Đọc & mách

Thế lực trong lòng ruột

“Ông trùm” đó to không?

Lauren Petersen, một nhà khoa học ở Genomic Medicine, Connecticut, vào một ngày mùa hè 2017 quyết định dùng kính hiển vi soi vào mẫu phân của 35 tay đua xe đạp, chuyên nghiệp và nghiệp dư, rồi so sánh. Cô nhận thấy trong phân của những tay đua xe đạp xịn có vài chủng vi khuẩn mà những tay đua vớ vẩn không có. Cô bèn dùng “phân xịn” ấy tự cấy vào đường ruột mình. Vốn là một người chuyên đạp xe leo núi, Lauren Petersen “thề” rằng sau vụ cấy phân này, cô chuyển từ một người hay cảm thấy mệt mỏi khi luyện tập sang một người có thể thắng các cuộc đua chuyên nghiệp (nhưng cô chưa chứng minh!).

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Tuy nhiên, khi nghĩ tới một gram phân thôi có thể chứa nhiều vi khuẩn hơn số người đang có mặt trên Trái đất, và chúng ta hiện cũng thật sự chưa hiểu hết về tầm hoạt động mênh mang của chúng, thì thôi cứ để mình Lauren thí nghiệm trên thân cô ấy trước, ta hẵng khoan.

Mặc dù thế bạn cũng nên biết rằng, nếu trước kia ta vẫn thắc mắc, “Sao anh ấy lực lưỡng thế, hào sảng thế, ít ốm đau thế?” và câu trả lời là: “Do gien đấy, bố mẹ anh ấy đều thế cả...”, thì khoảng 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã nhận thấy những đặc tính ấy còn được quyết định bởi bầy vi khuẩn trong ruột. Chúng cũng phức tạp và quan trọng không kém gì bộ gien. Chúng ảnh hưởng cả tới vẻ lực lưỡng, cân nặng, hệ miễn dịch, tính dị ứng, chuyển hóa và ngon miệng của chúng ta.

Đám vi khuẩn ruột này đúng là một quần thể bao la trong đường ruột ta (đôi khi ta phải tự hỏi, hay mình chính là một con vi khuẩn ruột trong một cái bụng của người khổng lồ nào đó). Chúng là cả một vũ trụ gồm vi khuẩn, nấm, virus, động vật nguyên sinh, gộp lại đến hai kg, tức là nặng hơn một bộ não người lớn. Nhắc lại, một gram phân thôi sẽ chứa số vi khuẩn còn hơn dân số Trái đất. Cho nên chúng được các nhà khoa học đối xử như một cơ quan riêng biệt.

Cả nghìn nghìn tỷ vi khuẩn ấy chia thành nhiều chủng, có chủng chuyên phân hủy thức ăn, phá vỡ độc tố; có chủng chuyên tạo vitamin, lại có chủng tham gia vào công tác miễn dịch. Đó thật sự là “bố già” đứng đằng sau các vấn đề về sức khỏe của chúng ta, từ bệnh hay cáu gắt tới ung thư... Và giới y học giờ đang đổ tiền vào nghiên cứu “những ông trùm trong đống phân” này. Thị trường men vi sinh có thể sẽ phát triển đến 64 tỷ đô-la vào 2023.

Ruột khỏe não khỏe

Khi áp lực công việc tăng, ta thấy nhiều người “ăn không ngon, ngủ không yên”. Có người cứ hễ sắp vào phòng thi thì muốn đi tiêu. Có người nghe con khóc là phải chạy vào nhà vệ sinh. Có người sắp đến cuộc hẹn thì ruột quặn lên như trúng thực... Nhiều bệnh nhân thiểu não đến phòng khám với lời khai: “Tôi thấy đau quặn bụng, muốn đi tiêu, đi được một tí lại muốn đi nữa, nhưng cũng chỉ đi được một tí. Tôi hay chướng bụng, hay xì hơi, lại khó tiêu...”. Và bác sĩ hỏi: “Dạo này có stress lắm không?”. Bệnh nhân gật đầu thừa nhận. Một số bác sĩ biết ngay người này bị “hội chứng đường ruột kích thích” và cho thuốc an thần kinh, kèm men vi sinh.

Rõ ràng có sự liên hệ giữa tinh thần với... ruột già. Và còn liên hệ rất sâu xa. Người ta thấy, những người bị hội chứng “ruột bị kích thích do căng thẳng” thường là hồi bé có gặp chấn thương tâm lý nào đó, thí dụ hay bị đánh, bị mắng vô cớ, bị bắt nạt trong trường... Năm 2009, John Cryan cùng cộng sự đem một lũ chuột con tách khỏi mẹ chúng (tức là gây cho chúng một chấn thương tâm lý). Họ thấy hệ vi sinh vật trong đường ruột của những con chuột tội nghiệp này giảm hẳn. Rồi vài năm sau, các nhà khoa học Nhật gây giống được một số động vật không có hệ vi sinh trong ruột. Họ thấy những con này rất hay bị stress.

