Tin khoa học - kỹ thuật

Gene lặn gây bệnh mù bẩm sinh

NDO - Mù bẩm sinh là bệnh được gây ra bởi các NST lặn thông qua việc làm thoái hóa võng mạc và chỉ có khoảng 70% các nguyên nhân gây bệnh được tìm thấy, trong khi 30% các nguyên nhân còn lại vẫn chưa được phát hiện.
Gene lặn gây bệnh mù bẩm sinh

Sau khi nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh ở một số trường hợp bị tật về mắt, các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là giáo sư Qi Minh thuộc Ðại học Chiết Giang kết luận rằng, một gene có tên là "NMNAT1" là nguyên nhân chính gây ra bệnh này. "NMNAT1" có thể giúp che chở các tế bào tiếp nhận ánh sáng trong võng mạc và có vai trò quan trọng đối với các tế bào thần kinh, mô tim, thận và gan trong cơ thể. Tuy nhiên, các đột biến của "NMNAT1" có thể gây ra mù bẩm sinh Leber (LCA), đồng thời các đột biến của nó cũng có thể gây hại cho hệ thần kinh của bệnh nhân và một số cơ quan khác. Ba nhóm nghiên cứu khác dẫn đầu bởi nhà khoa học Chen Rui từ Ðại học Y Baylor ở Houston, Josseline Kaplan, Jean-Michel Rozet từ Pháp, và Eric Pierce từ Bệnh viện Tai và Mắt Massachusetts ở Boston cũng đã phát hiện ra các kết quả tương tự. Các chuyên gia cho biết, việc xác định được các gene này đã giúp tìm ra cách để điều trị các bệnh về mắt.

Caffein có thể ngăn ngừa được bệnh parkinson

Theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ, caffein có thể giúp kiểm soát được bệnh parkinson, mở ra cánh cửa điều trị mới cho căn bệnh này. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, để làm rõ những tác dụng của caffein đến căn bệnh này thì cần phải tiến hành các cuộc nghiên cứu có quy mô lớn và trong thời gian dài để làm rõ những tác động và nó được xem như là một lựa chọn để điều trị bệnh Parkinson. Caffein thường có nhiều trong cà-phê, trà và nước giải khát, nó có thể tác động đến hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống tim mạch, đồng thời có thể làm giảm mệt mỏi và tăng sự tỉnh táo cho cơ thể.

Chuyển kênh ti-vi bằng cây cảnh

Nhóm các nhà khoa học kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Disney (Pittsburgh- Mỹ), đã tìm được cách tương tác mới với cây cảnh. Công nghệ mới cho phép người dùng điều khiển các thiết bị điện tử bằng cách... chạm vào cây bonsai trong nhà. Ðược gọi là Botanicus Interacticus, nó không phải là giao diện tương tác chạm bình thường. Một điện cực kết nối với sợi dây đặc biệt được đặt vào đất trong chậu và nối với máy tính. Các chuyên gia cam đoan việc kết nối như vậy không hề gây hại đến cây trồng. Theo đó, hệ thống kết nối có thể phát hiện các đụng chạm hoặc các động tác tay thực hiện với bất cứ vật liệu dẫn điện nào. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, đừng dại dột dùng ứng dụng Botanicus Interacticus với cây xương rồng.