GS HỒ NGỌC ĐẠI:

Thực nghiệm là “lời thưa” của tôi với con trẻ

NDO -

Những lời lẽ của con người “gai góc” với những phản biện từng gây sốc trong ngành giáo dục - GS Hồ Ngọc Đại - giờ đây dường như đã “mềm” hơn và mang cả chút “hàm ơn” trong đó. “Cha đẻ” của công nghệ giáo dục, còn gọi là thực nghiệm, không mang ơn cho chính mình, mà cho những đứa trẻ được ông xem là tương lai của đất nước và dành cả cuộc đời để bênh vực, bảo vệ.

Thực nghiệm là “lời thưa” của tôi với con trẻ

ĐÃ CÓ BỘ TRƯỞNG THỰC TÂM ỦNG HỘ

Đầu tiên, xin chúc mừng GS Hồ Ngọc Đại khi cuốn sách Tiếng Việt 1 của ông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép áp dụng đại trà.

Nhắc đến điều này, tôi phải kể ra câu chuyện riêng tư giữa tôi và Bộ trưởng đương nhiệm của ngành giáo dục Phạm Vũ Luận. Cách đây hai năm, anh Luận đã bỏ tiền túi đi tàu hỏa lên Lào Cai, thuê xe ôm đi về năm trường tiểu học ở địa phương để tự tìm hiểu chương trình tiếng Việt thực nghiệm đang được giảng dạy ở đây. Sau khi tự mình mắt thấy tai nghe, Bộ trưởng đã biết rằng sách của tôi có thể triển khai đại trà được. Nhưng để chắc ăn, anh Luận đã bỏ ra 50 triệu đồng thuê luật sư tư vấn về mặt pháp lý cho mình, sau đó mới gọi tôi lên và hỏi: “Thầy ơi, em làm như thế có được không?”. Tôi trả lời Bộ trưởng bằng một câu hỏi: “Anh làm như thế mà không sợ à?”. Và Bộ trưởng trả lời tôi rằng: “Sợ thì em có sợ, nhưng Bác Hồ nói cái gì có lợi cho dân thì em làm”. Tôi đã nói với Bộ trưởng rằng anh muốn tôi làm đến đâu tôi sẽ làm đến đấy, tôi đủ sức làm cả nước cũng được, nhưng hoàn cảnh của anh thì khác.

Trước đây, quyển sách Tiếng Việt lớp 1 của tôi chỉ được áp dụng ở các tỉnh miền núi. Những đứa trẻ người dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh, cha mẹ chúng nói tiếng Kinh cũng không sõi, không học thêm ở đâu, chỉ sáu tuổi đi học, nhưng chỉ sau một năm học thì đã viết đúng chính tả và không thể tái mù.

Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép mở rộng cuốn sách về một số tỉnh đồng bằng và đạt kết quả tốt. Năm nay, Bộ trưởng đã ký quyết định chương trình SGK lớp 1 do tôi soạn sẽ là một phương án SGK của Bộ được áp dụng đại trà, nơi nào muốn dạy giáo trình nào cũng được. Hiện đã có 38 tỉnh dạy theo giáo trình của tôi.

Tự bỏ tiền túi ra “vi hành” và thuê luật sư để làm một việc không liên quan đến mình, đó quả là hành động hiếm hoi của một vị Bộ trưởng?

Đúng là rất hiếm. Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ SGK. Nhưng Bộ trưởng Luận đã dám công nhận bộ sách của tôi làm bộ sách thứ hai, đó là một người dám làm. Trước khi Bộ trưởng ký quyết định cho phép triển khai đại trà cuốn Tiếng Việt lớp 1 của tôi, anh đã đến trước bàn thờ Bác Hồ và xin phép vì thấy đây là việc có lợi cho dân. Khi nghe anh kể lại tôi cảm động lắm. Quyết định của Bộ trưởng đã coi đây như một giải pháp về SGK tiếng Việt cho toàn quốc. Và anh muốn qua thí dụ này để tìm giải pháp khác đổi mới căn bản và toàn diện cho ngành giáo dục.

Trước đây, ông đã từng từ chối chức Thứ trưởng, rồi phải chờ đợi mấy chục năm để tìm được một Bộ trưởng hiểu mình. Sao ngày đó GS không “đi đường tắt” thì có phải công nghệ giáo dục mà ông theo đuổi bấy nhiêu năm đã thành công rồi không?

Tôi đã nói thế nào cũng có một vị bộ trưởng đứng ra làm, người đó làm sẽ tốt hơn tôi, vì tôi chỉ làm chuyên môn, nếu không phải vướng vào những việc cụ thể sẽ sáng suốt hơn. Người quản lý phải tính nhiều chuyện, phải chịu thua cái này để được cái kia, phải chịu đựng và biết nhẫn nhục, mà người làm khoa học không bao giờ làm được cả.

Vậy theo GS, Bộ trưởng đương nhiệm sẽ phải làm gì để vực dậy nền giáo dục nước nhà?

Miễn là có một tấm lòng và thật bụng muốn làm giáo dục mà không phải làm chính trị để tiến thân, Bộ trưởng sẽ tự tìm ra cách.

