Yêu thương của mùa

- Còn một tháng nữa mà, mẹ đừng lo! À, bó rau đấy là năm nghìn đồng chị ạ - Ngân vừa nói chuyện điện thoại với mẹ, vừa thoăn thoắt lấy rau từ tay người mua cho vào túi nylon, vừa rà tiền trong cái sắc đeo ngang bụng đưa trả - Con đặt vé xe rồi, mẹ yên tâm đi, giờ con bán hàng đã.

Minh họa: Đặng Tiến
Minh họa: Đặng Tiến

Vừa ngắt điện thoại, Ngân lại tiếp tục nhặt rau, ngó đồng hồ mới có 10 giờ 20 phút, chưa vội. Bán thêm tí đã, cơm cắm rồi, đồ ăn ướp sẵn, rau cũng nhặt xong rồi, đến 11 giờ ù vào nấu là chị chủ nhà về ăn cho nóng sốt.

Ngân lên thành phố làm giúp việc cũng đã được hơn ba năm, từ năm mười bảy tuổi. Được cái nết ngoan hiền, siêng năng, không tắt mắt, nên được chủ nhà thương quý. Lương cứng là bốn triệu rưỡi một tháng. Đến Tết về, chị chủ cũng có thưởng như các đứa bạn cùng lứa đi công nhân, nên cũng đỡ tủi thân. Phải cái đi làm giúp việc thì không có thời gian để hẹn hò như chúng bạn. Nhưng mà Ngân cũng chưa tính đến việc đó. Ngân chỉ muốn làm thêm hai năm nữa được chút vốn con con về quê mở một cái tiệm tạp hóa hay là bán nước giải khát cho gần mẹ. Chứ nhà có ba anh em, cả ba cùng đi làm xa, chả có ai ở nhà để đỡ đần cho mẹ lúc trái gió trở trời. Ở quê, giờ chỉ có mẹ ra vào thui thủi một mình, thấy mà thương.

Cả năm đi làm biền biệt rồi, được mấy ngày Tết để gần con cái nên mẹ vui lắm, cứ gọi điện hỏi thăm rồi giục giã suốt. Như mọi khi thì Ngân cũng đã nhờ chị chủ mua vé xe cho vì chị đi làm tiện đường. Nhưng năm nay Ngân muốn kiếm thêm tí chút để về Tết cho rủng rỉnh. Với lại cũng tập buôn bán dần cho quen đi, khi về nhà buôn bán nó khỏi bỡ ngỡ. Gần Tết mặt hàng nào cũng tăng giá, Ngân xin phép chị chủ nhà cố gắng dậy sớm đi chợ đầu mối, lấy thêm ít rau củ về bán, vừa mua đồ ăn rẻ hơn, lại tranh thủ làm việc nhà lúc sớm để đi bán. Ấy là do nhà chị chủ ngay cạnh chợ, kéo cửa ra là đặt mẹt hàng bán gì cũng được, chả phải lo ai nói gì. Đám buôn thúng bán bưng tranh nhau chút vỉa hè của các nhà lân cận, vì tiện cho người mua, chứ gần Tết chen chân vào chợ người ta lười. Ngân chỉ cần chịu khó dọn nhà vào lúc giữa trưa, còn nấu nướng thì đơn giản, chỉ cần chạy ù vào trong bắc bếp nhoắng tí là xong.


Chợ gần Tết tấp nập, Ngân khéo tay muối hũ dưa món, dưa cải chua cho chị chủ nhà, nhân tiện làm hàng đem bán. Chị chủ nhà tốt tính, lại còn đem lên công ty giới thiệu, biết bao nhiêu lời khen và đặt hàng khiến tối đến Ngân càng phải cố gắng thức khuya làm thêm mà đôi lúc không kịp hàng để bán. Chị chủ cười trêu, có khi năm nay Ngân làm thử mà còn nhiều tiền hơn cả tiền thưởng Tết của chị ấy chứ. Ngân chỉ cười trừ, nhẩm thấy bán buôn mới hơn tháng mà lời đã gần bằng tháng lương, thầm trách mình ngốc, bao nhiêu năm không chịu làm, chỉ thấy gần Tết là nhăm nhăm về quê. Biết chịu khó kết hợp một tí thế này có khi giàu to rồi!

