Giải nobel kinh tế

Ngọn đuốc soi đường

NDO - Trong bối cảnh mịt mù của kinh tế toàn cầu hiện tại, công trình "Lý thuyết phân bố ổn định và thực tiễn thiết kế thị trường" của hai đồng tác giả người Mỹ Sáp-lây (Lloyd S.Shapley, ảnh trái) và Rốt (Alvin E.Roth) quá xứng đáng được Hội đồng xét giải Nô-ben (Nobel) năm 2012 vinh danh tại lĩnh vực mang tên đầy đủ là Nobel Khoa học Kinh tế (Economic Sciences).
Ngọn đuốc soi đường

Ðược mô tả ngắn gọn là "đã giúp giải đáp những câu hỏi như làm thế nào để người tìm việc kết nối được với nhà tuyển dụng, để công ty quảng cáo đến được với khách hàng, hay để bệnh nhân tìm được người hiến nội tạng phù hợp...", công trình ấy đã được đặt nền móng từ năm 1962, khi giáo sư Shapley (năm nay 89 tuổi) công bố "thuật toán Gale - Shapley" (thường được biết đến với cái tên nổi tiếng "Lý thuyết trò chơi"), một hệ thống quy tắc bảo đảm sự kết nối bền vững giữa hai nhân tố bất kỳ trong cuộc sống.

Trong ý tưởng khởi đầu đó, Shapley hóm hỉnh so sánh sự ổn định kinh tế với sự ổn định hôn nhân, và đặt vấn đề về cách kết hợp các cá nhân trong một nhóm người bất chấp những khác biệt, để đi đến đáp án: "Sự kết nối mà không cá thể nào cần thấy phải trao đổi thêm sẽ đem lại lợi ích lớn nhất, chính là sự ổn định". Cơ sở lý thuyết ấy được Roth (sinh năm 1951) chứng minh trong những năm 1980 bằng những nghiên cứu thực nghiệm trong việc phân bổ các y, bác sĩ mới ra trường. Hội đồng Nobel khẳng định: "Dù làm việc độc lập với nhau, nhưng sự kết hợp giữa họ đã cải thiện được hoạt động của rất nhiều thị trường".

 Một cách khái quát, công trình của họ là sự khai phá về "cách phân bổ nguồn lực hạn chế sao cho hiệu quả nhất, một vấn đề mấu chốt của kinh tế học". Trong sự bế tắc và mất động lực trầm trọng của kinh tế thế giới hiện tại, những nghiên cứu này sẽ là ngọn đuốc soi đường, là chiếc la bàn chỉ hướng cho các nhà hoạch định chính sách phát triển ở mọi cấp độ, đặc biệt là với chính nước Mỹ - nền kinh tế lớn nhất, cho dù có lẽ chính các tác giả cũng chưa hình dung về tầm ảnh hưởng ấy.

Shapley thú nhận: "Tôi là một nhà toán học. Tôi thậm chí còn chưa từng theo học một khóa kinh tế nào". Giải Nobel này khiến ông tự hào đầu tiên là bởi: "Thế là tôi đã vượt qua bố tôi (nhà thiên văn học nổi tiếng Harlow Shapley)!". Còn Roth, sau khi ca ngợi bậc tiền bối Shapley, đã tỏ ra hài hước: "Ðây là một lĩnh vực kinh tế mới, và biết đâu giải Nobel này sẽ khiến các sinh viên của tôi chăm chú nghe giảng hơn chăng?".