TÔI LÀ NGƯỜI BÊNH VỰC TRẺ CON

Trong các diễn đàn về giáo dục, hình ảnh của GS luôn là một người phản biện gai góc. Ông có quan điểm như thế nào về phản biện giáo dục?

Không, tôi chỉ nói những điều có lợi cho trẻ con và đó là lợi ích của đất nước. Cách đây mấy chục năm, tôi đã nói rằng trẻ con là cứu tinh của đất nước này.

Khi đưa ra những phản biện để bảo vệ trẻ em, ông có bao giờ thấy mệt mỏi không, vì không phải bao giờ những điều ông nói cũng được lắng nghe?

Mỗi bên đều vì lợi ích của mình, họ không nghe vì lợi ích của họ, còn tôi nói là vì lợi ích của tôi, tức là vì lợi ích của trẻ con. Tôi cứ nói, lúc này họ chưa nghe thì khi khác nghe. Tôi cứ nói ri rỉ, nói ra rả, nói đi nói lại, nói cho bao giờ họ nghe thì thôi. Đất nước đã phát triển, giờ thì không phải chỉ có tôi, mà hàng nghìn, hàng vạn thế hệ những đứa trẻ học theo phương pháp của tôi đã lớn lên, và chúng nói thì mới có người nghe.

Trong số hàng nghìn hàng vạn đứa trẻ học thực nghiệm ấy có con cháu của ông không?

Tôi chỉ có duy nhất một đứa cháu nội, giờ nó đang học lớp 6 trường thực nghiệm. Nó đáng yêu lắm, hai ông cháu yêu nhau nhất đấy. Tôi nói với nó là “Một đời người lớn, hai đời trẻ con. Ông quay lại trẻ con rồi đấy!”, nó cười. Mới đây, sau khi cháu tôi vừa xem cuộc trò chuyện gần một tiếng đồng hồ của tôi trên ti-vi thì nó bảo rằng: “Ông ơi, cháu hiểu ông rồi”. Tôi hỏi: “Cháu hiểu thế nào?” thì nó nói: “Ông bênh trẻ con”. Tại sao tôi làm thực nghiệm - tức làm thử? Đó là lời thưa của tôi với trẻ con rằng thầy làm thế có đúng hay không. Em bảo được thì thầy làm, còn không được thì thầy sửa.

Nhưng GS có nghĩ rằng hệ thống trường thực nghiệm ấy dường như chưa đáp ứng đủ nhu cầu khiến phụ huynh học sinh phải đạp đổ cổng trường để mua hồ sơ? Rồi vô hình trung nó đã gây áp lực lên những đứa trẻ khi chúng phải vượt qua sát hạch với tỷ lệ chọi rất cao? Nó có đi ngược với “tuyên ngôn” của ông rằng “Học không thi cử, không chấm điểm”?

Cũng có thể. Áp lực ấy đối với riêng tôi là một sự lành mạnh, chứng tỏ tôi đã làm đúng.

BA NGÀY KHÔNG THỂ LÀM THAY VIỆC CỦA 12 NĂM

Mới đây, trong một hội thảo về đổi mới giáo dục, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đưa ra đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

Các quan điểm thi hay không thi đều được trả lời theo cảm giác hết, không dựa trên cơ sở lý luận nào cả. Giống như sản xuất hàng hóa trong nhà máy, hàng chuẩn thì mới cho ra thị trường, giáo dục cũng vậy, 12 năm trời làm không được, cuối cùng chỉ có ba ngày thi mà chính xác được à? Và bây giờ tất cả mọi người đều đi học, thi cử như thế hóa ra là may rủi sao?

Những người nông dân chắt bóp cả đời để cho con đi học trong 12 năm, cả ba họ của đứa trẻ nghìn đời nay mong có một ít chữ dắt lưng. Đánh trượt những đứa trẻ như thế để làm gì? Nếu những gì dạy ở trường mà HS tiếp thu được thì ngành giáo dục hy vọng đúng, còn nếu các em không tiếp thu được thì chắc chắn chúng ta sai. Chỉ trong ba ngày khóa cửa nhốt chặt HS để thi thì cho là nghiêm chỉnh, trong khi cuộc đời mới là sân thi cử lớn nhất và nghiêm chỉnh nhất mà mỗi đứa trẻ phải vượt qua.

Mới đây, GS cũng đã đưa ra đề xuất phân chia lại hệ thống giáo dục phổ cập xuống 11 năm?

Đúng vậy. Mặc dù rút ngắn chương trình phổ thông nhưng tôi đề nghị tăng bậc tiểu học lên sáu năm. Giữ trẻ 12 tuổi trong vòng tay gia đình và nhà trường thì sẽ an toàn hơn thả sớm một năm. Ba năm học THCS để bổ sung một số tri thức và kỹ năng cơ bản cần cho sức lao động phổ biến. Hai năm học THPT cho những ai muốn học lên, vào đại học hay cao đẳng.

Một lần nữa chúc mừng GS đã đạt kết quả bước đầu và chúc ông tiếp tục thành công!

Thực nghiệm là “lời thưa” của tôi với con trẻ ảnh 1
Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ SGK. Nhưng Bộ trưởng Luận đã dám công nhận bộ sách của tôi làm bộ sách thứ hai, đó là một người dám làm.