Mong ước của chúng tôi...

Phạm Huy Hoàng, 32 tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Cấp thoát nước và môi trường tại Đại học KU Leuven của Bỉ và tiếp tục được trường này nhận làm nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ. Dương Viết Cường, 34 tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ hóa học trong nước, từ tháng 8-2010 trúng tuyển học Tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia (CNRS) và ĐH Strasbourg (Pháp). Cuộc trò chuyện đầu năm 2014 với hai nhà khoa học trẻ này vẫn xoay quanh những vấn đề cốt tử: môi trường nào là phù hợp để mở cửa phòng thí nghiệm đi vào phục vụ đời sống thực tế?

Thạc sĩ Phạm Huy Hoàng: "Chỉ khi nào người có năng lực được đánh giá đúng và không bị cản trở phát triển, lúc đó tình hình mới được cải thiện".
Thạc sĩ Phạm Huy Hoàng: "Chỉ khi nào người có năng lực được đánh giá đúng và không bị cản trở phát triển, lúc đó tình hình mới được cải thiện".

Không có môi trường hoàn hảo

- Cảm giác của các bạn khi tiếp cận phòng thí nghiệm, phương tiện học tập và nghiên cứu tại Bỉ, Pháp?

Huy Hoàng: Trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học tại KU Leuven khá đầy đủ, hiện đại. Thư viện, phòng tự học, phòng thí nghiệm đều được thiết kế, xây dựng hỗ trợ tối đa cho người nghiên cứu. Làm nghiên cứu tại Bỉ nói chung có nhiều thời gian và chủ động trong công việc. Giáo sư hướng dẫn rất nhiệt tình nên công việc tương đối trôi chảy. Tuy vậy, không phải mọi thứ đều toàn vẹn. Đề tài của tôi liên quan đến môi trường, cụ thể là xử lý nước thải nên cần rất nhiều dữ liệu từ các trạm/hệ thống xử lý của Bỉ, trong nhiều trường hợp dữ liệu này cũng thiếu và không bảo đảm chất lượng khi chạy các mô hình.

Viết Cường: Còn hơn những gì tôi tưởng tượng và tìm hiểu trước về nơi mình sẽ đến học tập, nghiên cứu qua trang web của Viện và của Trung tâm nghiên cứu quốc gia CNRS. Đó là một khu nghiên cứu về hóa học, vật liệu hiện đại và phương pháp làm việc chuyên nghiệp. 18 giải Nobel và một giải Field nói lên tất cả và minh chứng cho môi trường học tập nghiên cứu nơi đây.

- Như Hoàng vừa nói, không phải mọi thứ đều toàn vẹn. Vậy châu Âu đã là chặng dừng chân lý tưởng của các nhà khoa học trẻ như Hoàng và Cường chưa, hay trong suy nghĩ của các bạn, thậm chí tôi thấy ngay giới trẻ ở Bỉ cũng rất thích du học Mỹ, thì Mỹ mới chính là "thiên đường nghiên cứu khoa học"?

Huy Hoàng: Câu hỏi này khá thú vị. Về vế thứ nhất, theo tôi KU Leuven là một trong những ĐH tốt nhất châu Âu thời điểm này. Thay vì từ hoàn hảo tôi xin dùng từ toàn diện khi nói về môi trường học tập tại KU Leuven. Về vế thứ hai, việc nghiên cứu tại châu Âu hay Mỹ chắc chắn có sự khác biệt xuất phát từ văn hóa, xã hội cũng như con người. Mỗi nơi có thế mạnh riêng, vấn đề là bạn hợp môi trường nào hơn. Riêng tôi, chưa có cơ hội tới Mỹ nhưng qua bạn bè đã, đang làm việc tại Mỹ, tôi thấy hiện tại châu Âu phù hợp mong muốn và điều kiện của mình.

Viết Cường: Tôi may mắn được làm việc trong môi trường có thể nói tốt nhất của Pháp về hóa học nên khó có cái nhìn khách quan về môi trường nghiên cứu tại châu Âu nói chung. Hơn nữa, nơi tôi công tác tại Việt Nam, Bộ môn Lọc - Hóa dầu, ĐH Mỏ - Địa chất có liên kết với ĐH UC Davis của Mỹ mở một ngành học theo trương trình đào tạo tiên tiến cho bậc sinh viên đại học ngành công nghệ hóa học nên tôi cũng có những hiểu biết nhất định về môi trường làm việc, nghiên cứu tại Mỹ. Vì vậy, theo tôi biết, sự hài lòng về điều kiện nghiên cứu tại châu Âu hay Mỹ phụ thuộc từng người, từng lĩnh vực và nhiều yếu tố khác. Nhưng có một điều tôi chắc chắn ai cũng đồng ý: Không có gì là hoàn hảo kể cả châu Âu hay Mỹ.

Dù đứng trên khía cạnh khoa học, rõ ràng các công trình nghiên cứu tại Mỹ được đánh giá cao hơn. Bằng chứng là số công trình nhận giải Nobel, Field hay số lượng bài báo được đăng trên các tạp chí uy tín những năm gần đây thì Mỹ luôn là nước chiếm đa số. Với cá nhân tôi, châu Âu có môi trường nghiên cứu tiên tiến, môi trường sống tốt, an sinh xã hội tốt thì rõ ràng phù hợp với tôi, một nghiên cứu sinh hơn.

- Mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng vẫn phải so sánh một chút với môi trường trong nước, khi về Việt Nam làm việc, Hoàng và Cường mong đợi điều gì?

