Khát vọng gom năng lượng mặt trời

Trở lại Singapore sau chuyến về Việt Nam tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019, dù công việc bề bộn, nhưng TS Nguyễn Duy Tâm chưa dứt dòng cảm hứng từ những cuộc gặp gỡ, trao đổi trong mấy ngày qua. Lần thứ hai tham gia sự kiện này, anh mong muốn chia sẻ hành trình theo đuổi năng lượng tái tạo và làm thế nào để quản lý và sử dụng nguồn bức xạ mặt trời hiệu quả nhất...

TS Nguyễn Duy Tâm (giữa) báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng khoa học Quỹ nghiên cứu Quốc gia Singapore. Ảnh: NVCC
TS Nguyễn Duy Tâm (giữa) báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng khoa học Quỹ nghiên cứu Quốc gia Singapore. Ảnh: NVCC

Thành công từ sự nỗ lực

Trong hành trang đến Singapore du học, Nguyễn Duy Tâm luôn tự nhắc mình rằng phải giữ thái độ nghiêm túc và nỗ lực với công việc. Với tâm thế đó, những ngày đầu đến đất nước xa lạ với muôn vàn khó khăn, đến nay anh đã đạt được những thành tựu khoa học được giới chuyên môn đánh giá cao.

Tốt nghiệp Trường đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) chuyên ngành Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano, duyên nợ thế nào, khi làm nghiên cứu sinh, anh lại dính vào ngành hóa- phải đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu đưa ra đề xuất tổ hợp vật liệu mới giúp cải thiện hiệu suất của pin vanadium. “Đó là thời kỳ khó khăn mà tôi nghĩ phải huy động nỗ lực lên đến 200%”, anh nhớ lại buổi đầu đặt chân đến Singapore năm 2013. Lời căn dặn của thầy giáo, vừa là đồng hương của anh, TS Nguyễn Hữu Đức (Phó Giám đốc Trường ĐHQG Hà Nội) về tính kỷ luật và kiên trì bền bỉ, không nản chí là vốn liếng quý báu mỗi khi anh đối diện với khó khăn thách thức.

Quê ở Quảng Bình, rẻo đất miền trung vốn hào phóng nắng gió, lại học ngành vật lý nano, TS Nguyễn Duy Tâm luôn đau đáu suy nghĩ, làm thế nào để tái tạo được nguồn năng lượng từ mặt trời một cách hiệu quả, giảm được những tác động tiêu cực. Điều này càng quan trọng đối với điều kiện quê hương đang trên đà phát triển, nhu cầu bổ sung các nguồn năng lượng mới đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hơn hai năm đầu TS Nguyễn Duy Tâm làm theo kế hoạch định sẵn, thử nghiệm nhiều hợp chất được đánh giá có tiềm năng, song vẫn không thu được bất kỳ kết quả nào. Các hướng nghiên cứu của anh cảm giác có vẻ bế tắc. Áp lực càng đè nặng khi thời hạn học bổng bốn năm ở Nanyang sắp hết. Mày mò tìm kiếm trong đề tài khoa học trước kia của mình, Tâm bất giác nghĩ đến một loại hợp chất anh từng đề cập có thể phù hợp. Luận án Tiến sĩ của anh đã hoàn thành và được đánh giá cao bên cạnh sự nỗ lực quyết tâm, còn đôi chút ngẫu nhiên đầy bất ngờ như thế.

Giải pháp thiết thực cho quê hương

Vốn sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo khó, rồi qua nhiều vùng quê khiến Tâm hiểu được nỗi khổ của người nông dân. Một điểm chung được anh rút ra là người nông dân Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi các biến động về thị trường, thiên tai, dịch bệnh... Tuy nhiên, họ luôn mạnh dạn, và cầu thị trong việc tiếp nhận, đưa công nghệ mới vào trong sản xuất. Hiện nay, nhu cầu sử dụng năng lượng điện trong các hoạt động canh tác, thu hoạch, chế biến, xử lý và đóng gói các sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng gia tăng. Chẳng hạn việc canh tác cây thanh long của bà con các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận... Hiện Nhà nước đã và đang hỗ trợ trong việc cấp điện phục vụ bà con canh tác và sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện thì đây được xem là một gánh nặng và rủi ro đối với người dân. Nghịch lý ở chỗ, đây là những địa phương có lợi thế lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời.

Dự án mà TS Tâm đang hỗ trợ, kết nối là dự án lớn mà Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM triển khai nhằm tạo ra nguồn năng lượng giá rẻ, ổn định và không gây ô nhiễm phục vụ cho bà con trồng thanh long. Ngoài ra, hệ thống cũng cho phép bà con bán lại lượng điện năng dư thừa cho EVN vào các thời điểm cho phép. Đặc biệt, hệ thống giàn đỡ pin mặt trời được thiết kế để tạo thành hệ thống nhà kín (greenhouse), giúp bà con tận dụng các diện tích đất bên dưới để canh tác thêm các loại rau củ khác; đồng thời cũng được kết nối với các hệ thống lưu giữ nước mưa để phục vụ tưới tiêu. Nhu cầu sử dụng năng lượng gắn với bảo vệ môi trường cũng là một động lực thúc đẩy việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Muốn phát triển bền vững cần phải có khả năng làm chủ các công nghệ, chủ động xử lý được các biến cố phát sinh, đồng thời cũng giúp bà con có nơi để phản ánh các vấn đề gặp phải trong quá trình sử dụng. Hiện nay, tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn; chúng ta sở hữu hầu hết các nguồn năng lượng tái tạo được biết đến trên thế giới, gồm thủy điện, mặt trời, gió, thủy triều, sóng, địa nhiệt, sinh khối... trong đó các nguồn năng lượng như gió, mặt trời, thủy điện hay sinh khối có trữ lượng rất lớn. Đây là điều kiện tiên quyết cũng là lợi thế lớn để khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, năng lực của Việt Nam còn rất yếu để có thể khai thác hiệu quả nguồn năng lượng đó. Điều đó cũng chính là động lực thúc đẩy mong muốn chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu trong các dự án mà TS Tâm và các cộng sự ở Việt Nam đang thực hiện.

Câu chuyện ngoài hành lang ở Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu thường đề cập là quyết định ở lại hay về nước làm việc. TS Tâm cho rằng, điều này không còn nhiều ý nghĩa trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Bản thân anh và nhiều nhà nghiên cứu khác đã và đang thực hiện các dự án nhằm giải quyết các bài toán mang tính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện liên lạc đang ngày càng thuận tiện để kết nối mọi người. Do đó, những người trẻ làm việc ở nước ngoài vẫn có thể đóng góp cho quê hương bằng cách này hay cách khác, anh Tâm chia sẻ.

Một năm qua, hơn 10 bài báo khoa học của anh được đăng và có hiệu ứng tốt. Tại Hội nghị Quốc tế về Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu diễn ra tại Australia tháng 9 - 2019, anh giành được giải thưởng Bài thuyết trình xuất sắc nhất... Đó là những thành quả ngọt ngào cho sự nỗ lực và lao động nghiêm túc kỷ luật của người trí thức trẻ. Gom góp từng tí một như chim tha rác về làm tổ, những thành quả khoa học của TS Nguyễn Duy Tâm đều hướng về quê hương, những mong một ngày đất nước trở thành quốc gia dồi dào nguồn năng lượng tái sinh...

Khát vọng gom năng lượng mặt trời ảnh 1

Dự án góp phần tạo nguồn năng lượng sạch giá rẻ cho nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: TL