Người chinh phục đỉnh cao toán học

lại có thêm một niềm tự hào của toán học Việt Nam, GS, TSKH Phạm Hoàng Hiệp (ảnh trên), Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa được Trung tâm quốc tế Vật lý lý thuyết trao Giải thưởng Ramanujan năm 2019. Đây là giải thưởng được trao hằng năm cho một nhà toán học trẻ dưới 45 tuổi hoặc nhóm nhà khoa học trẻ có cống hiến cho toán học ở các nước đang phát triển. Sau “kỷ lục” được phong học hàm PGS, GS trẻ tuổi nhất, Phạm Hoàng Hiệp tiếp tục khẳng định mình bằng giải thưởng lớn tầm cỡ quốc tế.

Người chinh phục đỉnh cao toán học

Trò chuyện với tôi về niềm đam mê cháy bỏng với toán học và những giải thưởng, công trình khoa học khiến bao người ngưỡng mộ, anh Hiệp vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, hiền lành, đúng chất của một nhà khoa học cả đời chuyên tâm nghiên cứu. Có lẽ cuộc đời anh không thể thiếu tình yêu với toán, những bài toán hóc búa. Hồi học Đại học Sư phạm, anh được GS Nguyễn Văn Khuê tận tâm dìu dắt bởi ông thấy tiềm năng, tố chất ở anh. Vạn sự khởi đầu nan, bước khởi đầu nghiên cứu thuận lợi khích lệ anh nỗ lực cố gắng. Được giữ ở lại trường làm giảng viên, nhờ nghiên cứu chuyên sâu, lại truyền đạt dễ hiểu, giờ dạy của giảng viên Phạm Hoàng Hiệp tạo nhiều hứng khởi, lý thú cho sinh viên. Sinh viên hiểu rõ bản chất cốt lõi của các định lý, từ đó vận dụng chứng minh chứ không nhất thiết đi lần lượt từng bước theo trình tự. Anh còn chịu khó sưu tầm bài tập khó để rèn tư duy, bồi dưỡng cho các em có năng khiếu.

Cơ hội khám phá chân trời tri thức khi Phạm Hoàng Hiệp bảo vệ luận án tiến sĩ toán học tại Thụy Điển và sang Pháp, Italia nghiên cứu toán học, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Pháp, có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, học hỏi được nhiều điều, nhất là phương pháp tư duy, những vấn đề còn trăn trở, băn khoăn ngày càng rõ hơn. Môi trường nghiên cứu ở nước ngoài chuyên nghiệp, quy tụ nhiều tinh hoa toán học từ khắp các nước, tính cạnh tranh cao đòi hỏi mỗi người phải chủ động, miệt mài làm việc. “Họ không quan tâm mình là ai, đến từ đâu, quan trọng là có đưa ra được quan điểm, ý tưởng gì mới không. Họ rất trọng thị nếu mình làm việc nghiêm túc”, anh trải lòng.

Con đường nghiên cứu mang đậm dấu ấn cá nhân vô cùng gian nan, chẳng khác người độc hành trên sa mạc. Nhiều nhà khoa học kiên trì theo đuổi cả chục năm, thậm chí cả đời lao tâm khổ tứ, nhưng có giả thuyết hàng trăm năm vẫn chưa tìm ra lời giải. Có giả thuyết anh trăn trở rất lâu nhưng đôi khi chỉ trong một lần đọc tài liệu lại gợi mở hướng đi đến đích. Với anh, thành công dù lớn hay nhỏ đều đòi hỏi tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao, vắt kiệt sức mình. Chưa kể sức ép chạy đua với thời gian vô cùng nghiệt ngã, bởi mình luôn phải là người công bố đáp án đầu tiên, nếu chậm trễ có thể bao công sức sẽ đổ xuống sông xuống biển. Nhiều đêm thức triền miên vắt óc nghĩ mãi không ra, nhưng bù lại là những giây phút thăng hoa, hưng phấn tột cùng khi tìm ra mấu chốt, chìa khóa giải quyết vấn đề. “Nó cũng giống như việc thiết kế con đường riêng đang làm dang dở, khi đục thủng bức tường cản trở cho đường thông thì cảm giác vô cùng thích thú”, anh bộc bạch.

