Đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống

Tự chủ trong giáo dục đại học

Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo - một trong ba đột phá chiến lược cần thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới. Để đạt được mục tiêu mong muốn, nhiệm vụ cụ thể ở đây là gì?

Cần đổi mới phương thức giảng dạy đại học để tăng độ hiệu quả nhất là trong bối cảnh giáo dục cũng hội nhập sâu sắc hiện nay.
Cần đổi mới phương thức giảng dạy đại học để tăng độ hiệu quả nhất là trong bối cảnh giáo dục cũng hội nhập sâu sắc hiện nay.

Tự chủ và đầu ra

Quyền tự chủ được phân biệt thành tự chủ học thuật và tự chủ phi học thuật. Tự chủ học thuật bao gồm các lĩnh vực học thuật và nghiên cứu, cụ thể là tự chủ trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế chương trình giảng dạy, chính sách nghiên cứu, điểm tuyển sinh, bổ nhiệm giảng viên, trao học vị. Tự chủ phi học thuật bao gồm các lĩnh vực phi học thuật có xen phủ với nhiều vấn đề tài chính bao gồm ngân sách, quản lý tài chính, bổ nhiệm các nhân viên, mua sắm, hợp đồng giao kết. Như là một điều tất yếu, việc đổi mới trong lĩnh vực học thuật đòi hỏi nguồn lực và để tạo ra những nguồn lực này, tự chủ phi học thuật là cần thiết.

Nghiên cứu của A-ghi-on (ĐH Ha-vớt, Hoa Kỳ) và cộng sự đã chứng minh được quyền tự chủ và yếu tố cạnh tranh quan trọng như thế nào cho việc nghiên cứu và sáng tạo thành công tại các trường ĐH. Các tác giả đã sử dụng phân tích nhân tố cho một cuộc khảo sát các trường ĐH châu Âu được xếp hạng trên bảng xếp hạng SJTU (ĐH Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc) và thấy rằng các yếu tố tự chủ được tối đa đối với những trường ĐH châu Âu và có chung một số đặc điểm bao gồm: họ không cần phải tìm kiếm sự phê duyệt ngân sách từ Chính phủ; chọn học sinh tú tài vào học độc lập với cách của Chính phủ; lương giảng viên linh hoạt chứ không phải dựa trên một thang bậc tập trung hóa theo thâm niên/thứ hạng; kiểm soát nội bộ việc tuyển dụng của họ; có chế độ nội hôn thấp (ít tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ở lại trường); sở hữu các tòa nhà riêng của họ; thiết lập chương trình giảng dạy riêng của mình; có một tỷ lệ tương đối thấp ngân sách lấy từ các quỹ chính của Chính phủ, và có một tỷ lệ tương đối cao ngân sách lấy từ các khoản tài trợ nghiên cứu cạnh tranh.

Sử dụng một tập hợp dữ liệu khác, các tác giả thấy rằng những đặc điểm này, với ngoại lệ của việc sở hữu nhà và chương trình đào tạo áp dụng cho tất cả các trường cao đẳng và các trường ĐH công lập tại Hoa Kỳ đã thể hiện tầm quan trọng của chúng đối với đầu ra cho các trường ĐH công tại Hoa Kỳ.

Tự chủ và chịu trách nhiệm

Ngày nay, trên thế giới có một nhu cầu thực sự về sử dụng hiệu quả công quỹ (cũng như các trường ĐH tư nhân đối với vốn của nhà đầu tư) để đáp ứng nhu cầu của xã hội chứ không phải là của những người trong nhà trường. Do đó, “Trách nhiệm” trở thành một khái niệm liên quan đến đánh giá và đo lường hiệu suất, và theo dõi tất cả các chức năng của một trường ĐH. Chúng ta có thể hình dung ra một sự phân biệt rõ ràng giữa “trách nhiệm” bên ngoài và nội bộ, để tham chiếu đến xã hội nói chung và đến nhà trường nói riêng. Thực tế tồn tại nhu cầu đối với một số hình thức kiểm soát của xã hội với các trường ĐH, bởi vì cấp học này giờ đây đã không còn là một đặc quyền mà thay vào đó là quyền được thành lập và tham gia trong nền giáo dục đại chúng.

Rõ ràng, các trường ĐH được xem là chịu trách nhiệm cho một loạt các lợi ích và trước các cơ quan bên ngoài: họ phải có trách nhiệm xã hội đối với các chức năng mà họ thực hiện; họ có trách nhiệm với các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp của Chính phủ về tính hiệu quả trong hoạt động của mình, về việc kiểm soát quá mức hành vi của giảng viên và của học sinh, về sự công bằng cần thiết và thủ tục trong quá trình ra quyết định nội bộ của họ.

Khi chuyển từ nhà nước kiểm soát sang nhà nước giám sát thì tự chủ của các trường ĐH tăng lên và trách nhiệm quy cho nhà nước giảm đi và ngược lại. Mặt khác, khi trách nhiệm của nhà nước giảm thì trách nhiệm của nhà trường tự chủ tăng. Có thể nói, “trách nhiệm” là một nguyên tắc liên quan đến việc đổi mới, trong khi “quyền tự chủ” là một tính năng vốn có của các khái niệm truyền thống của nhà trường ĐH. Xác định như thế nào để hai vấn đề này có thể được hòa giải vì những lợi ích to lớn hơn của các trường ĐH và của sự phát triển quốc gia là một thử thách đối với thế giới học thuật và các nhà hoạch định chính sách quốc gia đương đại.

