Khởi động kế hoạch khẩn cấp bảo tồn voi rừng Yok Don

NDO -

NDĐT – Ngày 14-12, trước nguy cơ tuyệt chủng của đàn voi rừng lớn nhất của Việt Nam tại Tây Nguyên, WWF Việt Nam và Vườn Quốc gia Yok Don (VQGYD) đã cam kết Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn voi rừng Yok Don giai đoạn 2016-2020.

Voi rừng tại VQG Yok Don. Ảnh: PHẠM ĐỨC HUY.
Voi rừng tại VQG Yok Don. Ảnh: PHẠM ĐỨC HUY.

Kế hoạch tập trung đẩy mạnh thực thi pháp luật, và giảm thiểu mâu thuẫn voi-người dựa trên hiểu biết về tập tính di chuyển theo mùa của voi và sinh kế thân thiện cho người dân.

Kế hoạch khẩn cấp bảo tồn voi rừng Yok Don được khởi động hôm nay mở đầu cho một loạt các khóa tập huấn cho cán bộ kiểm lâm vườn về tác nghiệp hiện trường và thực thi pháp luật cơ bản theo tiêu chuẩn kiểm lâm châu Á, theo dõi đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh do WWF-Việt Nam hỗ trợ thực hiện.

Song song với việc nâng cao kỹ năng và kiến thức cơ bản về thực thi pháp luật và tác nghiệp hiện trường cho lực lượng kiểm lâm, SMART (công cụ theo dõi và báo cáo hiện trường - Spatial Monitoring and Reporting Tool) sẽ được triển khai toàn diện ở VQGYD để thu thập dữ liệu, giám sát loài và quản lý hoạt động tuần tra một cách chuyên nghiệp. Công cụ này đang được áp dụng hiệu quả ở các khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới, trong đó có hai khu bảo tồn Sao La ở Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. SMART được Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá cao và đang có một chương trình riêng triển khai ở tất cả các vườn quốc gia.

“Vườn chịu áp lực xâm hại rừng từ bốn phía do địa hình bằng và mở. Với nguồn lực có hạn và diện tích vườn rộng nhất trong cả nước, hiệu quả tuần tra đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ rừng khỏi bị xâm hại. SMART sẽ hỗ trợ đắc lực công tác quản lý, điều hành và theo dõi chính xác tình hình tuần tra rừng, các điểm nóng về xâm hại rừng để ban lãnh đạo kịp thời có quyết định can thiệp,” Giám đốc VQGYD, ông Đỗ Quang Tùng nói.

Tây Nguyên là nơi hiện có đàn voi rừng lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 70% quần thể voi rừng toàn quốc. Đàn voi này cũng là nguồn hy vọng lớn nhất về bảo tồn do số lượng cá thể còn nhiều nhất, cơ cấu đàn cho thấy dấu hiệu phục hồi và nguy cơ đồng huyết cận huyết ít hơn các đàn khác trong cả nước. Vì vậy cứu được đàn voi rừng Tây Nguyên là bảo tồn hiệu quả quần thể voi rừng châu Á của Việt Nam.

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, quần thể voi hoang dã ở Việt Nam đã giảm khoảng 95% sau 40 năm (1975-2015). Riêng ở Đác Lắc, trong vòng tám năm (2009-2016) đã có ít nhất 23 cá thể voi rừng bị chết, so với con số ước tính tổng đàn chiếm khoảng 25%, gần 75% trong số voi chết là voi con dưới một tuổi.

Nạn buôn bán trái phép nhưng công khai các sản phẩm ngà voi, lông đuôi voi, da voi, đế chân voi ở các trung tâm du lịch, các quầy bán hàng lưu niệm trên toàn tỉnh và sân bay Buôn Mê Thuột cũng là một đe dọa đối với voi rừng Yok Don. Voi đực bị săn trộm lấy ngà ảnh hưởng đến cơ cấu đàn, ảnh hưởng đến tập tính của cả đàn và về lâu dài voi sẽ tự tuyệt chủng. Các hoạt động phát triển và sinh kế trên lâm phần của các công ty lâm nghiệp vốn là hành lang di chuyển của voi cùng vấn đề di dân tự do đang đẩy mâu thuẫn voi – người ở Đác Lắc ngày càng thêm căng thẳng.

Theo TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, chúng ta cần hành động khẩn cấp để cứu lấy đàn voi rừng. Đây là cơ hội cuối cùng, nếu không số phận của chúng có thể sẽ giống như tê giác Java một sừng, tuyệt chủng tại Việt Nam năm 2010 hoặc loài hổ, hiện không tìm được dấu vết sinh sản nào ngoài tự nhiên trong những năm gần đây.