Bản phối mì Quảng

NDO - Mì Quảng chính hãng do người Quảng mang vào đất Sài Gòn rất nhiều, đều có cách thức nấu, hương vị như nhau. Nhưng có một người còn trẻ, sinh ra ở đất Long Xuyên, mở hàng mì Quảng giữa Sài Gòn lại cho rằng có thể nấu thành... mười loại.

Nghĩ là làm. Làm tới luôn - ông chủ quán mì Nguyễn Minh Dũng cho biết như vậy. Đó là suy nghĩ của một người còn trẻ nhưng sớm va chạm với khách du lịch. Dũng học ngành du lịch ra mà. Thời sinh viên, hay đưa khách đi Phan Thiết, Nha Trang. Đà Lạt. Qua tìm hiểu về ẩm thực của khách, thấy họ phàn nàn, ăn phở hay hủ tiếu đều có nhiều nước, dễ ăn, dễ chịu. Mì Quảng chỉ có chút nước sốt trộn mì, rất nhiều rau, lại thêm bánh tráng khô, ăn trệu trạo, thứ mềm thứ cứng không hấp dẫn họ bằng tô bún hay bánh canh.

Dũng về năn nỉ ba má cho mượn vốn mở cửa hàng mì Quảng. Ba má trố mắt. Bộ có bị điên không mà mở mì Quảng khi mình không phải người Quảng! Thuyết phục được ba má, cùng số tiền tiết kiệm, rủ thêm người bạn có cùng chí hướng kinh doanh hàng ăn. Dũng tìm địa điểm khu phố Đinh Tiên Hoàng, số nhà Dũng thuê 120F nằm đối diện với bánh cuốn Tây Hồ. Đây không phải chỗ đắc địa để mở hàng ăn nhưng bánh cuốn Tây Hồ bán được thì tại sao mì Quảng lại không bán được nhỉ. Nghĩ là làm, Dũng tự tay thiết kế không gian đèn lồng Hội An, bàn ghế gỗ cao với mầu sơn đen thêm phần cổ kính. Bát mì của Dũng vẫn sử dụng chất liệu mì Quảng nhưng nguyên liệu thì mua từ Phan Thiết về. Thay nước sốt bằng nước lèo chan lút mì cho khách dễ ăn. Bát mì cũng “chuyển động” theo tần số của nguyên liệu. Mì chay bán vào ngày rằm, mồng một âm lịch. Mì tôm, mì vịt, mì thịt, mì sườn... mỗi thứ riêng rẽ. Tiếp tục “bản phối” mới, tôm với thịt, vịt với sườn, tôm vịt sườn... Khách đến tha hồ lựa chọn, quán mì bỗng dưng thành quán “độc” với món mì Quảng cách điệu. Nếu gặp khách hàng người Quảng chắc họ chửi “cha” cái thằng mì Quảng dởm ăn hổng cay như mì quơ (quê) mình. Thế nhưng khách Hà Nội, khách Sài Gòn ăn tới số luôn.

Quán đông nhất vào buổi trưa, khách ăn là dân văn phòng, chiều tối có gia đình con cái đưa nhau tới, những ngày cuối tuần thì không có buổi nào vắng khách. Tuy vậy, ông chủ Việt, nói tiếng Tây, hiểu Tây nhưng nhận xét khách Tây “căn cơ” hơn khách Việt. Họ mua bát mì hỏi tới hỏi lui giá cả, khi bưng tô mì ra, họ ngắm ngó, thấy vậy tưởng mình sơ suất. Nay thì quen rồi, mình nghĩ vậy nhưng họ không phải vậy. Mì Quảng là món lạ nên họ chiêm ngưỡng trước khi ăn. Có người còn chụp hình lưu niệm để khi ra miền trung mà so sánh. Theo Dũng món ăn hay đồ uống do người mình nghĩ ra, tính chất cố định đã có rồi nhưng tại sao mình không sáng tạo thêm cho nó. Nghĩ vậy rồi chế biến món mì ăn thử, mời bạn bè đến ăn, góp ý. Ngoài mì Quảng còn có các món vặt, đồ uống rất riêng. Theo Dũng, khách chỉ cần nhớ một món tủ của mình cũng thắng rồi...

Vì cửa hàng quá chật nên Dũng mở thêm online, ai gọi thì đưa. Mở được ba năm, khách đã quen với “bản phối” mì Quảng. Dũng đang tìm chỗ bán rộng hơn để nhân thêm cái thương hiệu mì Quảng của mình.