Chim hồng hoàng bị đe dọa tuyệt chủng

NDO -

NDĐT - Loài chim quý với cái mỏ đỏ to đang được rao bán ngang với giá ngà voi nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Chim hồng hoàng có phân bố hẹp.
Chim hồng hoàng có phân bố hẹp.

Chim hồng hoàng có phân bố chủ yếu ở Indonesia, Borneo và Thái Lan, có mỏ đỏ được gọi là “ngà đỏ” trên thị trường bất hợp pháp. Loài chim khổng lồ này đã bị săn bắn trong nhiều thế kỷ để lấy lông đuôi làm giải thưởng cho các cuộc thi địa phương. Tuy nhiên kể từ năm 2011, khi nạn săn bắn bất hợp pháp tăng lên do các nhu cầu từ châu Á về ngà voi chạm khắc, việc mua bán mỏ chim hồng hoàng tăng lên đã dẫn tới những cái chết của loài chim mỏ đỏ này.

Đây là loài chim có sải cánh dài đến 2m, đã được xếp hạng “sắp bị đe dọa” vào năm 2012 nhưng đến năm 2015 đã lên vị trí “cực kỳ nguy cấp”. Theo Mạng lưới giám sát sự tồn tại của các loài, từ năm 2012 đến 2014, hơn 2.100 mỏ chim hồng hoàng đã bị tịch thu tại Indonesia và Trung Quốc. Một số nghiên cứu mới đây cũng cho thấy có khoảng 6.000 cá thể bị giết hại hàng năm.

Chim hồng hoàng đã được CITES đưa vào Phụ lục I – nghiêm cấm buôn bán quốc tế. Tuy nhiên, tại Hội nghị các nước thành viên CITES (CoP17) tổ chức tại Nam Phi từ ngày 24-9 đến 5-10, Chính phủ Indonesia đã đề xuất cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp triệt phá các tổ chức tội phạm buôn bán mỏ chim hồng hoàng.

Là nước đã thẩm vấn và truy tố 15 đối tượng buôn lậu chim hồng hoàng kể từ năm 2015, đoàn đại biểu Indonesia cho biết: “Giá trị cao đã thúc đẩy các thợ săn giết bất kỳ cá thể hồng hoàng bắt gặp, kể cả chim non. Buôn bán bất hợp pháp ngà voi và sừng tê giác đã được theo dõi chặt chẽ nhưng buôn bán bất hợp pháp hồng hoàng ít được chú ý. Nếu không ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp, loài chim này sẽ bị đe dọa và sẽ nhanh chóng bị tuyệt chủng”.

Elizabeth Bennett, đại diện Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã, cho biết, tiếng kêu của loài chim này có thể nghe thấy từ cách xa 1 dặm. Nhưng chúng dễ bị săn bắn cũng do tiếng kêu đó. Đây cũng là loài chim chậm sinh sản. Chúng kết đôi cả đời và đẻ một hoặc hai trứng mỗi năm. Con đực tha bùn lên con cái trong tổ trên cây. Sau đó, con đực cho con cái và chim con ăn thông qua một khe hở. Điều đó có nghĩa là nếu con đực bị bắn thì cả gia đình chim sẽ bị bỏ đói.