Cứu hộ thành công một cá thể gấu chó sau 15 năm bị nuôi làm cảnh

NDO -

NDĐT - Ngày 10-12, Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ thành công một cá thể gấu chó được sau 15 năm được nuôi làm cảnh tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ cá thể gấu này sau khi nhận được thông tin của một số thầy thuốc đông y tại địa phương mong muốn tìm nơi bảo đảm điều kiện chăm sóc gấu tốt hơn.

Gấu chó Aurora ước chừng 50 kg được nuôi nhốt 15 năm.
Gấu chó Aurora ước chừng 50 kg được nuôi nhốt 15 năm.

Cá thể gấu cái ước chừng 50 kg, được nuôi nhốt trong khuôn viên một đơn vị sát biên giới Tây Ninh và Campuchia. Theo thông tin của đơn vị, cá thể gấu này đã được nuôi nhốt tại đây khoảng 15 năm từ khi là gấu con với mục đích làm cảnh. Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết đây là cá thể gấu chó cuối cùng được nuôi nhốt trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức Động vật châu Á nhận được thông tin về cá thể gấu này thông qua một nhóm các thầy thuốc đông y tại Tây Ninh, đồng hành cùng dự án trồng và phổ biến các thảo dược thay thế mật gấu. Các thầy thuốc khi biết được thông tin về gấu, đã liên lạc với Tổ chức và mong muốn cá thể gấu này được cứu hộ. Rất may mắn, đơn vị nuôi gấu và Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã tạo điều kiện tốt nhất để việc chuyển giao gấu diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, tuân thủ đúng quy trình.

Cứu hộ thành công một cá thể gấu chó sau 15 năm bị nuôi làm cảnh ảnh 1

Cá thể gấu chó lúc đang bị nuôi nhốt.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho biết, Tổ chức Động vật châu Á đã thực hiện tuyên truyền không sử dụng mật gấu tại Tây Ninh trong vòng bốn năm qua, và việc các thầy thuốc đông y thông báo cho lực lượng cứu hộ về trường hợp gấu ở Tây Ninh đã chứng minh cho hiệu quả của quá trình tuyên truyền bảo vệ loài gấu tới cộng đồng. Những người thầy thuốc có thể đã từng kê đơn liên quan đến mật gấu, nhưng khi được tuyên truyền, chính họ cũng thấy đau xót khi chứng kiến những gì mà gấu phải chịu đựng, sau đó đã tích cực và chủ động liên lạc với Tổ chức để gấu sớm được cứu.

“Hiện Tổ chức Động vật châu Á vẫn liên tục thực hiện tuyên truyền trên nhiều bình diện từ cứu hộ, chăm sóc, nâng cao phúc lợi, giáo dục, phổ biến không sử dụng mật gấu và thay thế bằng các thảo dược an toàn, xây dựng mô hình vườn thảo dược thay thế mật gấu tại nhiều tỉnh. Và tất cả các chương trình cuối cùng đều hướng tới khuyến khích cộng đồng thực sự chung tay để bảo vệ từng cá thể gấu”, Tiến sĩ Tuấn Bendixsen nói.

Tổ chức Động vật châu Á đặt tên cho cá thể gấu chó mới cứu hộ là Aurora (Cực quang phương Bắc). Cá thể gấu cái được cứu ngay khi Giáng Sinh cận kề, với niềm tin việc trả tự do cho Aurora chính là biến một điều ước của gấu thành hiện thực.

Cứu hộ thành công một cá thể gấu chó sau 15 năm bị nuôi làm cảnh ảnh 2

Gây mê khám sức khỏe cho gấu trước hành trình 1.500 km từ Tây Ninh về Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Các bác sĩ đã nhanh chóng khám sức khỏe tại hiện trường khi gây mê cho gấu, về cơ bản, cá thể gấu có sức khỏe tương đối ổn định, và có thể vượt hành trình dài 1.500 km về đến Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Đoàn cứu hộ dự kiến sẽ mất năm ngày để gấu về tới vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ năm 2007 tới nay, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ được 201 cá thể gấu ngựa và gấu chó tại nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Riêng năm 2018, Tổ chức Động vật châu Á đã thực hiện bốn chuyến cứu hộ, đưa tám cá thể gấu về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Tổ chức Động vật châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước và đưa được thêm khoảng 800 cá thể gấu nữa về các cơ sở cứu hộ, lộ trình từ 2017 tới 2022.