PGS, TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng trường cán bộ Quản lý Giáo dục và đào tạo:

Ngành giáo dục cần cảnh tỉnh và thay đổi

“Cái chết của em học sinh lớp 1 Trường Gateway ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) làm tôi vừa bàng hoàng vừa đau xót. Phải nói thẳng, cháu bé tử vong do sự tắc trách và cẩu thả, mà trong giáo dục luôn đòi hỏi sự hết lòng. Nếu không có sự hết lòng thì nên đi làm nghề khác. Ngay cả người tài xế, một khi đã đưa đón học sinh cũng phải xác định rõ điều đó. Và nhà đầu tư vào giáo dục nếu chỉ biết đến lợi nhuận mà không có cái tâm của người thầy thì cũng xin hãy tìm lĩnh vực khác kiếm tiền. Nhưng tôi thấy câu chuyện ở đây không chỉ dừng lại ở nguyên nhân do sự tắc trách của một vài cá nhân như người tài xế, cô giám hộ, c&o

Ngành giáo dục cần cảnh tỉnh và thay đổi

Làm giáo dục phải tinh tế và tử tế

Thưa ông, vấn đề “lớn hơn” mà ông muốn nói đến ở đây là gì?

Tôi nghĩ đó chính là thái độ vô trách nhiệm đang hiện hữu trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Làm giáo dục không chỉ có nghĩa vụ mà còn nghĩa tình, phải thương yêu học sinh như con của mình. Nếu thương học sinh như con của mình thì làm sao cả hệ thống của một trường mang danh quốc tế có thể bỏ rơi đứa trẻ hơn 8 giờ liền trên xe ô-tô trong một ngày nắng.

Thưa ông, nghĩa tình hết sức quan trọng với nghề giáo, nhưng qua sự kiện đau lòng này chúng ta có thể thấy hệ thống giáo dục đang thiếu những quy chuẩn, quy trình cụ thể chi tiết, khoa học để bảo đảm an toàn cho học sinh?

Tôi nói nghĩa tình là ở góc độ đạo lý, nhưng muốn thực hiện được đạo lý đó cần có quy chuẩn, hay nói cách khác là phải có hành lang pháp lý. Chẳng hạn, đối với học sinh lớp 1, thời gian đầu đến trường, nhà trường phải ứng xử thế nào? Thời chúng tôi đi học, ngày khai trường thiêng liêng lắm. Đúng như đoạn văn của nhà văn Thanh Tịnh trong Quốc văn giáo khoa thư miêu tả: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Giờ đây, mới đầu tháng 8 nóng bức, chưa có “sương thu và gió lạnh” học sinh đã vào lớp 1, trong một guồng quay vội vã. Chẳng biết có phải do nhịp sống hiện đại hay cũng bởi tác động của thương mại hóa giáo dục: sẽ thu học phí và các khoản đóng góp sớm hơn. Nhưng cần biết, giai đoạn từ mầm non sang tiểu học là một thời điểm nhạy cảm, nên thầy, cô giáo phải lưu ý hết sức tâm lý của tuổi này, cái tuổi phải vượt qua ngưỡng đầy thử thách. Em học sinh của Trường Gateway đang ở tuổi mầm non mới lên lớp 1, vừa đi học được một ngày, tất nhiên còn bỡ ngỡ với ngôi trường mới, nhưng có ai quan tâm đến diễn biến tâm lý của em ấy không? Điều này có liên quan gì đến việc em không xuống xe trong ngày thứ hai đến trường không?

Học sinh lớp 1 qua học kỳ 1 cũng đã khác với giai đoạn mới đến trường. Chính vì thế, làm giáo dục phải hết sức tinh tế và tử tế. Tử tế là gì? Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, bình thường. Và nếu có sự tử tế đó, thì em học sinh Trường Gateway đã không chết. Nhưng cả hệ thống giáo dục của chúng ta có vẻ đang thiếu đi sự tử tế, ít ra là theo nghĩa “cẩn thận từ những việc nhỏ bé, bình thường”. Tôi đã giật mình khi biết hằng năm có rất nhiều học sinh đã tử vong vì rơi từ tầng cao xuống, vì điện giật, vì tường đổ... Tất cả đều do thiếu sự tử tế của những người có trách nhiệm.

Ngành giáo dục đang có phong trào xây dựng trường học thân thiện, trường học hạnh phúc, nhưng nếu không làm cho tử tế thì sẽ thành những cuộc vận động mang tính chất “đầu lưỡi”. Chúng ta có quá nhiều khẩu hiệu mang tính răn dạy đạo đức nhưng thiếu đi những chuẩn lành mạnh cụ thể như người hiệu trưởng phải làm gì, người giáo viên phải làm gì, ông bảo vệ, giáo dục viên phải làm gì. Không thể cứ hô hào, như vậy không xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, nhân văn.

Còn thiếu những quy chuẩn bảo đảm an toàn cho học sinh

Thưa ông, rõ ràng, sự việc đau lòng của em học sinh lớp 1 Trường Gateway đã đặt ra cho ngành giáo dục rất nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề cần giải quyết?

Qua sự việc đau lòng này, ngành giáo dục phải thấy trách nhiệm, sự thiếu sót của mình. Không thể cứ sau khi xảy ra sự việc, Bộ GD và ĐT yêu cầu Sở GD và ĐT Hà Nội kiểm điểm nghiêm túc, Sở lại yêu cầu Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy kiểm điểm nghiêm túc, Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy yêu cầu Trường Gateway kiểm điểm nghiêm túc, để rồi sau đó, không có sự thay đổi gì. Qua cái chết của cháu bé, vô cùng đau xót nhưng gợi ra cho những nhà giáo dục rất nhiều câu hỏi. Những người làm công tác giáo dục cần nhìn nhận nghiêm túc trước cái chết của cháu bé, chứ không thể xem đó như một tai nạn bình thường.

