Không "thả nổi" chuyện làm thêm

NDO - Không được quản lý chặt chẽ về giờ giấc, nhiều sinh viên (SV) mải mê hám lợi đã "tạm gác học hành" để đi làm thêm, dẫn đến nợ môn và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Ðó cũng là hậu quả của tình trạng "thả nổi" SV làm thêm ở nhiều trường đại học, cao đẳng.
Làm thêm những việc sau giờ học là lựa chọn của rất nhiều SV nghèo. Trong ảnh: Sinh viên Hoàng Hà và bạn đang kết hoa từ
Làm thêm những việc sau giờ học là lựa chọn của rất nhiều SV nghèo. Trong ảnh: Sinh viên Hoàng Hà và bạn đang kết hoa từ

Trong vô vàn cái thiếu của SV thì thiếu kỹ năng tìm việc làm thêm và sự quản lý chặt chẽ của nhà trường đã trở thành vấn đề bức thiết nhiều năm qua. Từ những khiếm khuyết này mà nhiều SV mới bước chân ra phố, đầy hăm hở và mơ ước đã sớm rơi vào guồng quay mưu sinh. Nỗi lo cơm áo cứ cuốn đi, lấn át cả ước mơ ban đầu là học hành.

Phải khẳng định với SV khó khăn, gia đình không chu cấp đủ tiền thì làm thêm là một giải pháp tất yếu. Thách thức lớn nhất đối với họ là sắp xếp thời gian và lựa chọn công việc hợp lý để không ảnh hưởng đến học tập. Thế nhưng, không phải bạn trẻ nào cũng có kỹ năng để tự bảo vệ mình trong dòng chảy mưu sinh đầy nhọc nhằn và cạm bẫy. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học cũng không quan tâm đến đào tạo kỹ năng hay tư vấn cho SV, nhất là vấn đề làm thêm. Họ chỉ quan tâm việc dạy kiến thức, quản lý trong trường còn SV ra khỏi cổng thì "mặc kệ". Mặt khác SV thường tự thân vận động bằng nhiều cách để có việc làm, thậm chí có bạn còn dấu diếm không muốn ai biết, chứ đừng nói là công khai "cậy nhờ" sự tư vấn, giúp đỡ của nhà trường.

Hiện cả nước có tới hơn hai triệu SV, nhưng chỉ khoảng 20% trong số đó được nội trú ký túc xá. Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD-ÐT) băn khoăn: "Ngay cả các trường cũng không nắm rõ được số SV ngoại trú sinh hoạt ra sao, chứ chưa nói đến vấn đề làm thêm của SV thế nào. Ðây là vấn đề còn đang bỏ ngỏ..." Sự "thả nổi" này không những gây ra khoảng trống đối với giáo dục toàn diện mà còn đánh mất nhiều cơ hội phát triển tương lai của SV.

Cũng cần nói lại, đi làm thêm chỉ là để trang trải một phần cho đời sống chứ không thể dồn hết thời gian, làm thêm bằng mọi cách. Và, không chỉ SV hoàn cảnh kinh tế khó khăn mới đi làm thêm mà có cả những cậu ấm cô chiêu SV nhà khá giả, thậm chí thuê người học hộ để đi làm thêm, kiếm tiền dành cho mục đích khác. Họ không nhờ nhà trường tư vấn, không cần vay vốn ngân hàng cũng chẳng cần doanh nghiệp nào giúp đỡ. Họ đi làm bằng những hình thức có phần tiêu cực, cốt để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Việc "ghi tên" ở trường chỉ là hình thức che mắt gia đình. Trước vấn đề nan giải này, nhiều chuyên gia chỉ ra: ngành giáo dục, cụ thể là các trường cần có một cơ chế kết hợp hài hòa giữa nhà trường - sinh viên - các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho SV có cơ hội học hỏi, mở rộng quan hệ, bồi dưỡng kiến thức và ổn định cuộc sống. Thêm nữa, cũng nên sớm luật hóa vấn đề làm thêm để quản lý con người chặt chẽ hơn, giảm thiểu số SV coi trường học như cái chợ, bỏ học liên miên vẫn tìm cách đủ điều kiện tốt nghiệp. Nếu không có những quy định cụ thể thì chẳng biết đến bao giờ tình trạng lộn xộn này mới chấm dứt.

GS Ðặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Ðại học Hòa Bình chia sẻ: "Luật hóa vấn đề SV làm thêm là để các cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm cùng nhà trường, khống chế thời gian và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các em trong thời gian lao động ngoài nhà trường. Cụ thể như cần quy định rõ về số giờ học, giờ làm thêm sao cho hợp lý. Ở các nước phát triển, họ làm rất tốt các quy định này".

* Ði làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, học tập và tích luỹ kinh nghiệm đã trở thành xu hướng với những SV năng động. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, đi làm thêm có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường với giới trẻ. Họ dễ rơi vào xu hướng chạy theo đồng tiền, hài lòng với thu nhập làm thêm hiện tại mà lười phấn đấu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào giúp SV làm thêm với thời lượng và công việc phù hợp ngành nghề chuyên môn đang học.