Huy Hoàng: Hiện nay trang thiết bị nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đã được cải thiện, nhưng vì nhiều lý do công tác nghiên cứu khoa học chưa thật sự được quan tâm đúng mức, trong đó có lý do cá nhân tôi thấy khác biệt nhất so với môi trường bên này là phần lớn nghiên cứu sinh trong nước không hoặc chưa yên tâm (vì lo cơm áo gạo tiền) tập trung cho nghiên cứu. Nếu về nước làm việc, tôi không kỳ vọng nhiều mà phải tìm hướng đi cho riêng mình. Trước khi được tạo điều kiện thì mình nên cố gắng "tự tạo" điều kiện cho mình.

Viết Cường: Còn tôi được cử đi học theo Đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và là giảng viên nên chắc chắn tôi sẽ về nước tiếp tục công tác. Về nhân lực, chúng ta không hề thua kém các nước tiên tiến nhưng môi trường nghiên cứu còn ở một bậc rất thấp so với khu vực và thế giới. Điều kiện cần thiết cho một nhà nghiên cứu trẻ trong nước, theo tôi cần bảo đảm năm vấn đề: Môi trường nghiên cứu: Các nhà nghiên cứu trẻ sau khi được đào tạo ở nước ngoài quay trở về cần được tin tưởng giao cho các đề tài nghiên cứu khoa học để tiếp tục thực hiện công việc trong thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài hoặc tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu đã thực hiện. Phương tiện nghiên cứu: Hằng năm Nhà nước đầu tư không hề nhỏ cho thiết bị phục vụ nghiên cứu. Các trung tâm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia được đầu tư đầy đủ thiết bị nhưng việc sử dụng không hề hiệu quả hoặc hệ số sử dụng rất thấp. Tư liệu nghiên cứu: Nước ta có đầy đủ tư liệu cần thiết cho việc nghiên cứu nhưng lại thiếu những thứ đơn giản nhất, ví như rất khó biết đề tài này ai đã thực hiện, thực hiện đến đâu, khó khăn ở bước nào, thành công ra sao? Việc tiếp cận tài liệu tham khảo, bài báo cũng vô cùng khó khăn... vì hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu không mua tài khoản trên các Nhà xuất bản chuyên ngành... Vì vậy, muốn đăng công bố kết quả nghiên cứu cũng khó và không tin cậy đối với các nhà xuất bản nếu đề tài đó được thực hiện ở Việt Nam. Sự gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất: Còn vô cùng lỏng lẻo, hầu như không hỗ trợ được nhau. Đã đến lúc cần phải hợp nhất các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu trực thuộc trường và cần cơ chế, chính sách rõ ràng giữa nghiên cứu và sản xuất. Đời sống của nhà nghiên cứu: Dù thế nào, cuộc sống của các nhà nghiên cứu trẻ phải bảo đảm thì họ mới yên tâm đóng góp cho nghiên cứu khoa học.

Mong ước của chúng tôi... ảnh 1

Thạc sĩ Dương Viết Cường: "Đơn giản là cần môi trường làm việc và nghiên cứu tốt".

Giải phóng năng lực và giải ngân kinh phí

Cuộc trò chuyện cùng Huy Hoàng và Viết Cường khiến tôi nhớ lại tâm sự của cô bạn học cũ, nay là Tiến sĩ chuyên ngành Vật liệu và công nghệ nano. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ tại Hàn Quốc, bạn tôi hăm hở trở lại Việt Nam. Điểm dừng chân đầu tiên là một trường ĐH lớn tại Thủ đô, nhưng thay vì tạo điều kiện cho cô làm khoa học, vị Viện trưởng liên tục thất hứa: không muốn chi tiền cho nghiên cứu đề tài dù nhận được hàng chục tỷ đồng tài trợ công trình, ấy là chưa kể mức lương không đủ... ăn sáng. Bạn tôi tìm về trường ĐH địa phương, nghĩ rằng nơi xa xôi thiếu nhân lực ắt khát nhân tài. Kết quả, nhà khoa học này bị biến thành "thợ dạy", còn kế hoạch xây dựng phòng thí nghiệm như Hiệu trưởng đã hứa không được đề cập nữa. Đề tài nghiên cứu bạn tôi kỳ công xin được, tiền cũng đã chuyển về trường nhưng chẳng được giải ngân, không có phương tiện nghiên cứu! Buồn nản, bạn tôi nhận lời làm việc cho một Viện khoa học tại Bắc Âu.

Nói vui, làm khoa học ở nước ta khá giống làm phim. 50% tiền nghiên cứu dành cho những khoản không có trong danh mục, phần còn lại chỉ đủ trả lương còm cho cán bộ tham gia đề tài! Cuối cùng, nhà khoa học ngồi chơi vì không còn nguồn tiền mua thiết bị, hóa chất. Trong khi ở nước ngoài, khoản này thường chiếm hơn 70% chi phí đề tài nghiên cứu.

Không đòi hỏi hoàn hảo, nhưng Viết Cường nhấn mạnh "đơn giản là cần môi trường làm việc và nghiên cứu tốt". Còn Huy Hoàng thẳng thắn "Chỉ khi nào người có năng lực được đánh giá đúng và không bị cản trở phát triển, lúc đó tình hình mới được cải thiện". Ngẫm ra, chính bạn tôi- nhà khoa học "đã trở về và phải ra đi" cũng chung mong muốn: "Tôi sinh ra, lớn lên ở Việt Nam nên tôi vẫn muốn quay về. Nhiều giáo sư Việt ở nước ngoài thường xuyên bỏ tiền túi về tham gia hoạt động khoa học trong nước. Tôi cũng vậy, tiếp tục tìm cách đóng góp chút gì đó cho khoa học trong nước như đào tạo sinh viên, giới thiệu sinh viên Việt ra nước ngoài, mời các giáo sư nổi tiếng ở nước ngoài sang Việt Nam giảng dạy... Và vẫn ước mong môi trường khoa học trong nước sẽ thay đổi"!