Gợi ý nộp "hoa hồng" hơn một nửa số kinh phí viết chuyên đề khoa học

Ðề tài KX.06.01/11-15 "Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực hội nhập quốc tế của tổ chức khoa học và công nghệ (KH và CN) Việt Nam" thuộc Chương trình Khoa học xã hội cấp nhà nước (KX.06/11-15) về phát triển năng lực hội nhập do Bộ KH và CN chủ trì. Ngày 27-5-2013, TS Phạm Huyền, Chủ nhiệm đề tài đã có đơn gửi Ban chủ nhiệm Chương trình về việc xin thôi làm chủ nhiệm đề tài nêu trên. Theo TS Phạm Huyền, nguyên nhân chủ yếu để ông làm đơn xin thôi chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước là do Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH và CN quốc tế (Bộ KH và CN) gợi ý chủ nhiệm đề tài nộp "hoa hồng" hơn một nửa số kinh phí viết chuyên đề khoa học.

Bốn lý do xin thôi làm chủ nhiệm đề tài

Theo đánh giá của Ban chủ nhiệm Chương trình KX.06/11-15, đề tài do TS Phạm Huyền làm chủ nhiệm là đề tài cơ bản nhất, đứng đầu trong 12 đề tài của chương trình vì sản phẩm của đề tài là bộ tiêu chí dùng để đánh giá năng lực hội nhập KH và CN của các tổ chức KH và CN Việt Nam. Ðề tài này do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH và CN quốc tế (Bộ KH và CN) chủ trì.

Tháng 11-2012, sau khi bảo vệ thành công thuyết minh đề tài trước các hội đồng khoa học và tài chính, đề tài đã được ký hợp đồng thực hiện với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2014. Sau sáu tháng triển khai đề tài đã thực hiện nhiều nội dung được Ban chủ nhiệm Chương trình KX.06/11-15 đánh giá là một trong những đề tài triển khai có hiệu quả vào thời điểm đó. Cụ thể: Ban chủ nhiệm đề tài đi vào hoạt động nền nếp và nghiêm túc; xây dựng kế hoạch hoạt động trong cả năm; đã hoàn thành một số chuyên đề; thực hiện tốt chuyến đi học tập kinh nghiệm ở Hàn Quốc...

Tuy nhiên, ngày 27-5-2013, TS Phạm Huyền đã làm đơn gửi Ban chủ nhiệm Chương trình KX.06/11-15, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước xin thôi không làm chủ nhiệm đề tài KX.06.01/11-15, sau khi thay đổi giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH và CN (trung tâm). TS Phạm Huyền đã đưa ra bốn nguyên nhân chính để xin thôi làm chủ nhiệm đề tài: Sự thay đổi nguyên tắc làm việc của giám đốc mới không phù hợp và làm cho đề tài không thể tiếp tục triển khai; việc sử dụng ngân sách dành cho đề tài bị dừng lại hơn ba tháng, kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho việc thực hiện đề tài; một số thành viên chủ chốt của ban chủ nhiệm đề tài đã từ chối tiếp tục làm việc trong bối cảnh mới; bản thân chủ nhiệm đề tài cảm thấy không đủ sức khỏe để thực hiện khi đề tài bị kéo dài với các lý do nêu trên. Một trong những nội dung quan trọng của bốn lý do nêu trên khiến TS Phạm Huyền viết đơn xin thôi làm chủ nhiệm đề tài đó là: Giám đốc (Bùi Quang Long - nhậm chức từ đầu năm 2013) gợi ý đề tài đóng góp cho Trung tâm hơn một nửa số kinh phí viết các chuyên đề, thông qua phát biểu ý kiến tại hai buổi làm việc trực tiếp với chủ nhiệm đề tài (ngày 5-2 và 23-4). Theo Giám đốc Bùi Quang Long, đóng góp này được dùng vào các việc: bảo vệ, hội đồng, "đi cảm ơn", quản lý phí, kiểm toán, thanh tra; đóng góp các quỹ như đời sống, công đoàn, dự phòng, rủi ro... TS Phạm Huyền cho biết: Ðối với một đề tài cấp nhà nước, yêu cầu đóng góp này là quá cao và không nhận được sự đồng tình của ban chủ nhiệm. Ngoài ra, lý do đóng góp về trung tâm để phục vụ các mục đích nêu trên không thuyết phục đối với các thành viên của ban chủ nhiệm cho nên tôi không thể quyết định về phần kinh phí đóng góp của đề tài cho đơn vị chủ trì (Trung tâm).

Hai ngày sau, ngày 29-5, Giám đốc Trung tâm Bùi Quang Long đã có Công văn số 44/CV-TTHNQT gửi Ban chủ nhiệm Chương trình KX.06/11-15, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước trả lời về các sự việc mà TS Phạm Huyền đã nêu. Theo Giám đốc trung tâm Bùi Quang Long: "TS Phạm Huyền cho rằng, giám đốc mới gợi ý ông với tư cách là chủ nhiệm đề tài phải đóng góp cho trung tâm 50% số kinh phí viết chuyên đề và bản thân ông tuyên truyền với các thành viên ban chủ nhiệm đề tài yêu cầu này nhằm tạo dư luận không đúng về giám đốc mới cũng như hình ảnh Trung tâm đối với các thành viên ban chủ nhiệm là người ngoài trung tâm".

