS Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng KH và CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH và CN), các bước đi của nhà khoa học Việt Nam trong đợt phòng, chống dịch vừa qua gần như đồng thời với thế giới, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch trong nước. Bộ KH và CN và các đơn vị liên quan đã xác định được vai trò và trách nhiệm đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, đã tổ chức nhiều buổi họp với các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực dịch tễ học, truyền nhiễm, vắc-xin, vi-rút, sinh học... để xác định các hướng nghiên cứu khẩn cấp. Bộ đã tiến hành các thủ tục theo quy trình rút gọn trong phê duyệt các nhiệm vụ KH và CN cấp quốc gia. Ðồng thời tạo cơ chế thông thoáng tối đa cho các nhà khoa học trong việc thực hiện nhiệm vụ KH và CN, được tạo thêm rào cản khi thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, là trách nhiệm, sự cố gắng làm việc không mệt mỏi, với quyết tâm rất cao của các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học để có nhanh sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, nơi đã nuôi cấy thành công vi-rút SARS-CoV-2 đã hợp tác, cung cấp vật liệu quan trọng cho các nhóm nghiên cứu sản xuất kit, tiến hành kiểm định độc lập đối với các bộ kit phát hiện vi-rút, làm căn cứ để Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Theo Thứ trưởng KH và CN Phạm Công Tạc, các kết quả nghiên cứu rất nhanh, nhưng là sự tích lũy năng lực, kinh nghiệm từ nhiều năm nay của các nhà khoa học, đồng thời là kết quả của một quá trình đầu tư lâu dài, bền bỉ, đúng hướng của ngành KH và CN để nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất cho các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng. Chẳng hạn, bộ kit chẩn đoán SARS-CoV-2 của nhóm nghiên cứu Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á ra đời chỉ sau một tháng nghiên cứu, và đó chính là “trái ngọt” của nhiều năm đầu tư. Nhóm nghiên cứu từng được Bộ KH và CN giao thực hiện các đề tài KH và CN cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo kit phát hiện Ebola, lao kháng thuốc. Thông qua nhiều chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước như KC10 “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, KC04 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”…, Bộ KH và CN đã đầu tư cho các đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ để tạo ra sản phẩm thiết thực. Riêng Học viện Quân y từ năm 2011 đến nay, mỗi năm có khoảng từ ba đến bốn đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, trong đó có năm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và sản xuất các bộ kít xét nghiệm. Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã được giao thực hiện các dự án hoàn thiện công nghệ sản xuất kít, như hoàn thiện công nghệ sản xuất bộ kít chẩn đoán lao và lao kháng thuốc (từ kết quả nghiên cứu của Học viện Quân y) năm 2014; hoàn thiện công nghệ sản xuất bộ kít xác định đột biến gien AZF và bộ kít xác định mức độ đứt gãy AND của tinh trùng (do Trường đại học Y Hà Nội chuyển giao) phục vụ chẩn đoán vô sinh. Hiện, các đơn vị nghiên cứu trong nước có thể chạy đua với thế giới trong nghiên cứu và sản xuất vắc-xin cũng là do đã có nền tảng nghiên cứu, sản xuất từ hàng chục năm về trước và sự đầu tư nguồn lực từ các chương trình KH và CN cấp quốc gia.

Từ thực tế nêu trên, nhiều nhà khoa học cho rằng, vấn đề đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là hết sức quan trọng và cần được xã hội nhìn nhận đúng. Cùng quan điểm này, TS Trịnh Thanh Hùng cho rằng, sự đầu tư dài hơi, cả quá trình đôi khi còn bị hiểu nhầm là nghiên cứu “đút ngăn kéo”. Thí dụ, đề tài nghiên cứu về kít chẩn đoán Ebola sau khi nghiên cứu xong chưa được ứng dụng, nhưng đến thời điểm này mới thấy giá trị của nền tảng nghiên cứu đó. Các nghiên cứu cơ bản có thể rất lâu mới được ứng dụng cho cuộc sống, nhưng rất quan trọng. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng, lúc này, các nguồn lực cần đầu tư cho nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19, dù có thể nghiên cứu chưa thành công ở sản phẩm cụ thể, nhưng sẽ có những bước tìm hiểu ban đầu về công nghệ sản xuất vắc-xin để có thể nhận chuyển giao công nghệ khi thế giới nghiên cứu thành công hoặc phản ứng nhanh hơn khi dịch bệnh khác xảy ra.