Khuẩn ruột khỏe, ta khỏe

Người ta cũng thấy, khi bị cảm cúm, tức hệ miễn dịch của bạn có vấn đề, nếu ngoài thuốc bác sĩ cho, bạn dùng thêm men vi sinh (tức những vi khuẩn có ích cho ruột) hoặc ăn sữa chua (tốt) thì cảm cúm sẽ mau hết.

Trong mất ngủ cũng thế, nhà báo Michael Mosley từng tự thí nghiệm bằng cách dùng men vi sinh khi mất ngủ. Sau năm ngày dùng liên tiếp, anh thấy ngủ tốt hơn nhiều. Người ta cũng thấy trong ruột của những vận động viên điền kinh, hệ vi sinh phong phú hơn trong ruột của những người ốm yếu.

Có nơi lại thí nghiệm với những người trầm cảm. Họ chia bệnh nhân ra làm hai nhóm, tất cả đều dùng thuốc chống trầm cảm nhưng một nhóm không dùng kèm men vi sinh còn một nhóm có dùng kèm. Kết quả là: nhóm không dùng men hay suy nghĩ tiêu cực. Nhóm dùng men có suy nghĩ tích cực hơn.

Với thiếu niên vào tuổi dậy thì, theo bạn bè ăn uống láo lếu, sức khỏe thất thường, có bà mẹ lẳng lặng cho con dùng thêm men vi sinh mỗi đợt vài tuần, kết quả là “có tiến bộ”.

“Có ruột khỏe là có tất cả”, “Vi khuẩn ruột khỏe là ta khỏe”. Nhưng làm cách nào để “ông trùm” trong bụng ta được hùng mạnh?

Ta có thể kiểm soát cả “ông trùm” ấy

May mắn thay, thế lực vi sinh kia tuy hùng mạnh thật và quan trọng thật nhưng lại nằm gọn trong bụng ta. Trước mắt, khi còn khó kiểm soát được những căng thẳng từ bên ngoài khiến lũ vi sinh ấy mệt mỏi, như hàng xóm hung hăng, đồng nghiệp hay cáu gắt..., thì ta vẫn có thể kiểm soát những thứ khiến chúng mạnh lên, bằng cách ăn, bằng lối sống, là những thứ do ta chủ động phần lớn.

- Đầu tiên là đừng lạm dụng thuốc và kháng sinh, nhất là kháng sinh, vì đó là “sát thủ” với hệ vi sinh đường ruột (bạn để ý các bác sĩ khi kê kháng sinh hay phải cho kèm men vi sinh, xong rồi ta lại vứt qua một bên ấy).

- Kế là bớt những chất có thể tàn sát hệ khuẩn ruột, thí dụ rượu, thuốc lá, bia...

- Thứ ba là những thức ăn biết chắc là độc hại, thí dụ cơm bụi dùng dầu mỡ cũ, chất tẩm ướp...

- Thứ tư là ăn nhiều loại rau quả tươi và thực phẩm lên men tốt (như sữa chua, bắp cải muối, đậu nành ủ...).

- Thứ năm là tập thể dục đều đặn, bớt tự tạo stress...

- Thứ sáu là dùng thêm men vi sinh mỗi khi cơ thể hơi yêu yếu...

*

Nói về não, về tim, về gan... thì mọi người rất quan tâm. Chúng là những bộ phận rõ ràng, vừa cụ thể lại đầy tính biểu tượng. Còn nói về bọn vi khuẩn trong ruột, trong phân, thì là một khối lù mù và “đáng khinh”, ngang với bọn giun sán...

Nhưng như các nhà khoa học đã chỉ ra, chúng là một “thế lực”, không chỉ kiểm soát bụng ta mà còn chi phối não ta. Mối quan hệ giữa bọn khuẩn ruột với não là một vòng luẩn quẩn: khuẩn ruột yếu thì thần kinh mệt mỏi, thần kinh căng thẳng thì khuẩn ruột cũng teo tóp theo.

Tóm lại, nếu gọi thế lực vi sinh “phàm tục” kia là thân còn não là tâm, nôm na thế; vậy thì muốn giữ “thân tâm an lạc”, ta cần phải mạnh cả thân lẫn tâm.