Tôi thấy nếu chê ngành giáo dục bây giờ thì thiếu trái tim, nhưng nói hài lòng thì chưa có bộ óc tỉnh táo. Bên cạnh nhiều người chưa hoàn thành trách nhiệm thì vẫn có biết bao nhiều người đang tận tụy vì học sinh thân yêu. Nhưng qua những việc này, ngành giáo dục phải cảnh tỉnh và phải thay đổi. Thay đổi trong cả quan điểm, thay đổi trong hành động mà cái hồng tâm đi đến là sự tử tế. Mà một người thầy tử tế, nhân văn, một ngôi trường tử tế, nhân văn, một nền giáo dục tử tế, nhân văn không thể nói chung chung mà phải có những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể. Từ nhà vệ sinh trong trường học phải thế nào, xe đưa đón học sinh phải có tiêu chuẩn, quy trình như thế nào, trên xe phải có người phụ trách mặc đồng phục treo biển tên, kiểm đếm học sinh khi lên xe, xuống xe, bàn giao học sinh cho cô chủ nhiệm. Cách đây chưa lâu đã xảy ra chuyện cô hiệu trưởng Trường Nam Trung Yên - Hà Nội đi taxi vào khuôn viên trường học đâm gãy chân học sinh. Điều đó cho thấy sự tùy tiện, tắc trách, vắng bóng những quy chuẩn, quy định nghiêm ngặt ở môi trường học đường để bảo đảm an toàn cho học sinh. Chúng ta có khẩu hiệu: “Tất cả vì học sinh thân yêu” xuất phát từ Trường Bắc Lý thế kỷ trước, coi đó như triết lý của ngành giáo dục, là một điều đặc sắc của nền giáo dục Việt Nam. Nhưng làm sao hệ thống giáo dục thấm nhuần triết lý đó? Mà xét cho cùng thì đó là cái lõi trong Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em mà nước ta là nước đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn.

Phải dạy làm người trước

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ trăn trở về tình trạng “dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết”. Thủ tướng yêu cầu phải tạo chuyển biến căn bản về dạy làm người. Ông đánh giá thế nào về thông điệp này?

Tôi cho rằng thông điệp của Thủ tướng là hết sức cần thiết và kịp thời, nói đúng việc bức thiết của ngành giáo dục hiện nay. Chúng ta rất cần nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó phải đào tạo nhiều về kiến thức, kỹ nghệ, nhưng trước hết phải dạy làm người. Thông điệp của UNESCO với các nhà trường: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình. Tháng 9-1949, trong dịp đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi vào sổ của trường: Học để làm việc, học để làm người...

Nhưng như thế nào là học để làm người? Tôi quan niệm, đã là con người thì phải có ba thứ: nhân tính, quốc tính và cá tính. Nhân tính là những phẩm chất mà một con người cần có, như Bác Hồ nói: Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Và là người Việt Nam, cần phải có quốc tính, thấm nhuần bản sắc con người Việt Nam. Cá tính cũng hết sức quan trọng. Nếu không giáo dục học sinh có cá tính thì với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta không thể có một lớp người sáng tạo. Cá tính đi liền với sáng tạo.

Tôi nhận thấy giới trẻ bây giờ thông minh, tháo vát trước công nghệ nhưng sự vô cảm nhiều hơn, tính trung thực ít hơn. Chính vì thế, tôi nghĩ phải dạy làm người trước. Cả hệ thống giáo dục góp sức giáo dục thế hệ trẻ ngày nay trung thực hơn, quan tâm đến cái chung nhiều hơn, đến số phận của cộng đồng nhiều hơn.

Theo ông, nguyên nhân dẫn tới tính trung thực ít đi, sự vô cảm nhiều hơn trong giới trẻ bây giờ là gì?

Các nhà văn hóa cho rằng tiến bộ công nghệ càng tăng thì con người càng thu vào cuộc sống cá nhân của mình nhiều hơn, cho nên sự quan tâm đến cái chung bị đứt gãy, và do đó nó tạo nên sự vô cảm. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã có quan điểm: “Kinh tế trí thức” rất hấp dẫn nhưng hàm chứa nguy cơ trí thức và lý thuyết một khi “lộng hành” sẽ gạt phăng các giá trị tinh thần, đạo đức”. Tình nghĩa đang bị xói mòn trong cuộc sống hiện đại. Mà dạy làm người suy cho cũng chính là làm sao sống có tình có nghĩa. Bác Hồ nói một câu rất minh triết : Đọc bao nhiêu Mác - Lê-nin mà sống không có tình nghĩa thì sao gọi là hiểu Mác - Lê Nin. Cái gốc của giáo dục chính là chữ tình đó. Làm sao để học sinh vừa phát triển được trí thức, hòa nhập với thế giới nhưng vẫn giữ được cái gốc.

Chúng ta cần bình tĩnh để có giải pháp. Nhưng giải pháp gì thì cũng phải dựa vào gia đình, nhà trường và xã hội để dạy các em làm người. Trong bối cảnh nhiều gia đình bị cuốn theo nhịp sống công nghiệp, và nhiều giá trị của xã hội đang đứt gãy, đảo lộn thì nhà trường phải xác định rõ trách nhiệm của mình. Có người nói chua chát: Con tôi ở nhà ngoan, ở trường ngoan, nó chỉ hư từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Người ta đang lo lắng cái đoạn “từ nhà đến trường” đấy.

Xin cảm ơn ông!