Công trình ghép tạng giành Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước năm 2005

Ghép tạng là phẫu thuật lấy tạng không bị bệnh từ người sống hoặc người chết não, ghép vào cơ thể người bệnh, nhằm duy trì sự sống cho con người. Ghép tạng được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là một trong mười thành tựu khoa học lớn nhất của thế kỷ 20. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học nước ta đã nghiên cứu về ghép tạng, trước tiên là ghép thận. Bộ Quốc phòng, Y tế, Khoa học và Công nghệ đã giao Học viện Quân y chủ trì, tổ chức tập hợp các nhà khoa học y học trên toàn quốc để cùng triển khai, nghiên cứu về ghép thận, chủ trì đề tài: "Nghiên cứu một số khía cạnh về ghép thận để phục vụ việc ghép thận trên người". Năm 1992, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài, các nhà khoa học, y học của nước ta đã thực hiện thành công ca ghép thận trên người tại Học viện Quân y. Chỉ hơn một năm sau, các nhà khoa học y học nước ta đã độc lập ghép thành công, không có sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài.

Ðến nay, kỹ thuật ghép thận đã thành công phẫu thuật thường quy, được nhân rộng ra bảy cơ sở y tế trên toàn quốc và đã có 155 người bệnh (tính đến 4-2005) được cứu sống nhờ kỹ thuật ghép thận. Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, các nhà khoa học y học đã triển khai nghiên cứu kỹ thuật ghép gan. Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Học viện Quân y chủ trì hai đề tài cấp Nhà nước về ghép tạng và chủ trì dự án ghép tạng của Bộ Y tế từ năm 1997 đến tháng 4-2003.

Ngày 31-1-2004, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, tại Học viện Quân y, các nhà khoa học y học đã thực hiện thành công ca ghép gan trên người đầu tiên. Ðây là một thành tựu lớn của nền y học Việt Nam, và cũng là một bài học quý để có cơ sở thực tiễn và khoa học cho việc xây dựng chiến lược ghép tạng sau này. Hơn nữa, thành công của việc ghép tạng đã trở thành động lực cho sự phát triển trong các lĩnh vực ngoại khoa, nội khoa, vi phẫu, gây mê hồi sức, miễn dịch, giải phẫu, chẩn đoán hình ảnh, dược học...

Nhiều luận văn tiến sĩ, thạc sĩ đã bảo vệ thành công dựa trên kết quả nghiên cứu của các đề tài về ghép tạng. Các đề tài, dự án đã xây dựng được quy trình tuyển chọn người nhận và cho tạng, đánh giá quy trình ghép tạng ở cộng đồng, xây dựng quy trình chuyên môn và quy trình tổ chức chỉ huy, điều hành, tập hợp, huy động nhân lực khoa học toàn quốc để thực hiện những ca ghép tạng kỹ thuật công nghệ y học cao. Tạo ra đội ngũ cán bộ khoa học có chuyên môn cao, có năng lực tổ chức thực hiện được các công trình nghiên cứu tiếp về ghép tạng như: ghép tim, phổi, tụy... sau này.

Ghép tạng thành công đã phát triển tính nhân bản, nhân văn, nhân đạo trong quan hệ giữa người hiến tạng và người nhận tạng; cải thiện và nhân rộng tình yêu thương đồng loại.

Hội đồng Giải thưởng quốc gia đánh giá: lần đầu thực hiện thành công kỹ thuật ghép tạng ở nước ta - một kỹ thuật cao, đòi hỏi sự hợp tác đồng bộ của nhiều ngành khoa học (lâm sàng, huyết học, miễn dịch, dược lý...), đã góp phần nâng cao vị thế của nền y học nước nhà. Các nhà khoa học y học đã thực hiện thành công 155 ca ghép thận trong 13 năm (1992-2005) trên tám cơ sở trong cả nước. Ghép gan còn ở điểm khởi đầu (thực hiện thành công một ca đầu do chuyên gia nước ngoài phối hợp) nhưng có nhiều triển vọng.

Công trình nói trên đã mở ra một chuyên ngành mới "ghép tạng" ở Việt Nam. Công trình có giá trị khoa học và công nghệ đặc biệt xuất sắc. Giá trị kinh tế của công trình bị hạn chế, do Việt Nam chưa có Luật Hiến tạng.