Gặp người chế tạo nam châm đất hiếm ở Việt Nam

Chế tạo thành công nam châm đất hiếm là một trong những kết quả của cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp” của GS, TSKH Thân Đức Hiền, nguyên giảng viên Khoa Vật lý, Trường đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng 13 cộng sự. Công trình này được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

GS, TS khoa học Thân Đức Hiền (người bên phải) trong phòng thí nghiệm của Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu. Ảnh: LOAN LÊ
GS, TS khoa học Thân Đức Hiền (người bên phải) trong phòng thí nghiệm của Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu. Ảnh: LOAN LÊ

Năm 1984, thông qua một giáo sư người Nhật Bản, GS, TS Thân Đức Hiền và các cộng sự biết được thế giới đã tạo được nam châm Nd2Fe14B chứa đất hiếm cường độ cực mạnh. Nhóm gấp rút bắt tay vào nghiên cứu và một năm sau chế tạo thành công nam châm Ce(CoCuFe)5 với năng lượng từ đạt từ 5 đến 8 MGOe và nam châm Nd 2Fe14B với năng lượng từ đạt 40 MGOe, cao hơn 10 lần so các nam châm truyền thống ở nước ta lúc bấy giờ và tiếp cận với chỉ số kỹ thuật của thế giới. Hai năm sau khi được chế tạo thành công, tại Hội chợ triển lãm khoa học, kỹ thuật toàn quốc ở Giảng Võ, sản phẩm nam châm đất hiếm đã được trao Huy chương vàng. Ngay sau đó, sản phẩm được nhiều công ty trong nước đến đặt hàng vì nhu cầu ứng dụng nam châm từ đất hiếm rất cao. Các nam châm đất hiếm do cụm công trình chế tạo đã được ứng dụng trong các sản phẩm như đồng hồ đo nước, mô-tơ nước, công-tơ điện... Nghiên cứu thành công ứng dụng nam châm đất hiếm cũng góp phần thúc đẩy việc sử dụng vật liệu mới, công nghệ mới vào trong các thiết bị ở trong nước. “Nam châm bé, sức hút mạnh cho nên giảm kích thước của thiết bị. Ngay cả chiếc điện thoại di động các bạn đang sử dụng đều dùng nam châm đất hiếm”, GS, TS Thân Đức Hiền cho biết.

Để chế tạo nam châm đất hiếm phải kể đến quá trình nghiên cứu bền bỉ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản từ trước đó của GS, TS Thân Đức Hiền và nhóm nghiên cứu. Năm 1977, phòng thí nghiệm đầu tiên về vật lý nhiệt độ thấp ra đời với sự hợp tác, hỗ trợ của Trường đại học Hà Lan, đặt tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng từ phòng thí nghiệm này, GS, TS Thân Đức Hiền cùng các cộng sự trẻ đã thực hiện thành công nghiên cứu hóa lỏng hêli ở nhiệt độ âm gần tuyệt đối là -269 độ C. Đây được coi là thành tích đáng tự hào của khoa học Việt Nam thời điểm năm 1979, mở đầu cho những nghiên cứu sau này. Kết quả cho thấy các cán bộ Phòng thí nghiệm vật lý nhiệt độ thấp có thể triển khai các nghiên cứu vật liệu ở vùng hêli lỏng. Năm 1981, GS, TS Thân Đức Hiền trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội nghị quốc tế về vật lý nhiệt độ thấp ở Lốt An-giơ-lét (Mỹ). Sau đó, bản báo cáo đã được in trong Tạp chí khoa học Physica. Sau khi hóa lỏng được hêli và ni-tơ, ông và các cộng sự dùng chất lỏng đó để nghiên cứu vật liệu ở vùng nhiệt độ thấp, theo đuổi hướng nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp. Theo GS, TS Thân Đức Hiền, lúc bấy giờ, đây là loại vật liệu được nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới quan tâm nghiên cứu, có nhiều tính chất vật lý rất lý thú và đã có nhiều ứng dụng. Trong khi đó, vật liệu ở Việt Nam có tiềm năng nghiên cứu phát triển và ứng dụng, nguồn tài nguyên phong phú về đất hiếm. Các nhà khoa học địa chất, hóa học cũng đã tìm kiếm được nguyên tố đất hiếm ở tây bắc và miền trung.

Trong hơn 20 năm thực hiện, cụm công trình nghiên cứu về vật liệu từ kim loại đất hiếm đã công bố hơn 80 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, trong đó có 50 bài báo được trình các Hội đồng xét duyệt. Trong giai đoạn 1980-2002, số lượng trích dẫn các bài báo lên tới hơn 1.000 lần. Điều đó chứng tỏ những vấn đề nghiên cứu đã được các phòng thí nghiệm trên thế giới quan tâm. Các nghiên cứu cơ bản của cụm công trình đã góp phần vào sự hiểu biết cơ bản về tính chất từ của hợp kim liên kim loại, đất hiếm - kim loại chuyển tiếp.

Là một trong những người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của ngành khoa học vật liệu Việt Nam, ở tuổi 77, GS, TS Thân Đức Hiền vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học và tâm huyết truyền dạy, đào tạo các cán bộ khoa học có trình độ cao về vật liệu. Theo ông: “Cái gì thế giới làm được thì ở Việt Nam, các nhóm nghiên cứu nếu có điều kiện cũng đều có thể làm được, thậm chí là những công trình ngang tầm quốc tế. Tôi chỉ mong muốn cán bộ khoa học trẻ hãy xác định cho mình một nhiệm vụ, đó là phục vụ đất nước chứ đừng bao giờ đòi hỏi trước”. Đó dường như là một lẽ sống mà cả cuộc đời nghiên cứu đầy say mê, ông và các thế hệ nhà khoa học đi trước đã sống và cống hiến như thế…