TS BÙI TRÂN PHƯỢNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH HOA SEN

“Sống tử tế, học đàng hoàng”

NDO -

“Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu” là cái đích mà Đại học Hoa Sen - ngôi trường hàng đầu trong hệ thống đại học ngoài công lập luôn hướng tới. Và đó cũng chính là những giá trị sống mà người phụ nữ “hai trong một” - nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý giáo dục Bùi Trân Phượng luôn trân quý và dành trọn đời mình theo đuổi.

“Sống tử tế, học đàng hoàng”

* Thưa bà, xin được bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một câu hỏi khá riêng tư. Tại sao bà lại chọn ĐH Hoa Sen, khi đã có tới 16 năm gắn bó với Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh (ĐHSP)?

- Tôi vốn không có thói quen thay đổi công việc, nhất lại là trong lĩnh vực giáo dục mà bản thân luôn đam mê và lựa chọn từ khi còn rất trẻ. Cho dù trong suốt thời gian ở ĐHSP, tôi luôn nhận được khá nhiều lời mời hấp dẫn, từ nhiều đơn vị khác nhau. Lý do “nhảy việc” ư? Tôi là người trực tính, luôn sẵn sàng bảo vệ cái đúng và không bao giờ chịu thỏa hiệp, đầu hàng những điều sai trái. Cũng đã từng nhận về mình nhiều sóng gió, nhiều thất bại nhưng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Tận tâm tận lực với sự nghiệp trồng người bao năm nên sự thay đổi trong nhận thức của tôi rõ nét và sâu sắc chứ không hề hời hợt, nông nổi.

* Nhưng nhìn từ góc độ một người ngoài cuộc, tôi thấy lời mời của Trường Hoa Sen lúc đó không hề hấp dẫn. Một Phó Chủ nhiệm khoa của trường công lập có thương hiệu lại chấp nhận vị trí Trưởng bộ môn tiếng Pháp của một đơn vị giáo dục non trẻ, đang chập chững những bước khởi đầu đầy khó khăn?

- Đúng là trước kia, tôi chưa bao giờ có ý định giảng dạy tiếng Pháp. Ngay cả trong những năm cực khổ nhất, cho dù kèm ngoại ngữ được nhiều tiền thù lao, tôi vẫn nói không. Bởi tôi coi ngôn ngữ thứ hai ấy đơn thuần là công cụ để nghiên cứu lịch sử. Và trước khi làm quản lý, tôi thường cho phép mình khá cực đoan trong việc theo đuổi một số giá trị mà mình coi trọng. Nhưng khi nghe nhóm sáng lập đặt vấn đề: làm giáo dục chất lượng, nói thật và làm thật, tôi bắt đầu được thuyết phục.

Rồi tôi đưa ra một phép thử, Trưởng bộ môn có được toàn quyền tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng giáo viên để bảo đảm chất lượng giảng dạy không? Bởi đó chính là điều tôi không thể, khi còn phụ trách khoa, bộ môn ở ĐHSP. Họ thẳng thắn, tuyển dụng trước mắt là không thể vì trường đã làm xong nhưng vế sau thì Phượng có toàn quyền. Nghe vậy nhưng tôi cũng không tin tưởng lắm, bởi đã có nhiều kinh nghiệm buồn về những lời hứa không đi đôi với việc làm. Nhưng rồi đã có một câu chuyện khiến tôi thay đổi. Đó là lúc tôi lên gặp Phó Hiệu trưởng để thông báo một lỗi sai sơ đẳng trong đề thi học kỳ Pháp văn. Thay vì diễn giải loanh quanh, anh chỉ hỏi tôi một câu giản dị: Theo Phượng thì nên chấm dứt hợp đồng giảng viên đó ngay hay chờ cho tới cuối học kỳ? Đúng như những gì họ đã hứa trước đó. Cả đời tôi luôn tâm niệm, nói được phải làm được, nói tới đâu làm tới đó, không làm được thì đừng tuyên ngôn. Hoa Sen chinh phục và khiến tôi gắn bó đến bây giờ chính nhờ điều đó.

* Nhưng ai cũng biết, nói luôn dễ hơn làm. Và để có thể giản dị là ”sống tử tế, học đàng hoàng” - như slogan ấn tượng mà Hoa Sen hướng tới, thầy và trò đã làm tất cả “vì một nền giáo dục sạch”?

- Chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ FACE. FACE là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: For a clean education - Vì một nền giáo dục sạch. Bởi tập thể thầy trò đều mong mỏi sự “sạch” ấy sẽ giúp khôi phục diện mạo người thầy, người học, tạo hình ảnh đẹp cho người làm giáo dục nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung với bè bạn thế giới. FACE, trong tiếng Anh cũng chính là gương mặt. Bởi người Á Đông luôn rất coi trọng thể diện, ở đây mang nghĩa sống tử tế, thanh sạch và lương thiện. Tôi nhớ FACE đã từng tổ chức cuộc thi mang tên Sinh viên trung thực: Được gì, mất gì? Và video clip có tựa đề The Hands (Đôi bàn tay) đã giành giải nhất. Một tác phẩm không có lời bình, chỉ có chuỗi hình ảnh nối tiếp nhau. Từ bàn tay bé thơ trắng hồng đáng yêu đến khi dần mang những vết đen xấu xí bởi quay cóp, chạy điểm, mua bằng… để rồi cuối cùng trở nên đen thui khi kết thúc quãng đời đi học. Chỉ một câu kết giúp chuyển tải thông điệp ngắn gọn nhưng đầy sức nặng: Chúng ta sẽ xây dựng tương lai bằng đôi bàn tay như thế này chăng? Câu trả lời của Hoa Sen là “không”. Từ quay cóp, đạo văn đến thiếu trung thực trong học tập và giảng dạy đều bị xử lý cực kỳ nghiêm khắc, bất kể người đó là ai. Chúng tôi đã làm mọi cách để vươn tới bầu không khí giáo dục trong lành.

* Trong danh sách bảy giá trị cốt lõi mà Hoa Sen đúc kết, tôi rất ấn tượng với bốn yếu tố: tinh thần hiếu học - hiếu tri, tư duy độc lập, tính chính trực, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng. Tôi nghĩ đó chính là những nhịp cầu giúp Hoa Sen đến gần với mô hình đại học hiện đại để có thể “kết nối năm châu”?

- Mơ ước của Hoa Sen là khởi xướng một mô hình giáo dục đoạn tuyệt với truyền thống nhà trường thoát ly thực tế, chỉ rao giảng cái mình (giả định) biết, không cần quan tâm đến nhu cầu kinh tế - xã hội, chỉ đơn thuần nhai lại từ chương mà không quan tâm kỹ năng, công nghệ, hay cả sự cập nhật tri thức, chưa nói đến sáng tạo, phát minh; đoạn tuyệt với ảo tưởng về “ngoại lệ” Việt Nam, dẫu là tự ti hay tự phụ. Hoài bão của chúng tôi là đưa giáo dục sau phổ thông trở lại quỹ đạo bình thường của một nền giáo dục lành mạnh, hiểu theo nghĩa hòa vào dòng chảy của giáo dục thế giới, lấy chuẩn mực phổ quát để tự đánh giá mình, và bám gốc rễ từ thực tại của đất nước.

Trên thế giới trước đây, đại học là bậc học cao nhất dành cho số ít - những cá nhân học giỏi hoặc có tiền. Giờ đây, các quốc gia đều đại chúng hóa, xã hội hóa bậc học này. Làm sao để tìm kiếm nguồn thu nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đã trở thành bài toán nan giải. Nhưng chúng tôi không tránh né, cũng không đổ thừa vì nước mình nghèo nên có thể được xuê xoa điều này, điều kia. Hoa Sen từ chối không coi chúng ta là một ngoại lệ. Cần lấy chuẩn mực chất lượng quốc tế làm thước đo cho bản thân mình. Đại học là phải quốc tế, thực chất chứ không phải gắn mác cho oai. Chúng tôi luôn làm hết sức mình để đạt được triết lý ấy.

* Có phải chính vì thế mà bà từng tâm sự, “giáo dục mang lại cho tôi niềm hạnh phúc”?

- Tôi nghĩ, giáo dục là hành trình kiếm tìm tri thức không mệt mỏi. Người làm giáo dục phải luôn học hỏi để tiệm cận và làm chủ cái mới. Giáo dục không chỉ làm thay đổi mọi người mà còn thay đổi chính mình. Và nếu hết lòng cố gắng làm tốt công việc của mình, chúng ta đều có thể tìm thấy hạnh phúc.

- Trân trọng cảm ơn bà!

* TS BÙI TRÂN PHƯỢNG: Sinh năm 1950.

Sau khi đậu Tú tài hạng ưu tại Trường trung học Marie Curie, bà đi du học tại Pháp năm 1968. Cử nhân Giáo khoa Lịch sử (Đại học Paris I) năm 1972, Tiến sĩ Lịch sử (Đại học Lyon 2) năm 2008.

Từng dạy học tại Trường Marie Curie, sau đó đảm nhiệm công việc Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Cần Thơ. Từ 1975 đến 1991, bà công tác tại Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh với chức danh Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử. Bà gắn bó với ĐH Hoa Sen từ năm 1991 đến nay và đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng từ năm 1996.

Từ 1975 đến 1992, bà đã có nhiều công trình nghiên cứu tập trung vào lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Sau 1992 đến nay, bà đi sâu nghiên cứu lịch sử văn hóa và lịch sử phụ nữ Việt Nam. Những công trình nghiên cứu của bà luôn được các nhà khoa học quốc tế đánh giá là có nhiều cái mới về tri thức cũng như phương pháp.

Bà được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục năm 2012 vì “những hoạt động rất hiệu quả góp phần đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng nước nhà”.