Bảy quyết định quan trọng của CITES tại CoP17

NDO -

NDĐT - Hội nghị các nước thành viên CITES (CoP17) tại Nam Phi đã kết thúc thành công vào ngày 5-10 với bảy quyết định cực kỳ quan trọng

Một cá thể cá mập bò đang bị câu tại vùng biển của Indonesia.
Một cá thể cá mập bò đang bị câu tại vùng biển của Indonesia.

Tê tê

Những tấm vảy nâu trên cơ thể tê tê luôn là nhu cầu lớn về thuốc cổ truyền trong khi thịt tê tê lại là một món ăn hảo hạng ở các nước châu Á. Đây là loài thú ăn thịt này bị xếp hạng cực kỳ nguy cấp và bị săn đuổi nhất thế giới với 1 triệu cá thể bị đánh bắt trong vòng 10 năm qua để lấy thịt, vảy và da, phục vụ cho nhu cầu thời trang và sức khỏe. Tê tê đã được bảo vệ nhưng một số loài vẫn được phép buôn bán. Với sự cảnh báo từ các nhà bảo tồn về tình trạng suy giảm nghiêm trọng các quần thể tê tê, CITES quyết định đưa tất cả các loài tê tê vào Phụ lục CITES – Cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.

Vẹt xám

Các chuyên gia từ tổ chức Birdlife, một tổ chức bảo tồn chim cho biết không dễ dàng để bắt gặp vẹt xám châu Phi. Các nhóm thợ săn thường sử dụng mồi nhử hoặc đến nguồn nước, nơi cả đàn đậu. Sau đó, họ chăng lưới và bắt hàng tá chim.

Cứ mỗi lần bị đánh bắt, vẹt xám châu Phi được vận chuyển qua biên giới, nhồi trong các hộp và chuyển qua đường hàng không tới châu Âu, Nam Phi, Trung Đông và Trung Quốc, những nơi chúng được đặt hàng tới 1.000 bảng Anh/cá thể. Tất cả đã khiến vẹt xám châu Phi trở thành loài chim bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, làm suy giảm số lượng từ Nigeria tới Cameroon, từ Bờ Biển Ngà tới Cộng hòa dân chủ Congo. Một số chuyên gia bảo tồn ước tính chỉ còn khoảng 1% vẹt xám châu Phi tồn tại. Đặc biệt, Ghana ước tính quần thể vẹt xám tự nhiên của nước này đã suy giảm từ 90 đến 99%. CoP17 đã quyết định đưa vẹt xám vào Phụ lục I – mức bảo vệ cao nhất.

Gỗ trắc

Với màu tối đậm nổi bật, gỗ trắc được tiêu thụ như là đồ trang trí nội thất sang trọng ở Trung Quốc. Nhu cầu tăng chóng mặt với tốc độ gấp 65 lần kể từ năm 2005 và hiện tại đạt giá trị 2,2 tỷ USD/năm, khai thác và buôn bán gỗ trắc đã tác động tiêu cực đến các khu rừng ở Đông Nam Á, nơi gỗ trắc là loài bản địa. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu cũng đang tìm kiếm các nguồn gỗ trắc ở châu Phi và Trung Mỹ. Trước tình hình trên, CITES đã quyết định đưa 300 loài gỗ trắc vào Phụ lục II – Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.

Tê giác

Bảy quyết định quan trọng của CITES tại CoP17 ảnh 1

Sừng tê giác được sử dụng trong nhiều loại thuốc châu Á.

Tại CoP17, Swaziland đề xuất được bán kho lưu giữ 330kg sừng tê giác để thu tài chính phục vụ bảo tồn tê giác. Tuy nhiên, đề xuất của Swaziland đã bị bác bỏ. Các điều tra mới nhất cho thấy các mạng lưới tội phạm quốc tế đã thu lợi hàng triệu USD từ buôn bán hợp pháp từ Kenya và Nam Phi sang châu Á để phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc cổ truyền.

Sư tử

Một trong những quyết định gây thất vọng cho các chuyên gia bảo tồn chính là thất bại trong việc tăng cường các biện pháp bảo vệ đối với sư tử châu Phi. Sư tử từ nguồn gây nuôi đang được buôn bán khắp thế giới và các nhà quan sát cho biết đang tồn tại thị trường xương sư tử phục vụ cho mục đích làm thuốc ở châu Á. Với việc đề xuất cấm buôn bán các bộ phận của sư tử không được thông qua, buôn bán các bộ phận của sư tử tự nhiên sẽ tiếp tục bị cấm. Quần thể sư tử châu Phi đã suy giảm 60% trong 20 năm qua ở một số quốc gia là hệ quả của mất sinh cảnh và các hoạt động của con người. Tuy nhiên, quần thể sư tử đã tăng ở Botswana, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe do được quản lý tốt. Các nước khuyến khích săn bắn giải trí sẽ phải tăng cường bảo vệ sư tử.

Cá mập và cá đuối

Bảy quyết định quan trọng của CITES tại CoP17 ảnh 2

Chợ Quảng Châu, Trung Quốc bày bán các bộ phận của cá đuối.

Nam Phi, nước sở hữu 25% trong tổng số 400 loài cá mập thế giới đã đề xuất mức tăng cường bảo vệ đối với các loài cá mập. Cá mập lụa, 03 loài cá mập mắt và 09 loài cá đuối chi Mobula sẽ được đưa vào Phụ lục II do tất cả các loài trên đều suy giảm hơn 70%.

Trước tình trạng đánh bắt quá mức các loài sinh vật biển, CITES quyết định đưa chín loài cá đuối, ba loài cá mập đầu bò và cá mập lụa vào Phụ lục II – Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.

Voi và thị trường ngà voi

Bảy quyết định quan trọng của CITES tại CoP17 ảnh 3

Buôn bán ngà voi đang đe dọa quần thể voi châu Phi.

Voi là một trong những chủ đề nóng nhất của CoP17. Hiện nay, tất cả quần thể voi châu Phi thuộc Phụ lục I, ngoại trừ quần thể ở Botswana, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe thuộc Phụ lục II. Một số quốc gia miền nam châu Phi có quần thể voi ổn định hoặc đang tăng trưởng đề xuất được bán ngà voi để phục vụ cho công tác bảo tồn. Các nước này cho rằng chỉ bằng cách này, họ sẽ có được chính sách bảo tồn bền vững. Tuy nhiên, các chuyên gia bảo tồn cho rằng chỉ có lệnh cấm quốc tế sẽ chấm dứt nạn buôn bán bất hợp pháp để giảm áp lực lên quần thể voi. CITES đã quyết định đóng cửa tất cả các thị trường ngà voi.

CoP17 cũng đánh giá Kế hoạch hành động ngà voi của các quốc gia và thông báo Trung Quốc sẽ đóng cửa thị trường buôn bán ngà voi nội địa vào cuối năm nay. Điều này làm tăng hy vọng của các chuyên gia bảo tồn về việc chấm dứt các hoạt động buôn bán ngà voi quốc tế.