Theo công trình công bố gần đây của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA (2011), điểm mấu chốt là quyền tự chủ và chịu trách nhiệm của một nhà trường đi đôi với nhau: tự chủ hơn trong các quyết định liên quan đến chương trình giảng dạy, đánh giá và phân bổ nguồn lực có liên quan với kết quả học tập tốt hơn của học sinh, đặc biệt khi các trường hoạt động trong một nền văn hóa chịu trách nhiệm, các dữ liệu thành tích được nhà trường đăng công khai. Nghiên cứu của PISA cho thấy trong một hệ thống mà trách nhiệm nhà trường thấp mà được tự chủ càng nhiều, thì kết quả học tập của học sinh càng thấp. Ngược lại, trong hệ thống mà trách nhiệm nhà trường cao thì trường càng tự chủ, kết quả học tập của học sinh càng cao. Vậy nên tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm.

Vai trò của Nhà nước

Tăng mức tự chủ được đi kèm với các cấp độ “trách nhiệm” vì GDĐH đang chuyển dần từ hệ thống kiểm soát nhà nước sang hệ thống giám sát nhà nước. Nhưng câu hỏi đặt ra là những ai trong xã hội sẽ thực hiện chức năng giám sát này theo một cách đáp ứng có hiệu quả những nhu cầu trừu tượng của xã hội mà không phải của một nhóm riêng biệt. Chính phủ cần phát triển các cơ chế “trách nhiệm” thay thế khi các hệ thống chuyển hướng tới nhà nước giám sát và việc kiểm soát trực tiếp được nới lỏng, đặc biệt là về các vấn đề tài chính. Chính phủ có thể quy trách nhiệm và có thể tìm cách bảo đảm rằng các trường ĐH chịu trách nhiệm cho tất cả những điều về: tính toàn vẹn học thuật, toàn vẹn tài chính, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chất lượng và sự phù hợp của đầu ra, và bảo đảm công bằng xã hội.

Việc xã hội và doanh nghiệp gia tăng sự hoài nghi về chất lượng và việc học của sinh viên Việt Nam hiện nay phải xem như là một sự xói mòn lòng tin đối với các trường cao đẳng và ĐH. Khi niềm tin của xã hội đối với hệ thống GDĐH bị giảm sút thì bất kể quyền tự chủ được giao ở mức độ nào nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm.

Một vài khuyến nghị

Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách, các Hiệu trưởng, các Hội đồng trường, phụ huynh, sinh viên, nhà tuyển dụng, các nhà lập pháp, các hội nghề nghiệp, các cơ quan kiểm định chất lượng và các bên liên quan khác cần có đóng góp thiết thực để làm nên quá trình thực thi trách nhiệm của Nhà nước.

Thứ hai, cần thống nhất về các ưu tiên cơ bản. Trong chính sách GDĐH có thể phân biệt hai loại ưu tiên “ưu tiên công cộng” và “ưu tiên nhà trường” thường có vẻ khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nên cần phải được đối mặt và giải quyết. Ưu tiên công cộng bao gồm: cải thiện nhập học, tỷ lệ tốt nghiệp và việc học tập; tăng hiệu quả; thu hẹp khoảng cách thành tích học tập của sinh viên; tiến hành những nghiên cứu có lợi ích kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống trong cộng đồng; cung cấp những sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động trình độ cao. Ưu tiên nhà trường thường được thể hiện bằng sự cạnh tranh với các trường khác. Trường cạnh tranh để có được nguồn lực và uy tín, tuyển dụng được sinh viên và giảng viên giỏi, và “nâng cấp” sứ mệnh của họ (thí dụ như từ trường định hướng ứng dụng nghề nghiệp sang định hướng nghiên cứu). Các Hiệu trưởng ĐH phải sắp xếp hợp lý các ưu tiên nhà trường với những mục tiêu công cộng về thành tích sinh viên, nghiên cứu đẳng cấp thế giới, năng suất gia tăng, đánh giá chính xác và cải thiện hiệu suất đầu tư.

Thứ ba, lãnh đạo nhà nước, cùng với các nhà giáo dục, thực hiện các sáng kiến được thiết kế tốt và khả thi để giải quyết các ưu tiên công cộng cho GDĐH. Hệ thống dữ liệu công cộng phải giám sát các vấn đề quan trọng, tập trung vào các mục tiêu, thông báo kết quả cho công chúng, và cung cấp cho các trường các thông tin mang tính xây dựng và chẩn đoán.

Thứ tư, lãnh đạo doanh nghiệp và công dân phải tham gia với các quan chức công và các nhà giáo dục để xác định các ưu tiên và cụ thể hóa nhu cầu xã hội, xây dựng niềm tin đối với GDĐH và quyết tâm tham gia cùng với nhà trường làm những việc cần làm để thành công.

Thứ năm, phân công thiết thực, tập trung vào những mục tiêu ưu tiên, đo lường nghiêm ngặt các kết quả và cam kết thực hiện sẽ xây dựng được lòng tin, duy trì cải tiến và mở cho các thế hệ tương lai những lợi ích của hệ thống GDĐH.