Cán bộ nghiên cứu: Số lượng nhiều, hiệu quả thấp

Sinh viên khoa Cử nhân tài năng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đang thực tập trong phòng thí nghiệ
Sinh viên khoa Cử nhân tài năng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đang thực tập trong phòng thí nghiệ

Khoa học xa rời cuộc sống

Theo số liệu mới nhất từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Việt Nam hiện có một đội ngũ 5 vạn người đang làm việc trực tiếp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học thuộc 1.102 cơ sở trên cả nước.

Mỗi năm kinh phí  cho hoạt động nghiên cứu và phát triển lên tới 200 triệu USD. Chúng ta cũng đã có trên 1,4 vạn tiến sĩ và 1,6 vạn thạc sĩ. Đây là niềm tự hào bởi con số này cao gấp  gần năm  lần so với Thái-lan và gần 6 lần so với Malaysia.

Nhưng nhìn lại trên góc độ hiệu quả thì thật đáng buồn, trình độ công nghệ nói riêng và kinh tế nói chung Việt Nam còn thua Thái-lan và Malaysia tới vài chục năm! Thậm chí, chúng ta chưa tự làm nổi chiếc đinh vít cho ra đinh vít!?

Chuyện thật 100% là Công ty Canon Việt Nam rất mong muốn tăng tỷ lệ  nội địa hóa các sản phẩm  máy ảnh, máy in và máy photocopy của mình nên sẵn sàng tìm đến các DN nội địa để đặt hàng “món” đinh vít đạt chuẩn ISO. Nhưng như lời ông Tổng giám đốc người Nhật là “thất vọng” vì đến nay vẫn không có DN trong nước nào sản xuất được!

Chuyện này giống với việc Tổng giám đốc Vinamotor, dù có hàng chục luận án tiến sĩ về tôi thép và cơ khí nhưng trong nước vẫn chưa tự làm được con ốc cho xe máy, ô-tô đạt tiêu chuẩn quốc tế (cứ vặn là trờn ren). May quá, mấy năm nay đã có một liên doanh với Canada ở Khánh Hòa chuyên làm ốc rồi!

Tại cuộc gặp giữa các nhà khoa học, công nghệ với Thủ tướng Phan Văn Khải cuối tháng 9 vừa qua, không ít nhà khoa học có tâm huyết đã tự kiểm: Tư tưởng “khoa học vị khoa học” còn khá phổ biến. Nhiều đề tài nghiên cứu tiêu tốn bạc tỷ để rồi đút ngăn kéo, thậm chí ngay như việc đơn giản như “đánh số nhà” cũng trở thành một đề tài nghiên cứu!

Có không ít đề tài nghiên cứu những vấn đề “trên trời, dưới biển” quá xa rời thực tế cuộc sống, trong khi bà con nông dân hàng năm vẫn phải đổ hàng chục nghìn tấn hoa quả tươi khi vào vụ thu hoạch rộ, rồi bất lực trước dịch cúm tiêu diệt hàng triệu con gia súc, gia cầm.

Xét riêng về hoạt động của các cơ sở nghiên cứu thì thấy một thực tế đáng buồn: ngoài lĩnh vực bưu chính-viễn thông, dầu khí, lắp ráp hàng điện tử tiêu dùng thì trình độ công nghệ của  các ngành sản xuất nước ta lạc hậu khoảng 2 đến 3 thế hệ  so với công nghệ các nước trong khu vực. Trang thiết bị  của các viện nghiên cứu, trường đại học đã không đồng bộ lại còn lạc hậu so với ngay cả các cơ sở sản xuất tiên tiến trong nước.

Còn trong lĩnh vực sáng chế, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ thì tới  96-99% số đơn đăng ký và số văn bằng bảo hộ đã cấp  tại Việt Nam từ năm 1996 đến nay là  của người nước ngoài. Thực tế là phần lớn các kết quả nghiên cứu chỉ dừng ở phạm vi phòng thí nghiệm, chưa tạo  thành công nghệ hoàn chỉnh  để có thể chuyển giao cho sản xuất.

Phải sớm chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp

Nguyên nhân của thực trạng yếu kém và những nghịch lý trong nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam đầu tiên phải nói đến cơ chế quản lý.

Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ còn tập trung chủ yếu vào các yếu tố  đầu vào, chưa chú trọng đúng mức đến quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển chưa gắn với nhu cầu phát triển KT-XH.

Quản lý cán bộ khoa học công nghệ ở các cơ sở nghiên cứu thuộc khu vực Nhà nước vẫn theo chế độ công chức, bao cấp đã hạn chế khả năng lưu chuyển và đổi mới cán bộ khoa học công nghệ. Chúng ta lại chưa có chính sách  tạo động lực  thu hút, trọng dụng nhân tài.

Hệ thống tổ chức khoa học công nghệ  của Việt Nam vẫn là hệ thống hành chính bao cấp của 3-4 chục năm trước, đã tạo sức ì lớn và cản trở phát triển khoa học công nghệ. Có tới gần 44% cơ sở nghiên cứu của Nhà nước  dựa hoàn toàn vào nguồn kinh phí ngân sách. Số tự bảo đảm được kinh phí hoạt động chỉ hơn 19% (nhưng thực chất đó chỉ là các tổ chức dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ).

Xu hướng tách biệt giữa cơ sở nghiên cứu với trường đại học, DN và nhà quản lý vẫn đang có nguy cơ gia tăng. Tình trạng  cồng kềnh, trùng lặp trong một ngành, một lĩnh vực có nhiều cơ sở nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ giống nhau, triển khai đề tài trùng lặp nhau, không liên kết với nhau khá phổ biến.

Trong khi đó, cơ chế quản lý kinh tế hiện vẫn còn duy trì sự bao cấp gián tiếp của Thiếu cơ chế chính sách hữu hiệu để gắn kết giữa khoa học công nghệ với sản xuất kinh doanh và khuyến khích DN ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Một điều quan trọng là chúng ta chậm triển khai mô hình DN khoa học công nghệ. Vì thế Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiến nghị Chính phủ  đẩy nhanh tiến độ chuyển các cơ sở nghiên cứu sang hoạt động theo hình thức DN khoa học công nghệ.

Nếu có nhiều DN khoa học công nghệ thì Nhà nước chỉ cần chăm lo chủ yếu cho loại phát triển cưỡng bức, đặt ra các yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ rất cụ thể, chẳng hạn 3 năm làm ra chip điện tử, 7 năm giải quyết xong giống chuyển gen, 10 năm làm ra vệ tinh...Và các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu thực hiện theo đơn đặt hàng.

GS-TS KH Trần Xuân Hoài, Viện trưởng Viện vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học từng phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng hôm 24-9 rằng: Chỉ cần 2-3% số DN khoa học công nghệ trưởng thành được thì xã hội  đã thu được lợi lớn rồi, bởi kinh nghiệm  thế giới cho thấy “DN khoa học công nghệ là vườn ươm tốt nhất cho xã hội”.