Ban chủ nhiệm chương trình "thờ ơ" với đơn xin thôi làm chủ nhiệm đề tài

Một trong những tài liệu quan trọng để chúng tôi tìm hiểu việc Giám đốc Trung tâm có gợi ý chủ nhiệm một đề tài cấp nhà nước nộp hơn một nửa kinh phí viết chuyên đề khoa học hay không đó là hai băng ghi âm, ghi lại cuộc làm việc giữa Giám đốc Trung tâm Bùi Quang Long với TS Phạm Huyền, Chủ nhiệm đề tài KX.06.01/11-15 về các việc liên quan triển khai đề tài. Băng thứ nhất ghi cuộc làm việc ngày 5-2, dài 1 giờ 23 phút. Băng thứ hai ghi cuộc làm việc ngày 23-4, dài 1 giờ 39 phút.

Nghe hai băng này chúng tôi thấy có nhiều nội dung, trong đó có một số nội dung liên quan sự việc nêu trên. Sau khi TS Phạm Huyền hỏi Giám đốc Bùi Quang Long: chủ nhiệm đề tài phải nộp cho trung tâm bao nhiêu tiền? Giám đốc Trung tâm Bùi Quang Long trả lời: "Thứ nhất, em nói thẳng không đề nghị gì... mà cái đấy là trách nhiệm của đề tài với kinh nghiệm của anh đã làm chủ nhiệm bao nhiêu đề tài của bộ này thì thông thường cơ quan chủ quản trước kia là Vụ Hợp tác Quốc tế thì phải giữ lại bao nhiêu để mà trang trải tất cả các chi phí. Tất nhiên, đề tài trong bộ là đề tài nhỏ nhưng nó vẫn có các tỷ lệ nhất định gì đó mà anh có thể suy ra đề tài lớn này... thì nó phải thế nào do thiện chí của anh". Trong hai buổi làm việc bàn về chủ đề này, Giám đốc Trung tâm đưa ra hai dẫn chứng có tính chất "gợi ý". Dẫn chứng thứ nhất, nói về việc Giám đốc Trung tâm đã đi tham khảo cách quản lý đề tài của một số đơn vị: "Các nơi khác cùng lắm họ chỉ chi 40% trong tổng số đấy, còn 60% chi cho ngoại giao, đối ngoại, rồi nghiệm thu, lợi nhuận cơ quan,... kiểm toán sau này chứ không phải chi hết tất cả... về nguyên tắc các nơi họ đều phải làm thế. Tức là trong phạm vi chủ nhiệm đề tài được chi 40% tất cả các vấn đề, còn lại các phần ngoại giao bên ngoài là trung tâm phải lo..." (băng ghi buổi làm việc ngày 5-2). Dẫn chứng thứ hai, Giám đốc Bùi Quang Long cho biết, trước đây đã từng viết chuyên đề khoa học: "Viết chuyên đề mà người khác trả, chưa lần nào em được nhận hơn bốn triệu đồng cho một chuyên đề tám triệu đồng... chưa được 50%" (băng ghi buổi làm việc ngày 23-4). Ðó là hai dẫn chứng để chủ nhiệm đề tài tham khảo, sau đó tùy thái độ " thiện chí" của chủ nhiệm đề tài với Trung tâm.

Từ khi TS Phạm Huyền viết đơn gửi các cơ quan chức năng xin thôi làm chủ nhiệm đề tài với các lý do nêu trên, đến nay (tính đến ngày 30-11) đã hơn sáu tháng, nhưng Ban chủ nhiệm Chương trình KX.06/11-15 chưa đưa ra quyết định là chấp nhận hay không chấp nhận việc xin thôi làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước. Ðiều này dẫn đến việc đề tài KX.06.01/11-15 không được triển khai trong nhiều tháng nay, mặc dù đây là đề tài cơ bản nhất đứng đầu 12 đề tài của Chương trình KX.06/11-15.

Phân tích hai dẫn chứng nêu trên, chúng tôi thấy các đơn vị chức năng của Bộ KH và CN cần điều tra làm rõ đơn vị nào thu 50% số tiền Giám đốc Bùi Quang Long viết chuyên đề? Số tiền đó được dùng vào việc gì? Các nơi chỉ chi 40% kinh phí cho hoạt động triển khai đề tài còn giữ lại 60% để chi cho đối ngoại, lợi nhuận cơ quan... như Giám đốc Bùi Quang Long nói là nơi nào?

Nếu những điều Giám đốc Trung tâm nói là sự thật thì đó là một "thảm họa" về chất lượng các đề tài nghiên cứu, bởi sẽ có nhiều công trình nghiên cứu được nghiệm thu chỉ đáp ứng chất lượng tương ứng với khoảng một nửa kinh phí cấp cho đề tài. Các nhà khoa học và công luận đang chờ câu trả lời chính thức từ Ban chủ nhiệm Chương trình KX.06/11-15 về sự việc nói trên.