Đúng là tháng Tết, làm chơi ăn thật! Hăm tư Tết, anh chị chủ nhà vừa phát lệnh cho nghỉ Tết xong là Ngân chăm chăm ngay vào buôn bán, điện thoại cứ quẳng sang một bên, rau ăn lên giá, Ngân chỉ để lại cho anh chị chủ hai luống ăn Tết, còn lại đem bán, vậy mà cũng chỉ được hai hôm là hết nhẵn đám rau. Lại phải lọ mọ đi mua chợ đêm, từ sáng sớm đến tối mịt chỉ lo bó rau, nhặt rau, làm dưa. Tối đến lo làm giò thủ, tranh thủ đảo thêm ít mứt Tết. Anh chị chủ lại còn xắn tay phụ thêm Ngân nên không khí rôm rả, làm Ngân quên bẵng đi việc cần đặt vé Tết. Mà cũng chẳng sao! Ngân tặc lưỡi, vé Tết cùng lắm đắt lên gấp ba là cùng, trong khi đó ở lại thêm một ngày là thấy chạy chợ được lãi cả triệu bạc. Ngân khấp khởi trong lòng, số tiền dành dụm được không kịp đếm, cứ dồn lại dần dần.

Đêm đặt lưng xuống là ngủ, ngày thì tất bật đến khuya, quay qua quay lại đã hăm bảy Tết. Lá dong, lá chuối, lạt tre bày bán đầy cả ra, vài gốc mai rừng cũng lác đác lọt vào chợ. Ngân ngẩn người ra, sờ điện thoại, định gọi về nhà cho mẹ, bần thần không biết thằng Hiếu có kịp về nhặt lá mai cho mẹ chưa? Cây mai của nhà già và to quá, phải nhặt lâu lắm. Mọi khi ba chị em cứ dung dăng cả một ngày không xong, phải nhờ thêm mấy đứa nhóc hàng xóm sang nhặt giúp.

Năm nay, mấy chị em tính quét vôi lại nhà nữa, thống nhất chọn mầu xanh trời nhạt cho sáng sủa, tươi tắn và cũng mát mẻ nữa. Hẹn nhau là hăm bảy âm, mấy chị em cùng về cho mẹ bất ngờ. Vậy mà quay qua quay lại nay đã tới ngày, Ngân băn khoăn một chút, sao không thấy ai điện. Rồi lại chắc mẩm không gọi điện là không sao vì mấy hôm trước mẹ lại điện nhắc, Ngân đang lúc mồm năm miệng bảy trả lời khách, nên có gắt gỏng mẹ vài tiếng, hay mẹ giận nhỉ? Thôi, để tí rỗi rồi gọi cho mẹ.


- Này, Ngân! Tết này em ở lại trông nhà cho bác Nhâm nhá. Nhà bác ấy đi du lịch - chị Hiền chủ nhà nói trong lúc Ngân đang loay hoay gói cái giò thủ. Món này Ngân được chồng chị Hiền khen, bảo làm thêm cho anh đem giới thiệu cho người quen mua hộ. Gần Tết, người người chuộng hàng sạch, tự tay làm cho bảo đảm, nên món gì Ngân làm ra cũng cháy hàng. Ngân đang tủm tỉm vì món giò thủ này lời hơn hẳn rau dưa muối, mua thịt thủ ở chợ đêm có bốn mươi nghìn đồng một cân, làm thành giò thủ thì chín mươi nghìn đồng một cân. Lời gấp đôi, ấy vậy mà anh chị còn nói Ngân, gần Tết bán lên hẳn một trăm, hay trăm hai cũng chả sao.

- Ơ, không được đâu chị. Tết em phải về quê, cả năm có được dịp này cả nhà sum vầy mà chị...

- Chị biết, nhưng năm nay cả anh, chị của em cũng về mà. Em sang trông nhà cho bác ba ngày thôi, bác ấy trả thoáng lắm, mỗi ngày một triệu cơ.

- Nhưng...

- Nhưng nhị gì, mẹ em đang còn trẻ, em làm sấp mặt cả ngày liệu có được một triệu không? Đằng này em chỉ trông giúp bác ba ngày Tết, đến mồng 3 thì xe cộ ra vào cũng nhiều rồi. Bác ấy là thủ trưởng của anh, nên chị cũng chả dám chối. Với lại giờ chả dám nhờ người lạ, chỉ tin mỗi em thôi, em thật thà lại cẩn thận mà! Chịu khó giúp bác ấy lấy một lần coi như là giúp anh, giúp chị đi em, tối mồng 3 là em lên xe về quê rồi. Mồng 4 có mặt vẫn đang còn Tết mà.

