Chuẩn bị nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), mặc dù khoa học và công nghệ (KH và CN) đóng vai trò thiết yếu, mang đến tiềm năng to lớn, nhưng con người vẫn là nhân tố quyết định để phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, để Việt Nam không bị chậm nhịp trong CMCN 4.0, cần những cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực là những người trẻ có trình độ về cống hiến cho đất nước.

Trong bối cảnh hội nhập và xu thế của cuộc CMCN 4.0 là trí tuệ nhân tạo (AI), in-tơ-nét kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, rô-bốt… đã mở ra nhiều cơ hội, nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức. Nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung, cầu lao động, ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực hiện tại khi có sự tham gia của rô-bốt và AI. Bắt kịp cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia phải có sự thay đổi về nhân lực tại các lĩnh vực có liên quan đến công nghệ thông tin, khi hiện nay hầu như mọi hoạt động đang dựa trên dữ liệu, khai phá dữ liệu để dựa vào đó có thể tác động ngược lại đối với xã hội. Ðơn cử như mạng xã hội Facebook, mạng tìm kiếm Google đang được sử dụng miễn phí, nhưng ngược lại họ nắm được dữ liệu ghi nhận hành vi của mỗi cá nhân về nhận thức, địa điểm du lịch, sở thích… qua đó xác định được người dùng thuộc thành phần nào để tính toán đưa những quảng cáo hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Việt Nam mặc dù đã có những công ty lớn về công nghệ thông tin cũng xây dựng các chương trình thu thập, phân tích dữ liệu, nhưng thực tế vẫn còn thiếu hụt về nhân lực, cơ sở vật chất, hệ thống tính toán để có thể triển khai trên quy mô lớn. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao đang đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những chương trình, đưa dữ liệu cho máy tính, qua đó điều khiển và làm chủ công nghệ để ứng dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự kiến trong cuộc CMCN 4.0 nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời, đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Ngoài ra, Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa khai phá hết các tiềm lực khi chưa huy động được đội ngũ nhân lực yêu khoa học, ham học hỏi. Mặt khác, hệ thống đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; phương thức đào tạo vẫn cũ, thiếu sự gắn kết với thực tiễn khiến nguồn nhân lực sau khi đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Nhất là các nhà khoa học khi làm nghiên cứu thiếu cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và còn làm nghiên cứu theo sở thích chứ chưa thực hiện theo nhu cầu của thực tiễn.

Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Ðình Thắng cho rằng, nguồn nhân lực là động lực quan trọng để đưa đất nước tiến vào CMCN 4.0. Mặc dù chúng ta có tiềm năng rất lớn về con người, nhưng lại đang thiếu những chuyên gia hàng đầu về những lĩnh vực cao như AI, dữ liệu lớn… Do đó, cần xây dựng chương trình đào tạo theo phương thức truyền thống và đào tạo nhanh thì mới cung cấp được nguồn nhân lực cho xã hội. Thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp cho rằng đang gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng, hoặc lao động được tuyển không đáp ứng được yêu cầu của công việc mà phải qua đào tạo, tập huấn lại. TS Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, đối với việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 thì Nhà nước chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, còn lại hãy để cho các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu quyết định phù hợp với nhu cầu. Hơn nữa, bất kỳ một dự án về khoa học mang tính chất đột phá thì khi khởi đầu sẽ không có đủ nhân lực vì mang tính chất mới, sáng tạo. Phải có sự kết hợp giữa đào tạo mới, tái đào tạo và thuê khoán chuyên gia trong và ngoài nước để tạo ra một đội ngũ có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Bên cạnh đó, cần tìm giải pháp để thu hút lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt trẻ tài năng trên thế giới trong các lĩnh vực công nghệ về Việt Nam phát triển. Ðó là phải có những chính sách đãi ngộ hợp lý, môi trường để họ "dụng võ" giúp họ phát huy hết khả năng đóng góp của bản thân. Theo GS Vũ Hà Văn (Trường đại học Tổng hợp Yale - Mỹ), Việt Nam chỉ có thể thu hút được nhân tài về nước làm việc khi tạo dựng được hệ sinh thái và môi trường làm việc tương đương với nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nguồn nhân lực có thể phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì một mặt cần thay đổi phương thức đào tạo tại các cơ sở theo yêu cầu của thị trường. Mặt khác cần chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm thúc đẩy trình độ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của Việt Nam bám sát với thế giới. Nhất là cần tạo mối liên kết giữa nhà trường, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp. Gắn kết hoạt động đào tạo với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào tạo; hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường đại học gắn với doanh nghiệp; hình thành các cơ sở đào tạo ngay tại doanh nghiệp, chia sẻ nguồn lực chung, đáp ứng nhu cầu thị trường nhân lực cho CMCN 4.0.