Doanh nghiệp chưa quan tâm hoạt động nghiên cứu và phát triển

Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, có thể tạo đột phá trong sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Thế nhưng, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều tới hoạt động R&D, khiến họ khó giành thế chủ động trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài.

Sản xuất linh kiện điện tử cho bóng đèn LED ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội). Ảnh: KHÁNH AN
Sản xuất linh kiện điện tử cho bóng đèn LED ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội). Ảnh: KHÁNH AN

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi khoảng 1,6% doanh thu hằng năm cho R&D, trong khi tỷ lệ này ở Ma-lai-xi-a là 2,6% và Lào là 14,5%. Các doanh nghiệp Việt Nam có kiến thức, bằng sáng chế nhưng ít khi áp dụng những nghiên cứu mới vào quá trình hoạt động dẫn đến không tạo được sự đổi mới. Theo các chuyên gia, hoạt động R&D đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ, được thể hiện ở nhiều khía cạnh như: Tăng cường năng lực công nghệ, bắt kịp xu thế thị trường, thúc đẩy tốc độ phát triển và bảo đảm trước sự gia tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải trích từ 3% đến 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập trước thuế tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp thờ ơ trước những quy định này, hoặc trông chờ nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN), phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, doanh thu thấp, như vậy lợi nhuận trước thuế không nhiều, nếu chỉ dành 10% để đầu tư cho R&D thì khoản kinh phí này cũng không đủ để đổi mới hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa chú trọng R&D thì chắc chắn sẽ tạo sự không công bằng trong hệ thống doanh nghiệp. Ngoài ra, theo quy định, phần kinh phí chi cho R&D của doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập, nhưng các cơ quan thuế vẫn xử lý khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc này, chỉ có một số ít doanh nghiệp thật sự hiểu và có ý chí mới đầu tư cho R&D.

Nhiều năm nay, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông được đánh giá là đơn vị có hoạt động đầu tư cho R&D thông minh, hiệu quả khi dành 2% doanh thu đầu tư cho các dây chuyền công nghệ tiên tiến và 20% lợi nhuận sau thuế đầu tư cho R&D. PGS, TS Đỗ Xuân Thành, Giám đốc khoa học Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông cho biết, lãnh đạo công ty luôn nhận thức sâu sắc về vai trò của KH và CN đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Điều này được thể hiện bằng việc nghiên cứu ở Rạng Đông đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất và luôn có đầu ra cho các nghiên cứu. Không chỉ có Rạng Đông, nhiều đơn vị cũng đầu tư cho R&D nhiều năm nay và có những thành công nhất định như: Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương), Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam…

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc hạn chế tối đa 10% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D đang trở nên bất cập, khi nhiều doanh nghiệp muốn có mức đầu tư lớn hơn và họ vẫn phải nộp thuế phần đầu tư lớn hơn 10%. Trong khi đó, với những doanh nghiệp đang đầu tư lớn hơn 10% lợi nhuận cho KH và CN, có thể Nhà nước sẽ thất thu thuế nếu doanh nghiệp nhận được ưu đãi, nhưng đổi lại xã hội sẽ nhận được các sản phẩm mới, công nghệ mới kéo theo nhiều lợi ích khác.

Tiến sĩ Nguyễn Quân cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH và CN một cách hiệu quả, tạo dựng một đơn vị nghiên cứu của chính họ. Doanh nghiệp có cơ chế thu hút nhà khoa học giỏi đến làm việc, nghiên cứu trực tiếp tại đơn vị và giải quyết những vấn đề của chính doanh nghiệp. Còn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay vì đầu tư một khoản nhỏ từ doanh thu trước thuế cho R&D thì có thể liên kết cùng xây dựng các quỹ đầu tư cho KH và CN dựa trên hình thức đóng góp. Mỗi năm sẽ lần lượt sử dụng quỹ để đầu tư tập trung cho một doanh nghiệp thì mới có hiệu quả.