Cần nghiên cứu sâu về gen trong chọn tạo giống mới

NDO -

NDĐT - Khoa học công nghệ là giải pháp trọng yếu, là động lực để các lĩnh vực nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng phát triển nhanh, bền vững. Bởi vậy, thời gian tới các đơn vị nghiên cứu khoa học cần tập trung, quyết liệt đầu tư sâu hơn nữa, nhất là trong việc nghiên cứu về gen trong chọn tạo giống mới.

Cần phải tích cực đưa khoa học công nghệ để nghiên cứu về gen để chọn tạo ra giống mới.
Cần phải tích cực đưa khoa học công nghệ để nghiên cứu về gen để chọn tạo ra giống mới.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Thường trực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn tại hội thảo “Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp: Thành tựu và định hướng phát triển” tổ chức ngày 26-6, tại Hà Nội.

Nhiều hạn chế trong chuyển giao công nghệ khoa học

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, 10 năm qua (2011-2020) ghi nhận sự thay đổi trong phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây cũng là giai đoạn công tác quản lý khoa học công nghệ có sự đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu của Đề ái tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Cụ thể, trong giai đoạn qua, các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã góp phần tạo ra các sản phẩm được áp dụng trong thực tiễn sản xuất như: các giống mới, các tiến bộ kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia. Tiêu biểu, đã có 134 giống mới các loại, 27 tiến bộ kỹ thuật được Bộ NN-PTNT công nhận, xây dựng được 83 tiêu chuẩn Việt Nam…

Báo cáo tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết thêm, trong giai đoạn 2011-2020, các đơn vị nghiên cứu trong ngành đã tích cực triển khai các hợp đồng dịch vụ, sản xuất kinh doanh cung cấp cây giống lâm nghiệp, trồng rừng cung cấp nguyên liệu. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao giống gốc, công nghệ mô – hom, công nghệ xây dựng các vườn giống và rừng giống cho gần 40 đơn vị sản xuất giống với số lượng trung bình 500 nghìn giống gốc mỗi năm. Thông qua kết quả nghiên cứu và phát triển, sự hỗ trợ của các chương trình dự án như: Chương trình giống, chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất, các dự án khuyến lâm, đã góp phần tăng tỷ lệ sử dụng cây vô tính trồng rừng, bình quân trong cả nước đạt khoảng 30%.

Cần nghiên cứu sâu về gen trong chọn tạo giống mới ảnh 1

Việc nghiên cứu chọn tạo ra những cây giống chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng chỉ rõ những hạn chế của chuyển giao khoa học lâm nghiệp hiện nay. Cụ thể, dịch vụ khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh của các đơn vị nghiên cứu trong những năm gần đây mặc dù đã được đẩy mạnh, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất, đặc biệt là việc cung ứng cây giống chất lượng cao cho trồng rừng ở các vùng sinh thái.

Việc thu hút cán bộ khoa học công nghệ giỏi còn gặp khó khăn khi chính sách chưa thực sự hấp dẫn. Chưa có các chính sách cụ thể để thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ ở nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thiếu quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên.

Cần xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học

Tại hội thảo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá, khoa học công nghệ là giải pháp trọng yếu, là động lực để các lĩnh vực nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn trong thời gian qua.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, thời gian tới, các đơn vị nghiên cứu khoa học cần tập trung, quyết liệt đầu tư sâu hơn cho nghiên cứu về gen trong chọn tạo giống mới; tiếp tục về nghiên cứu về giống với công nghệ sinh học; nghiên cứu về dịch bệnh cây trồng lâm nghiệp; tập trung nghiên cứu về hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng tự nhiên để định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất thời gian qua đã được tập trung đầu tư nhưng nhiều khâu còn bỏ trống. Những ứng dụng trong chế biến, bảo quản lâm sản của các đơn vị nghiên cứu còn đi sau doanh nghiệp. Do đó, các đơn vị cần định hướng rõ hơn trong đầu tư khoa học công nghệ trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn "bỏ ngỏ" nghiên cứu về giám sát, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng… Những ứng dụng công nghệ mới trong quản lý còn hạn chế. Bước sang giai đoạn mới, các đơn vị nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp công phải xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học gắn với chủ trương mới của Đảng, Nhà nước khả thi và khát vọng cao hơn.

“Các đơn vị phải chủ động tìm tòi, đổi mới, sáng tạo và tự chủ cao; hướng về cơ sở, gắn với tái sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), nghiên cứu khoa học công nghệ lâm nghiệp cần tập trung ưu tiên vào phục vụ quản lý, sản xuất, thị trường, hội nhập. Các viện, trường cần liên kết doanh nghiệp trong đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao.

Các chương trình khoa học công nghệ cần cơ cấu lại theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; đồng thời xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ.

Các viện, trường, trung tâm cần có các vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo nhằm khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm thật sự và có thể phổ biến rộng rãi.