Phân bổ nguồn lực

NDO - Thực hiện Ðề án 1816, ngành y tế đã phần nào thực hiện lời giải cho bài toán về sự thiếu hụt, hoặc phân bổ không đồng đều nguồn lực y tế giữa các vùng miền, giữa tuyến trên và tuyến dưới. Tất nhiên, hiện vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Các nhà quản lý, chuyên môn đã trao đổi thêm về vấn đề này... 
Phân bổ nguồn lực

Thạc sĩ Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế:

Khả năng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các vùng miền ở nước ta phân bổ không đều về số lượng cơ sở, quy mô và chất lượng. Việc thiếu hụt, chênh lệch phân bổ nguồn lực y tế. Có bốn nhóm chính sách để giải quyết vấn đề: tuyển dụng và đào tạo; tăng cường tài chính; luân chuyển cán bộ về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và các biện pháp trợ giúp khác. Ðối tượng luân chuyển có thể là sinh viên sắp tốt nghiệp, sau tốt nghiệp, cán bộ trước khi đi học các chuyên ngành, chuyên khoa; cán bộ chuyên khoa sâu...

TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

Bệnh viện Bạch Mai thực hiện việc kết hợp Ðề án 1816 và Ðề án Bệnh viện vệ tinh: Xây dựng và phê duyệt phác đồ điều trị của các chuyên khoa nội, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm; chuẩn hóa các bộ tài liệu trong khuôn khổ Ðề án Bệnh viện vệ tinh... Các cán bộ luân phiên từng bước vận dụng và chuyển giao những phác đồ này tại các bệnh viện tuyến dưới. Không nên áp dụng chỉ tiêu luân phiên một cách máy móc, cần để cho các bệnh viện chủ động lập kế hoạch và ký kết nội dung hỗ trợ theo từng giai đoạn và địa bàn cụ thể được phân công. Sau hơn ba năm thực hiện Ðề án 1816, Bộ Y tế cần đưa ra những giải pháp, chính sách và giao quyền cho các bệnh viện tổ chức giám sát sau luân phiên, nhằm đánh giá khả năng và xác định nhu cầu trợ giúp tiếp.

Bác sĩ Trần Thị Tâm - PGÐ Bệnh viện Ða khoa TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình): 

Do nhân lực thiếu và yếu, công tác chuyển giao các kỹ thuật cao trong việc khám, chữa bệnh giữa tuyến tỉnh và tuyến huyện hiện nay là hết sức cần thiết. Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã chuyển giao cho Bệnh viện Ða khoa thành phố Hòa Bình theo Ðề án 1816 một số lĩnh vực theo các chuyên khoa như: kỹ thuật mổ lấy thai, phẫu thuật lấy thai, gây mê hồi sức... Bệnh viện Ða khoa thành phố rất cần có sự chuyển giao về những lĩnh vực chuyên sâu hơn nhằm bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, hạn chế tình trạng vượt tuyến. 

Bác sĩ CKI Dương Thị Phúc - Chánh Văn phòng Sở Y tế Quảng Bình:

Khó khăn lớn nhất hiện nay ở tỉnh Quảng Bình là các cơ sở y tế tuyến huyện, thành phố còn thiếu nguồn lực mà phải "gánh" thêm trách nhiệm thực hiện Ðề án 1816. Hiện còn 15 trạm y tế ở tỉnh Quảng Bình chưa có bác sĩ. Trong khi ngành y tế liên tục cử các bác sĩ ở tuyến huyện, thành phố về hỗ trợ y tế tuyến xã theo hình thức khám, chữa bệnh theo tuần thì nhiều bác sĩ ở xã chuyển công tác hoặc tự do bỏ đi làm ở nơi khác. Các địa phương thấy thiếu lại kêu ngành y tế. Vì vậy, UBND, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương không điều động, chuyển công tác bác sĩ xã đến nơi khác đến khi có 100% bác sĩ làm việc tại Trạm y tế xã.

Thạc sĩ Hồ Thị Tuyết Nhung - Trung tâm phòng, chống bệnh xã hội Quảng Bình:

Qua hai đợt đi chuyển giao kỹ thuật về phẫu thuật mắt tại các bệnh viện trong tỉnh Quảng Bình theo Ðề án 1816, chúng tôi đã giúp các tuyến y tế cơ sở giải quyết được một lượng lớn người bệnh; đồng thời chuyển giao các kỹ thuật phẫu thuật mắt cho tuyến dưới. Thực tế cho thấy, có những bệnh viện được một số Dự án trợ giúp trang bị, thiết bị điều trị các bệnh về mắt hiện đại thì "đắp chiếu" để đấy vì không có người sử dụng hoặc có nơi thiếu cả bác sĩ và trang bị, thiết bị. Qua các đợt chuyển giao kỹ thuật, chúng tôi đã giúp họ cách sử dụng máy được trang bị; đồng thời tham mưu, tư vấn cho các cơ sở y tế mua sắm các thiết bị liên quan đến lĩnh vực điều trị nhãn khoa, từ đó nâng cao năng lực khám, chữa các loại bệnh về mắt cho nhân dân.