Khi chất xám ra thị trường

Chỉ khi nào sản phẩm khoa học được đưa ra thị trường, đến với người sử dụng thì lúc đó mới thật sự là “khoa học vị nhân sinh”. Sản phẩm khoa học có ra được thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì nhà khoa học mới có thể sống ổn được với nghề, mới có thêm kinh phí để tiếp tục nghiên cứu.

Sản phẩm khoa học đưa ra được thị trường, đến với người sử dụng thì lúc đó mới thật sự là “khoa học vị nhân sinh”.
Sản phẩm khoa học đưa ra được thị trường, đến với người sử dụng thì lúc đó mới thật sự là “khoa học vị nhân sinh”.

ĐÁNH ĐÚNG NHU CẦU

Ths Bùi Quốc Anh, Phó Trưởng ban Chính sách Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu triển khai, Khu Công nghệ cao (CNC) TP Hồ Chí Minh nằm trong số ít các nhà khoa học hiện đang có sản phẩm đưa được ra thị trường. Hàng loạt các sản phẩm của Ths Bùi Quốc Anh như bộ kit thử nhanh dư lượng hormon tăng trọng Clenbuterol trong thịt lợn và độc tố nấm mốc; bộ kit phát hiện nhanh dư lượng melamine trong các sản phẩm sữa với giá chỉ bằng một phần ba so với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại; bộ kit phát hiện nhanh dư lượng kháng sinh enrofloxacin, một loại kháng sinh nằm trong danh mục cấm nhưng vẫn được sử dụng khá phổ biến trong nuôi trồng thủy sản... đều được nhiều doanh nghiệp chào đón và mong muốn hợp tác, trong số đó nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa.

Hỏi về bí quyết thành công, nhà khoa học trẻ này cho biết sản phẩm của anh được thị trường đón nhận là do những sản phẩm này bắt được đúng nhu cầu của thị trường. Theo Ths Bùi Quốc Anh, trước khi bắt tay nghiên cứu, nhà khoa học đã phải xác định được mình nghiên cứu để làm gì, phục vụ mục đích gì, nghĩa là phải nghĩ đến đầu ra của sản phẩm ngay khi sản phẩm còn trong “trứng nước”, thậm chí có thể làm theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp.

Dự kiến trong tháng 11 này, mô hình tập thể dục kết hợp bảo vệ môi trường hồ với sự tham gia của cộng đồng sẽ được Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội phối hợp UBND, Hội Cựu chiến binh các phường: Ngọc Khánh và Thanh Nhàn chính thức triển khai thí điểm tại hồ Ngọc Khánh và Thanh Nhàn. Đây là sản phẩm của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh, Viện Nước tưới tiêu và môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Mô hình gồm máy tập thể dục (bao gồm các dụng cụ tập động tác bằng tay và chân với các chuyển động tròn - đạp xe, chuyển động lên xuống - kéo, đẩy) và bể lọc (bao gồm các cấp lọc thô thông thường, đặc biệt có sử dụng các loại cây có khả năng hấp thu chất ô nhiễm trong nước). Các máy tập này được tích hợp với bơm cơ học giúp bơm nước hồ vào bể lọc. Vào năm 2011, sản phẩm này đã đoạt giải tại cuộc thi ý tưởng do Hội đồng Anh tổ chức. Thời điểm đó, sản phẩm mới dừng lại ở dạng ý tưởng và sau hai năm sản phẩm được đưa vào ứng dụng. Hỏi về bí quyết thành công, nhà khoa học nữ này chỉ cười. Chị cho biết, phần thưởng của Hội đồng Anh trao tặng là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền đó chỉ đủ hoàn thiện thiết bị. Để đưa sản phẩm vào ứng dụng trong cuộc sống, một phần là do sự kiên trì, bền bỉ, phần khác là do sản phẩm phù hợp với nhu cầu của xã hội, phù hợp với những việc mà các cơ quan quản lý đang muốn triển khai.

PHẢI KHÁC BIỆT

Là cha đẻ của một loạt sản phẩm như vườn treo - bộ dụng cụ trồng rau sạch tại nhà, tranh cây sinh thái, bình hoa sinh thái, lẵng hoa sinh thái..., Ths Nguyễn Văn Quy, Khoa Nông học, Đại học Nông lâm Huế cho biết, khi bắt đầu nghiên cứu không nhiều người tin rằng anh sẽ thành công bởi công nghệ thủy canh khá phát triển và người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được các sản phẩm này. Vậy nhưng khi cạnh tranh với thị trường, anh vẫn thành công. Theo Ths Quy, đấy là do sản phẩm của mình có sự khác biệt. Là công nghệ thủy canh nhưng thủy canh phổ biến ở nước ta hiện nay có nhược điểm là nằm theo chiều ngang gây tốn diện tích, dùng vật liệu nhựa và khuôn làm cho giá thành cao, máy bơm chạy cả ngày gây tốn điện đấy là chưa kể trong trường hợp mất điện, máy bơm không hoạt động, nước không đủ cấp cho cây, cây sẽ chết, trong khi đó, sản phẩm của anh không tốn diện tích do nằm theo chiều thẳng đứng, sử dụng chất liệu là vải bạt giúp giảm giá thành, máy bơm nhỏ cấp nước tự động. Nhìn chung các sản phẩm này đã đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng như tính tiện lợi, giá thành rẻ, sản phẩm đa dạng...