- Để em gọi về nhà báo cho mẹ em một tiếng đã chị - Ngân ngần ngừ một thoáng, nhưng nhanh chóng gạt đi, chị Liên với thằng Hiếu nói năm nay ở chơi nhà đến mồng 7, vậy mình về vẫn kịp chơi với chị và em. Mẹ có hai chị em chắc cũng đỡ tủi, Ngân biết cái cảm giác tủi thân khi nhà thiếu người, vì từ khi ba chị em Ngân đi làm xa, năm nào cũng chỉ có Ngân về ăn Tết là chắc chắn nhất, còn lại năm thì chị Liên, năm thì thằng Hiếu thay phiên nhau về. Năm nay thì thiếu Ngân một chút nhưng chắc cũng chả sao, coi như luân phiên nhau, mỗi năm hai đứa về với mẹ là được rồi. Ngân tự an ủi mình khi nghe giọng mẹ lặng bên kia điện thoại, Ngân cay mắt gắt lên, mẹ có chị với em rồi mà. Mẹ để con ráng thêm ba hôm, mỗi hôm được một triệu luôn đấy, chả phải làm gì, chỉ phải trông nhà cho bác ấy thôi mà!

Mẹ gượng vui, ừ lên một tiếng, giọng ngậm ngùi nhắc Ngân đừng tham công tiếc việc quá mà ốm. Rồi chừng như sợ Ngân buồn, mẹ bảo, có chị Liên với thằng Hiếu là được rồi, mẹ cho chúng nó ăn hết phần bánh của mày là được chứ gì, rồi lẳng lặng cúp máy khi nghe tiếng khách giục Ngân tính tiền.

Cái điện thoại vứt qua một bên, Ngân quay cuồng buôn bán, không ngó ngàng được giờ giấc hay xem ai gọi nữa, thời gian là xa xỉ trong mấy ngày cận Tết mà. Đến khi sờ lại điện thoại đã trưa hăm chín Tết rồi, Ngân nhìn thấy gần hai chục cuộc gọi nhỡ của chị Liên và Hiếu. Mở tin nhắn ra thấy chị Liên nhắn: Mày thu xếp rồi về nhá, năm nay chị theo anh Tính về ra mắt bên đó, đến mồng 3 mới về được. Thằng Hiếu cũng nhắn: Em bận tăng ca, lương gấp ba bình thường, hai chị chịu khó thu xếp về với mẹ, qua Tết em nghỉ bù nha…

Ngân bần thần, gánh hàng cô bán đã xong, đang chuẩn bị mua thêm hàng về làm dưa, làm giò tiếp. Những dòng tin nhắn cứ nảy lên trong đầu, Ngân giật mình, vậy mà chả có một cuộc gọi nào của mẹ. Chắc mẹ biết chị em Ngân không đứa nào chịu về Tết.

Nước mắt rân rấn, Ngân chạy vội, chuyến xe tăng cường cuối cùng của ngày cuối năm vậy mà cũng đông chật, toàn người lao động và sinh viên, chiếc áo đi làm vẫn còn khoác trên người. Nhưng mắt ai cũng đong đầy niềm vui, cùng tiếng thở phào nhẹ nhõm, Ngân đưa mắt nhìn ra ngoài, anh chủ nhà đưa tay lên vẫy vẫy rồi quay xe. Bến xe ngày cuối năm cũng vắng ngắt khi vét đợt khách cuối cùng của ngày, dường như ai cũng chỉ muốn nhanh chóng về nhà. Ngân nhắm mắt, mường tượng thấy mẹ đang lúi húi đóng cổng một mình, căn nhà sạch sẽ nhưng vắng tanh tiếng cười, mùi trầm thoảng qua từ ban thờ. Mẹ chắc sẽ nói chuyện với bố về mấy chị em Ngân để thông báo cho bố biết, năm nào mẹ cũng khóc. Nhưng có mấy chị em ở nhà, mẹ sẽ chỉ khóc chút thôi, rồi lại te tái chạy đi giục mấy chị em Ngân lo làm đồ cúng Giao thừa.

Ngân nhắm mắt nhớ lại, may mà con bác Nhâm về, bác ấy hủy cả chuyến du lịch gần bảy chục triệu bạc mà chả tiếc tí ti gì. Nhìn cảnh bác Nhâm cuống quýt ôm anh con trai mà vừa khóc, vừa cười, vừa mắng yêu loạn cả lên vì ba năm rồi anh ở nước ngoài không chịu về, Ngân lặng người. Bác Nhâm nhớ con, định âm thầm đi du lịch rồi ghé thăm con, không ngờ năm nay con bác đổi ý mà về nhà ăn Tết. Và Ngân cũng chỉ chờ có thế, cô vội quay lên gác cầm ngay cái túi xách nhờ anh chủ nhà chở ra bến xe để về với mẹ. Tết mà, Ngân sẽ không bao giờ đổi lại việc sum họp bằng những ngày mải mốt kiếm tiền nữa. Nghĩ đến dáng mẹ một mình bên bàn thờ suốt ba ngày Tết, Ngân tự nhủ: chắc mình sẽ về nhà với mẹ luôn thôi...