Khoa học ngày nay

Biến thể gien liên quan bệnh gút

Thông qua đề tài “Nghiên cứu đa hình nucleotide đơn (SNP) của một số gien liên quan đến bệnh gút ở người Việt Nam”, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu hệ gien (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) đã tìm ra được biến thể gien liên quan bệnh gút.

Các nhà khoa học đã khảo sát và đánh giá 521 mẫu người bệnh gút và người khỏe mạnh. Kết quả phân tích mối liên quan giữa tần suất allele của các biến thể gien với các đặc điểm lâm sàng của bệnh gút cho thấy, biến thể gien ABCG2 rs72552713 có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh gút và biến thể gien SLC22A12 rs11231825 làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút.

Hiện, các nghiên cứu về bệnh gút chỉ tập trung vào các đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị bệnh. Chính vì vậy, việc nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố di truyền đối với bệnh gút rất cần thiết, tạo cơ sở để ứng dụng vào chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh và điều trị cho người bệnh.

Phát triển rô-bốt phân loại rác

Các nhà khoa học của Mỹ đang phát triển loại rô-bốt có trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) và cải thiện tính năng xúc giác để làm việc trong các nhà máy phân loại và tái chế phế liệu. Rô-bốt phân loại rác nhờ hệ thống ca-mê-ra và máy tính để nhận ra các vật thể cụ thể. Các ngón tay máy có kích thước lớn, được trang bị các bộ cảm biến giúp rô-bốt lấy đồ vật và đặt vào các ngăn thích hợp.

Bộ cảm biến ở ngón tay có thể cải thiện khả năng xúc giác để rô-bốt có thể phát hiện ra nhựa, giấy và kim loại. Mục tiêu của các nhà khoa học là cho rô-bốt làm việc trong môi trường ô nhiễm và nguy hiểm.

Nghiên cứu vắc-xin bằng công nghệ AI

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Ðại học Flinder (Ô-xtrây-li-a) đã phát triển một loại vắc-xin mới được thiết kế bằng một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là SAM. Các nhà khoa học dạy cho chương trình AI về một tập hợp các hợp chất kích hoạt hệ thống miễn dịch của con người và một tập hợp các hợp chất không hoạt động. Công việc của AI sau đó là tự tìm ra loại vắc-xin khác biệt, tốt hơn cho con người. Ðồng thời, các nhà khoa học phát triển một chương trình nhằm tạo ra hàng nghìn tỷ hợp chất hóa học khác nhau để cung cấp cho AI, từ đó AI có thể tìm ra những ứng cử viên là vắc-xin miễn dịch tốt cho con người.

Nhóm nghiên cứu đã đưa những loại vắc-xin do AI tạo ra để thử nghiệm trên động vật. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vắc-xin có khả năng bảo vệ chống cúm cao, vượt trội so với các loại vắc-xin hiện có. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để thử nghiệm trên người. Nếu thành công, phát triển mới này có khả năng rút ngắn quá trình phát triển vắc-xin và tiết kiệm hàng trăm triệu USD.