Mặt trăng Titan của Sao Thổ có nhiều carbon - nguồn gốc sự sống

Các nhà khoa học hy vọng có thể lý giải được nguồn gốc sự sống bằng việc nghiên cứu phản ứng hóa học trong đất của Titan và bầu khí quyển nhờ có một lượng lớn loại chất bùn loãng trên bề mặt bị đóng băng.

Nhà khoa học Jonathan Lunine nói: Cho đến nay chỉ có Trái đất có chứa vật chất hữu cơ, là nguồn gốc của sự sống. Chúng ta đã phải tìm ra một nơi nào đó trong hệ hành tinh mà tiến trình này lặp lại... và dường như điều này xảy ra trên hành tinh Titan.

Những hình ảnh gửi về từ tàu vũ trụ Cassini cũng cho thấy một sự biến đổi lớn về địa chất đã xảy ra trên Titan đi kèm với những đợt phun trào của núi lửa trong quá khứ và sự rạn nứt lớp vỏ mặt đất.

Trong thời gian 44 giờ bay gần Titan, Cassini đã thu thập được hàng trăm bức ảnh và dữ liệu từ rada thăm dò, lần đầu tiên vén bức màn bí ẩn chung quanh hành tinh này.

Theo ông giám đốc JPL Charles Elachi, người đứng đầu nhóm thăm dò, dữ liệu từ rada cho thấy cũng có dấu vết tương tự như dòng nham thạch chảy trên Sao Kim, những lớp trồi lên từ ba phía có thể là những tảng núi đá, và chuỗi các hồ đóng băng có thể chứa các chất hữu cơ.

Dữ liệu từ rada chỉ bao quát khoảng 1% bề mặt Titan, cũng cho thấy lớp vật chất dưới sâu chứa gì đó có vẻ là hữu cơ chứ không chỉ là núi đá.

Theo các nhà khoa học, mặc dù nhiệt độ vùng xích đạo của Titan vẫn thấp hơn nhiều dưới độ đóng băng, những tảng băng đá sâu ở lõi hành tinh có thể là hỗn hợp của chất amoniac, có điểm đóng băng thấp hơn cho phép chúng tan ra và chảy khắp bề mặt mặt trăng dưới dạng phun trào của núi lửa.

Tàu vũ trụ Cassini mang theo một tàu thăm dò Huygens, hy vọng sẽ bay quanh Titan thêm 44 lần nữa trong bốn năm thăm dò Sao Thổ, các vành đai và mặt trăng của nó.

Tháng một tới, Huygens sẽ hạ cánh xuống bề mặt Titan bằng dù để thăm dò bầu khí quyển dày đặc và lớp đất đá của hành tinh.

Chương trình vũ trụ này trị giá ba tỷ USD được khởi hành từ năm 1997 là một dự án kết hợp giữa NASA, các cơ quan vũ trụ châu Âu và Italy.