Hình thành văn hóa giao thông từ ghế nhà trường

Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống.

Thường xuyên lồng ghép nội dung về ATGT vào các hoạt động của trường học để hình thành văn hóa giao thông cho học sinh. Ảnh | TL
Thường xuyên lồng ghép nội dung về ATGT vào các hoạt động của trường học để hình thành văn hóa giao thông cho học sinh. Ảnh | TL

Trên đường phố, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh..., rất dễ nhận ra những hành vi thiếu ý thức, kém văn hóa khi tham gia giao thông như: phóng nhanh, vượt ẩu, đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới, không đội mũ bảo hiểm, vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, rú còi inh ỏi, đua xe trái phép... Bên cạnh đó còn có một bộ phận không nhỏ phụ huynh cho con em mình điều khiển xe máy khi không có giấy phép lái xe.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), cứ 100 nghìn trẻ em thì có 20 trẻ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), tỷ lệ cao gần gấp ba lần so với các nước trong khu vực. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, nơi có số vụ và số người tử vong do TNGT cao nhất cả nước, trong khi tổng số vụ, số người chết và bị thương giảm dần thì tình hình TNGT ở trẻ em lại tăng nhanh, nhất là ở nhóm tuổi học sinh THPT. Trong đó, hơn 80% số vụ TNGT xảy ra khi các em đang trực tiếp điều khiển phương tiện, phần lớn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông. Do đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT cho thanh, thiếu niên vô cùng cần thiết, bởi ở lứa tuổi này các em bắt đầu tự lập, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Từ đó giúp các em nâng cao kiến thức về luật giao thông đường bộ, phán đoán và lường trước được tình huống giao thông để từ đó ứng phó, xử lý kịp thời.

Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT cho thanh, thiếu niên vô cùng cần thiết, bởi ở lứa tuổi này các em bắt đầu tự lập, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Những năm vừa qua, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an và Honda Việt Nam phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi, nhiều chương trình giáo dục ATGT trong học đường với nội dung tương đối phù hợp các cấp học, bậc học, trong đó có Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”. Từ năm 2011, chương trình này đã được triển khai thí điểm tại năm tỉnh giảng dạy về ATGT cho các trường THPT với hơn 1.300 học sinh tham gia. Đến năm 2015, chương trình tiếp tục triển khai tại 31 tỉnh, thành phố và luôn nhận được sự đánh giá cao về nội dung đào tạo, tính thực tiễn cũng như hiệu quả giáo dục từ học sinh, phụ huynh, giáo viên, các cơ quan trung ương và địa phương. Vì vậy, trong năm học 2016-2017, Honda Việt Nam đã quyết định nhân rộng chương trình giáo dục này tới 2.800 trường trung học và mong muốn giảng dạy cho 2,4 triệu học sinh cả nước thông qua các tiết học Giáo dục công dân hoặc ngoại khóa. Các thầy, cô giáo sẽ được chia sẻ một cách sinh động về cách thức tổ chức các buổi vui học để từ đó có thể tự tổ chức những tiết học ATGT hấp dẫn và bổ ích cho học sinh. Chia sẻ một số giải pháp giáo dục pháp luật về giao thông cho học sinh THPT, thầy Nguyễn Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: “Giáo dục cho học sinh pháp luật về ATGT nói riêng, luật pháp nói chung luôn là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, để các em hình thành ý thức chấp hành luật pháp cần phải làm thường xuyên, liên tục, lồng ghép nội dung vào các hoạt động của nhà trường, có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhất là vào đầu năm học, các dịp lễ, Tết; đồng thời phải có quy chế đánh giá hạnh kiểm học sinh thì chương trình mới đạt được hiệu quả cao”.

Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, có tri thức... cần có những suy nghĩ và hành động đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần giảm thiểu TNGT. Do đó, chương trình giáo dục này được mở rộng phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành phố với mong muốn đưa nội dung giảng dạy ATGT thành môn chính trong mỗi trường học để các em xây dựng thói quen tham gia giao thông văn minh lịch sự, góp phần tạo dựng một xã hội giao thông an toàn tại Việt Nam.