“Tiêu chí của tôi là phải là sự khác biệt”, Ths Nguyễn Văn Quy cho biết. Ngoài ra sản phẩm phải đa dạng để phù hợp với mọi nhu cầu của người sử dụng.

Nhờ sự khác biệt này mà sản phẩm của Ths Quy được nhiều người ưa chuộng. Đã có nhiều email, điện thoại đề nghị hợp tác để đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. Nhờ thành công này, Ths Quy đã phát triển thêm nhiều sản phẩm khác, thí dụ như bình cây sinh thái, lẵng hoa sinh thái... Điểm độc đáo của các sản phẩm này là ứng dụng kỹ thuật thủy canh dạng bấc đèn, dung dịch dinh dưỡng được hút lên thông qua một sợi bấc sau đó được đưa lên cung cấp cho cây trồng.

Ths Quy hồ hởi cho biết, từ đầu tháng 11, anh đã xây dựng xong nhà xưởng rộng 3. 500m2 để đưa các sản phẩm vào sản xuất hàng loạt ở quy mô lớn với nhiều mẫu mã, sản phẩm.

CHẤP NHẬN THỬ THÁCH

Vẫn câu hỏi về bí quyết thành công, cha đẻ của máy dạy tiếng Anh - Robot teacher, TS Doãn Hà Thắng, Giám đốc TT Hợp tác & Chuyển giao Công nghệ, Viện Vật lý cho biết: “Không có bí quyết gì cả, chỉ có điều chúng tôi phải lăn vào công việc theo đúng quy trình R&D, quy trình nghiên cứu và phát triển”.

TS Thắng cho biết, để sản phẩm đưa được vào thị trường, anh và các cộng sự luôn xác định chấp nhận thử thách, chấp nhận sự va đập của thị trường. “Chúng tôi phải thu được ý kiến đóng góp và nhận xét kể cả gay gắt của các nhà quản lý nhiều cấp, đặc biệt là ý kiến từ giáo viên và học sinh.

Hiện, “Robot teacher” là sản phẩm được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép giới thiệu về các tỉnh và vào trường học. TS Doãn Hà Thắng cho biết: “Vừa qua, xuống thăm một trường tiểu học tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, một nơi không giàu có gì của Việt Nam. Ở đó, bên cạnh các hoạt động thể chất và học tập của học sinh, bạn sẽ thấy hầu hết học sinh của trường phát âm và nói tiếng Anh khá chuẩn, như một trường chuyên ngữ vậy. Các thầy, cô giáo nói rằng: Chúng tôi đã góp được một phần quan trọng vào thành quả đó. Một kết quả cao, đồng đều về chất lượng dạy và học ngoại ngữ như vậy chính là phần thưởng to lớn nhất cho tôi và đồng nghiệp, những người nghiên cứu, sản xuất và triển khai trực tiếp”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành công bước đầu, con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai.

SỐNG ỔN

Khi chất xám ra thị trường ảnh 1

Ảnh: TRẦN HẢI

“Tiêu chí của tôi là phải là sự khác biệt”, Ths Nguyễn Văn Quy cho biết “Ngoài ra sản phẩm phải đa dạng để phù hợp với mọi nhu cầu của người sử dụng.

Hỏi về cuộc sống của người làm khoa học, Ths Bùi Quốc Anh cho biết, anh đang sống rất ổn. Anh kể sau khi kết thúc chương trình du học thạc sĩ tại Ô-xtrây-li-a, anh quyết định quay về trong sự tiếc nuối của nhiều người. Nhưng, với những gì đang làm được anh đã chứng minh con đường mình đang đi là đúng. Anh cho biết, đúng là hiện thu nhập cho những người làm nghiên cứu còn thấp, tuy nhiên, nếu tận dụng được tốt các máy móc thiết bị và cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư, các nhà khoa học hoàn toàn có thể làm chủ thu nhập của mình.

“Từ khi về nước, tôi làm chủ nhiệm một số đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho khoảng ba công ty rồi còn làm cố vấn khoa học cho doanh nghiệp. Vì vậy có thể nói, sống ổn được với chính chất xám của mình. Những nghiên cứu khi ra được thị trường, một phần giúp cho chính cuộc sống của mình, một phần sẽ giúp cho mình có tài chính, động lực để tiếp tục các nghiên cứu khác”.

Ths Bùi Quốc Anh cho biết, hiện không ít người cho rằng, nhiệm vụ của nhà khoa học là nghiên cứu và họ chỉ chăm chăm vào việc nghiên cứu trong khi lại bỏ lửng khâu hợp tác với doanh nghiệp. Nếu chỉ “đi một mình”, nhà khoa học sẽ gặp nhiều khó khăn trong một số khâu như đăng ký bản quyền, các thủ tục lưu hành sản phẩm, phương thức phân phối sản phẩm... Có rất nhiều cách thức để nhà khoa học “làm việc” được với doanh nghiệp, thí dụ có thể bán đứt cả công nghệ hoặc có thể hợp tác cùng sản xuất... Thí dụ, đối với cá nhân mình, Ths Bùi Quốc Anh thường làm theo hình thức: sản phẩm nhỏ bán thẳng cho doanh nghiệp, sản phẩm có hàm lượng khoa học cao thì thực hiện theo hình thức kết hợp cùng sản xuất.