Trong số hơn 40 công trình khoa học đã công bố, anh Hiệp ưng ý nhất là bảy, tám công trình đưa ra được quan điểm, ý tưởng hoàn toàn mới và chứng minh thành công hoặc đã có giả thuyết nhưng chưa ai chứng minh được. Khác hẳn buổi đầu anh thường chọn những vấn đề khó vừa, phát triển từ công trình nghiên cứu của người khác nhưng làm tốt hơn để tập dượt, sau nâng dần độ khó. Ấn tượng sâu sắc về bài báo khoa học quốc tế đầu tiên được đăng khi mới ra trường đến giờ anh vẫn không thể quên.

Ngã rẽ nghề nghiệp đưa anh Hiệp gắn bó với Viện Toán từ năm 2015. Môi trường làm việc mới tạo điều kiện cho anh phát huy tối đa năng lực sở trường, toàn tâm toàn ý nghiên cứu chuyên sâu, theo đuổi đam mê. Anh tổ chức hội thảo, xây dựng các nhóm nghiên cứu đóng góp chuyên môn, hiểu biết của mình cho toán học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tạo cơ hội cho những sinh viên xuất sắc có dịp cọ xát, kiếm học bổng nước ngoài, từ đó tiếp tục tạo cầu nối cho sinh viên thế hệ sau. Dày công ươm mầm ắt có trái ngọt. Thầy Khuê tự hào có học trò giỏi giang thì với anh, thành công của các thế hệ học trò cũng chính là vinh dự của mình.

Căn phòng làm việc của GS Phạm Hoàng Hiệp luôn mở rộng cửa chào đón bất cứ ai yêu toán. Hiện nay, xu hướng nhiều bạn trẻ chọn học các ngành khoa học ứng dụng, tuy nhiên khoa học cơ bản vẫn đóng vai trò quan trọng và theo đuổi càng không thể “ăn xổi”. Mấy năm gần đây, anh tích cực tham gia hội nghị, hội thảo ở Hàn Quốc, Nhật và một số nước để giao lưu, chia sẻ về những vấn đề, phương pháp, định hướng nghiên cứu mới. Từ khi chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng, anh trưởng thành, chín chắn hơn. Anh cũng chọn con đường cống hiến ngay ở trong nước, từ chối nhiều cơ hội ở lại nước ngoài làm việc, bởi tình yêu Tổ quốc luôn thấm sâu trong huyết quản.

“Không có gì là không thể. Nếu mình có đam mê, nhiệt huyết sẽ tự tin vươn tới những đỉnh cao khoa học. Trong khoa học, quan trọng nhất để khẳng định mình là đóng góp, cống hiến được những gì”, anh tâm sự. Giải thưởng cao quý không chỉ là vinh dự dành cho nhà khoa học trẻ tài năng như GS Phạm Hoàng Hiệp mà còn cho cả nền toán học nước nhà. GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Toán học cho biết, sở dĩ ông đề cử Phạm Hoàng Hiệp cho Giải thưởng Ramanujan bởi luôn đánh giá cao người đồng nghiệp trẻ về tố chất, niềm say mê và những thành tựu nghiên cứu xuất sắc, đặc biệt anh là nhà toán học trong nước đầu tiên có bài báo đăng trên Acta Math, một tạp chí toán học hàng đầu thế giới. Trong toán học có những người cả đời chỉ biết kiến thức một chuyên ngành nhưng anh biết vận dụng, phát huy kiến thức của nhiều chuyên ngành để giải quyết những vấn đề mở của toán học. GS Phạm Hoàng Hiệp cũng hy vọng Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư hơn nữa cho khoa học cơ bản nói chung và toán học nói riêng để có thể thúc đẩy sự phát triển công nghệ 4.0 và chuyển đổi số ở Việt Nam.

Nhà khoa học trẻ đón nhận giải thưởng - mốc son của quá trình nghiên cứu trong niềm vui đặc biệt. Vinh dự, hạnh phúc nhưng cũng là áp lực. Chân trời tri thức là vô tận. Anh không bao giờ tự bằng lòng với bản thân, luôn miệt mài dấn thân nghiên cứu, tự nhủ phải làm tốt nhất có thể. Và còn niềm hạnh phúc lớn không kém trong nghề là lan tỏa tình yêu toán học đến với mọi người để có thêm nhiều nhân tài đóng góp cho xã hội, phát triển nền toán học nước nhà.

Người chinh phục đỉnh cao toán học ảnh 1

Phạm Hoàng Hiệp cùng các giáo sư toán học hàng đầu thế giới.