Hà Nam quan tâm xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm

Xác định vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ (KH và CN) đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, là lực lượng quan trọng để phát triển sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, những năm qua, Sở KH và CN tỉnh Hà Nam đã triển khai có hiệu quả hoạt động KH và CN trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân và tổ chức đánh giá cao.

Cơ chế, chính sách linh hoạt

Tỉnh Hà Nam xác định, để nâng tầm giá trị nông sản, nông nghiệp cần một giải pháp tổng thể, đồng bộ, trong đó đưa chương trình hỗ trợ in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp vào chuỗi liên kết sản xuất được tỉnh Hà Nam xem là một giải pháp quan trọng cần được ưu tiên.

Là đơn vị tham mưu và được tỉnh Hà Nam giao trực tiếp thực hiện chương trình in tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, Sở KH và CN nghệ tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ 42 mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả, hoa công nghệ cao có quy mô từ 3 đến 5 ha trở lên và 60 mô hình sản xuất rau, củ, quả, nấm, hoa có quy mô từ 0,2 ha đến dưới 3 ha tại các huyện, thành phố thông qua các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuộc UBND các huyện, thành phố; 10 mô hình được cấp chứng nhận quyền sử dụng "nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam". Cùng với đó, các mô hình còn được hỗ trợ mua máy in tem và nguyên vật liệu đi kèm; hỗ trợ chi phí mua mã xác thực truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Ðiều kiện để hỗ trợ đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp là có giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Ðối với các mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả, nấm, hoa có quy mô từ 3 ha trở lên và mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao, hoa công nghệ cao phải có hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng góp đất để hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn trong thời gian từ 10 năm trở lên; có hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch, an toàn với các cơ sở, doanh nghiệp. Ðối với các cửa hàng giới thiệu, cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn: Các sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu, cung cấp phải sản xuất ra từ cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nói chung và nông sản nói riêng được tỉnh Hà Nam xác định vừa là giải pháp, vừa là yêu cầu cần thiết để tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm. Sở (KH và CN) đã tham mưu tích cực để tỉnh Hà Nam có chính sách ưu đãi phù hợp hỗ trợ nông dân và các tổ chức nông dân in tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho các sản phẩm nổi tiếng, đem lại kết quả thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng. Nhận thấy việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng, giúp người sản xuất và tiêu dùng có mối quan hệ gắn kết nhờ sự hỗ trợ tích cực của công nghệ. Từ đó, những sản phẩm nông sản, tiểu thủ công làng nghề của tỉnh Hà Nam có nhiều điều kiện và cơ hội thuận lợi để tiếp cận với các thị trường lớn trong nước và nước ngoài. Thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, tạo động lực và cơ hội để các tổ chức và cá nhân yên tâm mở rộng sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao chất lượng cạnh tranh, có thể khẳng định thương hiệu và ngày càng đứng vững trên thị trường, tạo nguồn thu bền vững. Ðiều đó cho thấy, trong sản xuất, kinh doanh, nhãn hiệu gắn với một sản phẩm cụ thể là bước đầu tiên trong quá trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; nó có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho khách hàng phân biệt với các sản phẩm cùng chủng loại khác. Về mặt thương mại, thương hiệu có giá trị vô cùng lớn.

Hà Nam là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu vùng. Ðây là một sáng kiến của ngành KH và CN Hà Nam đề xuất với các nhà khoa học, các cơ quan trung ương xây dựng hình thức bảo hộ tài sản trí tuệ một cách cụ thể, phù hợp. Ðến nay, tỉnh Hà Nam có 29 tổ chức, cá nhân trên địa bàn được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho các sản phẩm như: Ổi, bưởi, dưa lưới chất lượng cao, đông trùng hạ thảo, rau hữu cơ, long nhãn, sen sấy, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, nấm hương, nấm linh chi, rượu, miến, bánh đa sợi... Ðây là bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng so với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất.

Về cơ chế chính sách hiện nay, tỉnh đang miễn phí cho người sản xuất in tem truy xuất nguồn gốc. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1733/KH-UBND về việc hỗ trợ xây dựng lô-gô nhãn hiệu và in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản sạch; sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam năm 2018 - 2019. Ngành nông nghiệp cũng có cơ chế hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh cho doanh nghiệp theo Kế hoạch 1381 của UBND tỉnh. Có thể nói cơ chế chính sách của tỉnh rất rõ và rộng. Việc hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm thể hiện rõ sự quan tâm của tỉnh đối với phát triển sản xuất nói chung và nông nghiệp nói riêng.

Ðể có được những kết quả đáng ghi nhận này là nhờ sự phối hợp sát sao, nhuần nhuyễn giữa chính quyền cơ sở với ngành chuyên môn, người sản xuất. Về phía người sản xuất, đã có sự thay đổi về nhận thức, quan tâm bảo đảm các quy trình sản xuất theo quy định và được các cơ quan chuyên môn xác nhận. Cùng với đó việc tiến hành các thủ tục để được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm được giảm thủ tục hành chính tối ưu, đảm bảo việc phân quyền chủ động hoàn toàn cho địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Vai trò của ngành KH và CN

Phát huy vai trò của mình, ngành KH và CN Hà Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy các tổ chức, cá nhân chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hằng năm, Sở KH và CN đều phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ và các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn về sở hữu trí tuệ, về đăng ký, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương cho đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã và người dân. Qua đó nâng cao được nhận thức, thúc đẩy tính tự giác của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, bảo hộ và phát triển uy tín, danh tiếng, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường. Xây dựng và hỗ trợ vận hành được khá nhiều mô hình quản lý, phát triển tài sản trí tuệ hoạt động có hiệu quả như: Nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm bánh đa nem làng Chều, lụa Nha Xá, cá kho Nhân Hậu, trống Ðọi Tam…; nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam cho các sản phẩm đông trùng hạ thảo Minh Ðức, rau hữu cơ Trác Văn, ổi Trác Văn, rau an toàn Liên Hiệp, dưa lưới chất lượng cao…

Ðể thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như khai thác tốt những nhãn hiệu sản phẩm hiện nay, Hà Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, ngành KH và CN cùng với các ngành chuyên môn liên quan tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tích cực thực hiện; duy trì các cơ chế, chính sách hỗ trợ và phải được rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp hơn với thực tiễn. Quá trình thực hiện có sự vào cuộc của các cấp, ngành có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa chủ trương, cơ chế, chính sách về lĩnh vực này đi vào thực tiễn một cách hiệu quả.

Việc thực hiện chương trình góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch có năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các mô hình liên kết đa dạng giữa các hộ dân, tổ hợp tác và hợp tác xã với doanh nghiệp trong việc sản xuất nông sản sạch thông qua ký kết các hợp đồng kinh tế. Ðồng thời, giúp các cơ sở sản xuất nông sản, các cơ sở sản xuất mặt hàng truyền thống đạt chất lượng cao xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Sự chuẩn hóa thông tin trong tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa chính là bảo đảm độ tin cậy của thông tin về sản phẩm, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở.