Đặc sản chình núi Krông Hin

Bổ dưỡng, thơm ngon hàng đầu trong các loại cá nước ngọt, là chình núi. Theo các nhà khoa học thì Bộ Cá chình (Anguilliformes) bao gồm tới 16 họ, 154 chi và hơn 900 loài. Phần lớn các loài cá chình sống ở biển. Riêng mỗi họ Anguillidae là di chuyển vào vùng nước ngọt để sinh sống nhưng vẫn phải trở về biển mới sinh sản được. Đó là lý do tới nay cá chình vẫn cứ đắt, cứ hiếm, vẫn chưa sinh sản nhân tạo được, dù trên cả nước đã có những trại nuôi vỗ cá chình từ cách tạo giống duy nhất là vớt cá con mới nở từ biển khơi.

Đặc sản chình núi Krông Hin

Trước Tết Giáp Ngọ, một con cá chình nặng hơn tám ký từ sông Vàm Nao sa vào lưới ngư dân ở An Giang, được cho là con chình lớn hiếm thấy từ trước tới giờ ở miền tây. Giá bán sang tay ngay sau đó tại chợ Long Xuyên 650.000đ/ ký đủ mang lại cho gia đình ngư dân nghèo này một cái Tết ấm cúng, vui vẻ.

Cũng cùng lúc đó, công nhân một nhà máy thủy điện ở huyện M’Đrắc tỉnh Đác Lắc lại liên tục vớt được dưới kênh dẫn dòng những con chình núi nặng hàng chục ký từ thượng nguồn Krông Hin trôi về mắc vào lưới chắn rác. Đầu nậu từ huyện Sông Hinh lập tức lên mua ngay. Đây là loại đặc sản hiếm quý, khách sang đặt sẵn không cần trả giá. Chình núi sống trong môi trường thiên nhiên trong lành cho nên rất khỏe, thả trong hồ cả chục ngày vẫn quẫy ầm ầm, mà cá tươi sống chế biến ngay tất nhiên ngon hơn hẳn cá để dành trong ngăn đá tủ lạnh.

Thịt cá chình thơm chắc, vị ngọt tự nhiên không hề tanh, da dày với lớp mỡ béo giòn cho nên không cần nhiều gia vị. Dùng tro bếp vuốt sạch lớp nhớt bao quanh thân chình, rửa sạch, cắt khúc rồi thì làm món gì cũng ngon tuyệt. Một con chình dăm bảy ký là đủ biến hóa thành bữa tiệc nhiều món cho hàng chục thực khách, hoặc để dành làm nhiều bữa ăn ngon cho gia đình. Khúc giữa lạng mỏng nướng vàng trên than hồng, quấn rau thơm chuối chát kèm lá chanh non chấm muối ớt hoặc nước mắm gừng tỏi. Đầu và đuôi thả vào nồi lẩu măng chua có vài lát ớt đỏ, chan ăn với bún tới no vẫn còn thèm. Xương hầm riu riu lấy nước ngọt trong, lọc bỏ xác thả vào lon gạo với nắm đậu xanh nấu cháo, cháo nhừ nêm chút mắm muối cho đậm vị, rắc hành tiêu, húp vào tới đâu người khỏe hẳn ra tới đó. Trời lạnh, mà có vài khoanh cá chình ướp hành củ, nước mắm, tiêu cay, bột ngọt rồi kho keo, hay kho với dưa chua, trái vả xắt miếng vuông cho tới khi vị thơm béo đậm đà của cá thấm đều vào dưa, cơm gạo mới thơm dẻo thì chỉ cần mỗi một món đó thôi cũng đủ mải mê ăn cho tới “cạn nồi, trôi rế”.

Nhiều người còn “mê tín” cá chình núi tới mức so sánh độ bổ dưỡng của nó với yến sào, gân hươu, dùng cá chình làm sạch, chặt khúc cỡ hai đốt ngón tay, đem tiềm thuốc bắc với thảo quả, ý dĩ, đại táo, nấm mèo để bồi bổ cho người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược.

Khúc giữa lạng mỏng nướng vàng trên than hồng, quấn rau thơm chuối chát kèm lá chanh non chấm muối ớt hoặc nước mắm gừng tỏi.