Tinh thần “positive”

Trở về Tổ quốc làm việc sau những năm tháng du học nước ngoài, những trí thức trẻ tiêu biểu này đã phải vật lộn, trăn trở để thích nghi và cống hiến, tạo nên nhiều thành quả sáng tạo được ghi nhận. Dẫu mang những sắc thái khác nhau, song tâm sự của mỗi nhà khoa học trẻ trên hành trình trở về phục vụ Tổ quốc với tinh thần positive (chủ động, tích cực) đủ gợi trong chúng ta biết bao suy ngẫm…

TS Trần Hà Liên Phương mở hướng hỗ trợ điều trị ung thư

“Sau 5 năm du học tại Hàn Quốc, cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ, tôi đang phân vân nên ở lại học tiếp hay về Việt Nam thì chợt nhớ đến lời thầy hướng dẫn luận văn cho tôi ngày trước, là: Nước Việt Nam còn chậm hơn các nước tiên tiến khác, người dân nghèo mà giá thuốc không ngừng gia tăng, các sản phẩm ngoại nhập tràn lan trên thị trường. Tôi đã quyết định trở về, dù không biết mình sẽ bắt đầu từ đâu“.

Nhờ sự tin tưởng của Giáo sư Võ Văn Tới (Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và Ban Giám hiệu Trường đại học Quốc tế, tôi đã nhanh chóng bắt đầu sự nghiệp. Khi phải đối mặt với một loạt khó khăn như việc tìm các cộng sự có cùng niềm đam mê với mình để lập thành nhóm nghiên cứu, nguồn nguyên liệu có chất lượng, máy móc nghiên cứu chuyên sâu và bài toán khó nhất là tìm nguồn kinh phí để phục vụ cho quá trình nghiên cứu của mình (những việc trước đó ở Hàn Quốc tôi không phải lo đến), trong lúc hoang mang nhất, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của gia đình và đồng nghiệp. Ngoài ra, tôi còn nhận được sự hỗ trợ của giáo sư ở Hàn Quốc nên cuối cùng, đề tài nghiên cứu khoa học đăng ký giải thưởng “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học” của L’Oréal - UNESCO đã được tuyển chọn, mang lại cho tôi cơ hội để tiếp tục nghiên cứu công nghệ bào chế sản xuất dược phẩm điều trị bệnh ung thư. Trong vòng 4-5 năm tới, hy vọng nghiên cứu các hạt nano chứa đồng thời hoạt chất tự nhiên trị ung thư trong đề án này có thể đạt được những kết quả nhất định, đóng góp một hệ trị liệu mới hiệu quả, ít phản ứng phụ và chi phí thấp trong công tác điều trị bệnh ung thư cho các bệnh nhân mắc phải căn bệnh này ở Việt Nam.

TS Nguyễn Bá Hải đam mê sáng tạo “Made by Vietnam”

Từ chối những lời mời hấp dẫn và cơ hội rộng mở ở Hàn Quốc, tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải trở về nước và bắt đầu một hành trình mới với mong ước được cống hiến cho sự phát triển của quê hương mình. “Nhận thấy càng ngày càng ít bạn trẻ chọn ngành kỹ thuật mà chọn kinh doanh, thương mại, ngân hàng, nên mình muốn truyền lửa đam mê kỹ thuật cho nhiều bạn trẻ, bằng khả năng trong tầm tay của mình nên mở lớp học 1 USD”. Với phương pháp giảng dạy sáng tạo, tích cực, Nguyễn Bá Hải đã góp phần khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong mỗi học viên. Đến nay khóa học 1 USD đã mở được tại nhiều tỉnh thành, thu hút 3.000 người đăng ký học.

Anh và học trò của mình đã mày mò nghiên cứu, và chế tạo thành công thiết bị hỗ trợ người khiếm thị có hình dáng như chiếc mũ bảo hiểm với tên gọi SPKT Eye. Qua nhiều lần cải tiến, phiên bản thứ chín được gọi là “Mắt thần 2” ra đời, gọn nhẹ như một mắt kính thời trang. Kính được gắn một thiết bị cảm biến giúp người mang có thể nhận biết được vật ở xa hay gần, cao hay thấp, to hay nhỏ, di chuyển hay đứng yên... Hải và đồng nghiệp thành lập Công ty TNHH Kiến Bình Minh cùng một số mạnh thường quân đồng hành, đã sản xuất và trao tặng hơn 1.000 mắt thần 2 đến tận tay người khiếm thị.

PGS, TS TẠ HẢI TÙNG định danh “mình là ai?”

Tôi may mắn khi không phải phân vân nhiều với quyết định về nước. Quyết định này xuất phát từ việc định vị “Mình là ai?” và “Mình có thể làm được gì?”. Ở nước ngoài, trong lĩnh vực hẹp “Định vị sử dụng vệ tinh” mà tôi theo đuổi, có đến hàng nghìn nhà khoa học đang ngày đêm cạnh tranh khốc liệt.

Còn ở trong nước, những kiến thức của tôi về lĩnh vực mới mẻ này sẽ thật sự có ích. Thực tiễn các kết quả nghiên cứu, các sản phẩm, những hội nghị, hội thảo, những sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế thời gian qua chứng minh điều đó. Chúng tôi là một trong 50 đơn vị đầu tiên trên thế giới chế tạo thành công bộ thu hệ thống Galileo, và đã trở thành đối tác được thừa nhận của LHQ trong lĩnh vực định vị vệ tinh ở Đông - Nam Á. Có thể, tôi vẫn sẽ đạt được những thành quả ấy, nếu làm việc ở nước ngoài. Song, nó sẽ không thể có ý nghĩa như việc được cống hiến cho quê hương. Nếu giữ được đam mê, có định hướng nghiên cứu tốt và năng lực chuyên môn cao, thì với môi trường NCKH ngày càng thông thoáng của Nhà nước, việc sống được với NCKH không còn là giấc mơ.

Tinh thần “positive” ảnh 1

Tiến sĩ trẻ Trần Hà Liên Phương là giảng viên Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Chị vừa vinh dự được nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do Quỹ L’Oréal-UNESCO trao tặng vì đã có những phát hiện trong phương pháp điều trị ung thư. Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng này.

Tinh thần “positive” ảnh 2

TS Nguyễn Bá Hải bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Hàn Quốc, từng được bình chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2012, hiện là Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Tinh thần “positive” ảnh 3

PGS, TS Tạ Hải Tùng từng du học tại Ô-xtrây-li-a và I-ta-li-a, hiện là Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS ), Trường đại học Bách khoa Hà Nội.