Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tại địa phương

Thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng phục vụ thực hiện các chương trình, đề án kinh tế - xã hội. Trung bình có hơn 70% kết quả nghiên cứu được đưa vào ứng dụng, đóng góp thiết thực trong thực tế.

Cam Cao Phong tăng giá trị sau khi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ảnh: ĐĂNG ANH
Cam Cao Phong tăng giá trị sau khi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ảnh: ĐĂNG ANH

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) năm 2019, Bộ đã xem xét hỗ trợ các địa phương triển khai được gần 200 nhiệm vụ KH và CN thuộc các chương trình như: Chương trình nông thôn miền núi, đổi mới công nghệ, quỹ gien, chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ. Các nhiệm vụ tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Hầu hết các nhiệm vụ được triển khai xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương và vùng, vì thế, kết quả nghiên cứu đã sát thực tiễn, có khả năng ứng dụng ngay trong quá trình triển khai thực hiện. Nhờ đó, nâng cao được giá trị của các sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một số sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao nhờ được hỗ trợ đồng bộ theo chuỗi, là sản phẩm chủ lực của tỉnh và vùng như: Chè hoa vàng, hà thủ ô (Cao Bằng); chè (Thái Nguyên); nhãn, xoài, rau ở Sơn La; cam, quýt (Hòa Bình, Hà Giang); thủy, hải sản (Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu)… Các địa phương cũng đã triển khai thực hiện 3.707 nhiệm vụ KH và CN các cấp trong năm 2019; dành khoảng 70% kinh phí sự nghiệp KH và CN từ ngân sách nhà nước để chi hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ.

Lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm tỷ lệ nghiên cứu, ứng dụng lớn nhất của hầu hết địa phương. Kết quả của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của KH và CN thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất. Riêng ngành thủy sản, KH và CN đã góp phần đưa các giống mới và có ứng dụng công nghệ nuôi trồng vào thực tế, cho nên trong năm qua, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đều tăng khá. Thí dụ, tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh nhiều giải pháp thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, nhất là nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả. Khánh Hòa phát triển bền vững mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp…

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH và CN địa phương (Bộ KH và CN) Chu Thúc Ðạt, có được các kết quả nêu trên là do các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã coi KH và CN là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó quan tâm nhiều hơn tới ứng dụng KH và CN trong nâng cao giá trị và hiệu quả của sản xuất các sản phẩm chủ lực. Chỉ đạo các cấp, ngành thực thi các giải pháp để tiếp cận các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 áp dụng trong điều kiện cụ thể của địa phương. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, một số vướng mắc cần tháo gỡ như cần có cơ chế và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ KH và CN mang tính liên tỉnh, liên vùng nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm mang quy mô cấp vùng. Ðồng thời, cần có cơ chế phối hợp quản lý, tham gia của địa phương đối với các nhiệm vụ cấp quốc gia triển khai tại địa phương, nhất là việc tiếp nhận, chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Hiện nay, nhiều nhiệm vụ khi nghiệm thu đạt kết quả, nhưng địa phương không nắm được để triển khai nhân rộng.

Bộ KH và CN cho biết, thời gian tới, các địa phương cần coi doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương, là đối tượng trung tâm để áp dụng KH và CN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thông qua các hoạt động như: hỗ trợ đổi mới công nghệ, nghiên cứu khoa học để cải tiến công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu...