Giúp sinh viên vượt khó

NDO - Giá cả tăng mạnh khiến đời sống sinh viên (SV) thêm bộn bề khó khăn. Nhà nước và các đoàn thể xã hội đã có một số chương trình hỗ trợ cần thiết, nhưng cũng chỉ bớt được chút gánh nặng, phần lớn các em vẫn phải "tự thân vận động" để vượt qua khó khăn. Thế nên, cần hơn cả là sự hỗ trợ về nhận thức, định hướng cách chi tiêu hợp lý, chọn công việc làm thêm phù hợp, tránh xa tệ nạn xã hội, bảo đảm việc học hành.
Ngoài học tập, nhiều sinh viên còn tranh thủ tìm việc làm thêm.
Ngoài học tập, nhiều sinh viên còn tranh thủ tìm việc làm thêm.

Nhằm trợ giúp SV, Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể xã hội đã có những chương trình hành động, những quyết sách cụ thể. Mới đây nhất là chính sách hoãn nộp học phí nhập học cho SV nghèo, không để một thí sinh nào đỗ đại học, cao đẳng phải bỏ học bởi khó khăn về tài chính. Hay như chương trình cho SV nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi từ quỹ tín dụng SV triển khai hơn mười năm nay cũng rất hiệu quả, trở thành chỗ dựa vững chắc cho hàng triệu bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2011, dư nợ cho học sinh, SV vay Quỹ tín dụng đào tạo đã tăng 4,5 nghìn tỷ đồng. Trước khi có chương trình này, rất nhiều gia đình khó khăn, mặc dù đã cần cù, chịu khó quanh năm trên đồng ruộng, phải vay tiền của tư nhân lãi suất cao, nhưng vẫn không lo được đủ tiền cho con đi học, đành ngậm ngùi chấp nhận bỏ dở giấc mơ giảng đường.

Những hỗ trợ, phần thưởng của tổ chức đoàn, hội SV trong thời gian gần đây đã hết sức có ý nghĩa. Năm học 2010-2011, Quỹ hỗ trợ và phát triển SV (Hội Sinh viên Việt Nam) đã trao hơn 500 suất học bổng "Vì tương lai Việt " trị giá hơn một tỷ đồng cho các SV có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ sở Hội tổ chức trao học bổng cho 23.951 SV với tổng trị giá giải thưởng 30 tỷ đồng. Thành hội Hà Nội hỗ trợ hơn 1.000 SV có hoàn cảnh khó khăn, Thành hội TP Hồ Chí Minh hỗ trợ hơn 2.700 vé xe, Thành hội Ðà Nẵng tặng 1.000 vé xe dành cho SV khó khăn về quê ăn Tết... Ngoài ra, đoàn thanh niên cũng có những hỗ trợ đáng kể khác như chương trình "Nhà trọ cho tân sinh viên", "Trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh, sinh viên thành phố - Chìa khóa thành công". Bên cạnh đó, các chương trình trợ giúp SV khác như "Ngân hàng dữ liệu việc làm, nhà trọ", "Hệ thống nhà trọ online"... cũng phát huy hiệu quả, giúp SV trong việc tìm kiếm nhà trọ và việc làm thêm phù hợp.

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, đoàn thể, xã hội, nhưng thực tế đòi hỏi SV vẫn phải tự lo liệu để vượt khó. Xăng, điện, gas, giá phòng trọ, thực phẩm đều tăng, trong khi vốn vay từ ngân hàng chính sách vẫn giữ mức cũ thì sự hỗ trợ này cũng chỉ bớt được phần nào gánh nặng. Số tiền chu cấp hằng tháng từ gia đình cũng khó tăng theo giá xăng dầu bởi với nhiều phụ huynh, việc nộp đủ tiền học phí cho con đã là cả cố gắng lớn. Nhiều SV không muốn xin thêm tiền gia đình nên phải tằn tiện chi tiêu, ăn uống kham khổ, tìm mọi cách để chống chọi. Nhiều em ở tuổi "bẻ gẫy sừng trâu", áp lực học hành căng thẳng trong khi "cái khó bó cái khôn", thiếu năng lượng bù đắp, đã sinh ra mệt mỏi, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Vậy là, rốt cục vẫn phải đi làm thêm.

Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ sự hỗ trợ quan trọng hơn cả lại là cảnh báo những nguy cơ, định hướng cho các em biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, chọn công việc làm thêm phù hợp, tránh đua đòi, xa được các tệ nạn xã hội, bảo đảm việc học hành không bê trễ hay đại khái, đối phó.

Như vậy, cần có những tư vấn, giúp SV lựa chọn những công việc phù hợp với chính họ, gần với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo. Ðồng thời, Quỹ tín dụng SV nâng mức tiền được vay đối với SV, gia đình SV tính theo đơn vị thời gian, có thể là nửa năm một thay vì hằng năm.

Ðó là những vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ cho SV mà phạm vi điều chỉnh, can thiệp là ở cấp vĩ mô cho đến gia đình SV. Ngay từ mỗi đơn vị giáo dục - đào tạo cũng có thể tham gia, đóng góp phần hỗ trợ của mình đối với SV bằng những hoạt động thiết thực, sát hợp thông qua những chủ trương cụ thể và thực tiễn của mình...

Tất nhiên, giáo dục trong nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Có thể thấy, một thực tế là giáo dục ở ta hiện vẫn còn nặng lý thuyết, chưa thật chú ý đến việc trang bị những kỹ năng cụ thể một khi mà lịch học đã quá dày đặc. Hoàn toàn có thể nói rằng, không sẵn những trường có các chương trình ngoại khóa giảng dạy về cách quản lý chi tiêu, cách sống độc lập, cách chọn việc làm thêm phù hợp... Như vậy, nếu không có sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống giải pháp, có định hướng đúng đắn, kịp thời cho SV thì có thể sẽ khiến những hệ lụy không được chặn đứng mà còn tăng cao, chất lượng giáo dục sa sút cả về thể lực và trí lực đối với SV.

* Ông Dương Trọng Phúc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HSSV (Thành đoàn TP Hồ Chí Minh):

Gần đây, nắm bắt được những khó khăn của học sinh, sinh viên khi giá cả leo thang, Trung tâm đã tổ chức một số hoạt động nhằm trang bị kỹ năng cũng như hỗ trợ tìm việc, tìm nhà trọ cho SV. Qua đó các bạn trẻ sẽ được rèn luyện cho mình kỹ năng chi tiêu hợp lý và kỹ năng quản lý thời gian. Với hai kỹ năng này, sẽ giúp cho sinh viên biết điều chỉnh giữa việc học, việc làm, và đặc biệt không đi vào vòng xoáy của việc kiếm tiền mà xao nhãng việc học. Mong sao những chương trình như vậy sẽ được nhân rộng và phát huy hiệu quả hơn nữa.