2.000 người Anh tình nguyện nhiễm Covid-19 để thử nghiệm vaccine

NDO -

Chính phủ Anh đưa ra kế hoạch thử nghiệm thử thách gây tranh cãi để đánh giá hiệu quả của vaccine Covid-19. Những người tham gia sẽ được tiêm một loại vaccine thử nghiệm và khoảng một tháng sau đó tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

Khoảng 2.000 người được cho là đã tình nguyện tham gia thử nghiệm mang tính thử thách này. Ảnh: Sky News.
Khoảng 2.000 người được cho là đã tình nguyện tham gia thử nghiệm mang tính thử thách này. Ảnh: Sky News.

Theo Financial Times, thử nghiệm thử thách đầu tiên trên người đối với virus SARS-CoV-2 sẽ bắt đầu vào tháng 1-2021 tại một cơ sở cách ly an toàn ở Whitechapel, phía đông London.

Những tình nguyện viên khỏe mạnh sẽ được cố ý nhiễm virus SARS-CoV-2 để kiểm tra hiệu quả của vaccine thử nghiệm.

Khoảng 2.000 người ở Anh đã tình nguyện tiêm một trong số các loại vaccine thử nghiệm và sau đó một tháng sẽ nhận một liều virus SARS-CoV-2 trong các điều kiện được kiểm soát.

Các tình nguyện viên đã tham gia thử nghiệm thông qua nhóm vận động 1Day Sooner có trụ sở tại Mỹ tổ chức chiến dịch cho các thử nghiệm lây nhiễm Covid-19 và đã thu hút được 37.000 người trên toàn thế giới.

Các nhà nghiên cứu đằng sau các thử nghiệm, được tài trợ bởi chính phủ Vương quốc Anh, nói với Financial Times rằng các cuộc thử nghiệm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xác định các ứng cử viên vaccine hứa hẹn nhất có khả năng chuyển sang thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2021.

Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết họ đang xem xét hợp tác phát triển tiềm năng của một loại vaccine thông qua các nghiên cứu thử thách con người.

Họ nói thêm: “Những cuộc thảo luận này là một phần công việc của chúng tôi nhằm nghiên cứu các cách điều trị, hạn chế và hy vọng ngăn chặn virus để có thể chấm dứt đại dịch sớm hơn”.

Bất kỳ thử nghiệm nào liên quan đến việc phơi nhiễm virus với con người sẽ cần có sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe Vương quốc Anh (MHRA), cũng như một ủy ban nghiên cứu độc lập.

Thử nghiệm thử thách này đang gây tranh cãi, vì ngay cả những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo do virus và một số bác sĩ cho rằng điều đó đi ngược lại với y đức.

Ngoài ra, họ còn có nguy cơ bị các triệu chứng "Covid kéo dài" tương tự như hội chứng mệt mỏi mãn tính.

Nhưng với mức độ lây lan của virus trong dân số vẫn còn tương đối thấp, các thử nghiệm là cách nhanh nhất để kiểm tra mức độ bảo vệ của vaccine.

Các nhà khoa học cần biết liệu vaccine đang được phát triển có ngăn con người nhiễm virus hay chỉ loại bỏ các triệu chứng.

Tiến sĩ Claire Waddington, giảng viên lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Cambridge cho biết, các thử nghiệm thách thức "được thiết lập như một cách để đẩy nhanh sự phát triển của vaccine".

Bà chỉ ra những thử nghiệm tương tự đang được sử dụng cho vaccine thương hàn, hiện đang được triển khai ở các nước bị ảnh hưởng.

"Khi chúng ta hiểu rõ hơn về Covid-19, chúng ta ngày càng có cơ sở để xác định những người nhiễm Covid-19 nào bị bệnh nhẹ và những người này có thể tham gia một cách an toàn vào một nghiên cứu có kiểm soát lây nhiễm ở người sau khi đánh giá y tế kỹ lưỡng”, bà nói.

"Một mô hình như vậy có thể cung cấp cho chúng ta một số thông tin cực kỳ hữu ích về cách hệ thống miễn dịch phản ứng với Covid-19 và những phản ứng nào có tác dụng bảo vệ, cũng như cung cấp một mô hình để thử nghiệm sớm các ứng cử viên vaccine".

MHRA cho biết: "Sự an toàn của những người tham gia thử nghiệm là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và bất kỳ đề xuất nào từ nhà phát triển bao gồm thử thách lây nhiễm ở người như một phần của thử nghiệm lâm sàng để phát triển vaccine sẽ được xem xét trên cơ sở lợi ích - rủi ro, với các rủi ro được giám sát và giảm thiểu trong quá trình thiết lập thử nghiệm được đề xuất".