Phát huy giá trị các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam

NDO -

NDĐT - Ngày 28-11, tại Đồng Nai, Ủy ban UNESCO Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo tổng kết công tác năm 2018 của mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam và định hướng hoạt động thực hiện Kế hoạch hành động Lima.

Đường vào Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
Đường vào Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Theo Ủy ban UNESCO Việt Nam, nước ta hiện có chín khu dự sinh quyển được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các khu này là nơi bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, cũng như thế giới và bảo tồn, phát triển được nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ của Việt Nam, thế giới.

Tại hội thảo, đại diện các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam cho rằng, vấn đề cốt lõi của khu dự trữ sinh quyển là rừng và hệ động vật, thủy sinh vật. Do đó để phát huy giá trị các khu dự trữ sinh quyển, chính quyền các địa phương cần dành sự quan tâm đối với công tác bảo vệ rừng, bảo đảm đời sống cho các hộ được giao khoán rừng. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giới thiệu, quảng bá khu dự trữ sinh quyển đến với người dân, du khách trong và ngoài nước.

Đối với thực hiện Chiến lược Chương trình con người và sinh quyển thuộc UNESCO và Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới giai đoạn 2016 đến 2025, được các quốc gia phê chuẩn tại cuộc họp Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình con người và sinh quyển UNESCO lần thứ 28, tại Thủ đô Lima, Nước Cộng hòa Peru (gọi tắt là Kế hoạch hành động Lima), năm 2018, các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam đã triển khai, thực hiện Kế hoạch hành động Lima với nhiều hoạt động cụ thể, đạt được nhiều thành công. Trong đó, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), trở thành khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở nước ta xây dựng bản kế hoạch thực hiện được UBND TP Hải Phòng phê chuẩn; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang (Lâm Đồng), xây dựng được mô hình hợp tác, quản lý cho cộng đồng địa phương trong khu dự trữ sinh quyển. Điều này tạo động lực cho các hoạt động phát triển kinh tế của địa phương.

Đối với Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới vào năm 2011. Tổng diện tích gần 970 nghìn ha, trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắc Nông. Trong đó, có hơn 80% diện tích vùng lõi nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh Đồng Nai. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là nơi bảo tồn khá tốt các loài động, thực vật quý hiếm. Ngoài ra, còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của một số địa phương khu vực Đông Nam Bộ.