Vụn vàng gom thành câu hát

Chuyện kể lại nghe như giấc mơ. Như tiểu thuyết vậy. Mà nên lắm, mai kia người ta có thể dựng phim từ cuộc hồi sinh Ca trù Đông Môn. Ngẫm ra, mỗi cuộc hồi sinh ca trù đều phải trải qua những trắc trở nhưng kỳ diệu.

Cô giáo Hoài Nam dạy hát cho các cháu Trường tiểu học Hòa Bình.
Cô giáo Hoài Nam dạy hát cho các cháu Trường tiểu học Hòa Bình.

1. Duyên nghệ thuật đã giao trọng trách khởi xướng việc phục hồi ca trù quê hương thôn Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho ông Trần Bá Sự, nguyên trợ lý tham mưu Sư đoàn 363.

Vốn không phải ở đất này, ca trù bén rễ trăm năm nơi đây nhờ công cụ Tô Tiến, kép đàn Kinh Môn (Hải Dương) thuộc giáo phường Bắc Thành về an cư từ thế kỷ 18. Cụ truyền cho những người tài hoa miền Đông Môn làm kế sinh nhai. Gặp đất tốt, ca trù tỏa lan ba phủ, tám huyện, sum suê cành nhánh. Người Đông Môn được phép xây đền thờ nhị vị thánh sư tương truyền là tổ nghề ca trù.

Thời gian trôi đi, Ca trù Đông Môn rơi vào tình trạng mai một, “đào, kép vắng dần, phủ từ không còn ai chăm nom, phơi sương, phơi nắng, tình hình tưởng không còn gì hy vọng”, ông Sự nay tuổi đã 80 hồi tưởng.

Cho đến tận năm 1993, ông Sự sau khi rời quân ngũ từ năm 1975, “bỗng” được ban quản lý di tích mời vào ban khánh tiết. Ông đề xuất: Đông Môn có nghệ thuật ca trù. Nên phục dựng để địa phương có tiết mục văn nghệ khi mở hội làng. Cho các con, các cháu được hát thờ thánh, ghi công đức tiền nhân…

2. Thật sự khi ấy, gần như chẳng ai còn thấy gì là Ca trù Đông Môn nữa cả, ngoài ông Sự với đề đạt bất ngờ, nghe đã thấy... không tưởng! Bố mẹ ông là các cụ Trần Văn Cước và Lại Thị Nhị, xưa ngoài việc đi cày, chạy chợ, đã từng học đàn hát và có đi mưu sinh bằng ca trù. Nhưng ông Sự thì không theo. Ông chỉ nhớ được là bà nội ông từng dạy hát cho một số bà khác. Chút hiểu biết nghe được và ký ức ấy trở thành vốn liếng mỏng manh cho cuộc gom nhặt “vụn vàng”. Nhiều người băn khoăn, đào đâu, kép đâu, rồi đàn, phách, trống, ai nhớ, ai làm được bây giờ…

Thế mà mọi thứ cứ như… mọc lại, từ tiếng tơ còn nhưng nhức trong lòng người tâm huyết. Trống chầu hồi đầu làm gì đã có, phải dùng tạm cái… trống bỏi. Ông Sự kể, bà con cũng nhờ thợ làm cho, nhưng chưa biết cách nên cái trống cứ… tròn ung ủng. Phách, thì nhờ được mấy ông thợ mộc làm cho vài cỗ. Năm 1994, có cụ Nguyễn Văn Hãn là rể Đông Môn biết thiếu đàn, cụ bảo, tôi có một cây, phím rời, dây không, lá không, chỉ có thùng và thiềng đàn, tôi để lại cho mà sửa chữa. Ông Sự đi xin, ông Tô Văn Ngôn cho 200 nghìn đồng, các cụ trong ban khánh tiết góp được 100, đủ gửi cụ Hãn, rồi lấy đàn giao cho một người biết nghề là ông Nghị sửa. Ông Nghị cũng phải nghiên cứu lại kỹ lắm. Mọi người đặt một bộ dây tơ ở bên làng Thường Sơn, xã Thủy Đường là nơi có nghề làm tơ truyền thống, nấu cháo gạo nếp xe tơ thật kỹ, rồi phơi mấy lượt, phết nhựa cây cậy cho dây tơ để tạo độ kết dính và bền, rồi lắp lên đàn.

Có “nhạc cụ” rồi, nhưng người ở đâu? Các bà trong đoàn tế nữ được vận động ra học hát. Các ông bên tế nam học đàn, trống. Thế ai sẽ dạy các học trò cao tuổi ấy? Ông Sự nhớ có cụ Tô Nghị từng là kép, mấy ngón đàn còn được ít nhiều. Vài cụ bà khác từng là đào nhưng hoặc yếu, hoặc quên, không mời được. May có cụ Tô Thị Chè là cháu nội cụ Tô Tiến năm xưa, ông Sự với cụ Đệ trong ban khánh tiết đến năn nỉ mãi cụ mới nhất trí ra dạy. Cụ Chè dạy thì ba người hát được. Trong đó, bà Tô Thị Ninh có ông chồng là Bí thư Chi bộ thôn, mọi người “giao hẹn” luôn, tập luyện ở nhà ông, tiền điện ông chịu đấy!

Rồi ông Sự còn đi tìm, mời được một số bà người Đông Môn, năm xưa từng hát nhưng đã đi lấy chồng ở bên Hải Phòng như bà Tô Thị Thoa, Tô Thị Xuyến, Phan Thị Lừng… về để tham khảo ý kiến, bổ trợ cho việc học hát. Công việc làm liền trong vài năm, CLB Ca trù Đông Môn quy tụ được hơn 20 người, dần tham gia liên hoan ca múa nhạc dân tộc xã, huyện, thành phố, tham gia hát ở các đình làng, rồi dự liên hoan ca trù Hà Nội mở rộng vào năm 2000, liên hoan ca trù ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh)... Những bước đi lần lượt ấy giúp cho CLB được giao lưu mà học hỏi thêm. Nhất là khi tiếp nối các ông bà trung tuổi là lớp học trò, thanh niên ở địa phương, trong đó có những người nay đã thành trụ cột như đào nương Phạm Thị Liên, Đặng Thị Mai, Trịnh Thị Ngát, kép đàn Tô Văn Tuyên, Tô Văn Long…

3. Chả là hồi ấy, “ông trùm Sự” đã nghĩ đến việc phải có lớp trẻ, có khiếu và giọng tốt thì mới giữ được. Ông đề nghị cô Lê Thị Út, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình giúp! “Cô Út chọn 15 cháu nam, nữ. Chúng tôi chọn từ đó được năm cháu, ba nữ, hai nam”, ông Sự kể: Được một thời gian thì các cháu bỏ dần. Còn cháu Liên vẫn học, xong lớp 12, cháu vừa đi học Trường đại học Văn hóa Hà Nội, vừa tham gia sinh hoạt ca trù ở Hà Nội.

Liên học xong về xã công tác, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản lý văn hóa. Sau nhiều năm qua các khóa đào tạo và cùng duy trì, gây dựng hoạt động của Ca trù Đông Môn, bây giờ chị là thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB. Thạc sĩ Phạm Thị Liên vừa là đào nương, vừa là công chức tại địa phương, vừa dạy các em Trịnh Thị Quyên, Trịnh Thị Hoài Nam… từng tháng, từng năm rèn giũa câu hát. Lớp người trẻ hôm nay đã sưu tầm, rèn luyện được nhiều bài bản, điệu múa, đã tự sắm sửa và được trang bị một số bộ trang phục biểu diễn đẹp, cùng với đàn, trống mới, và được ngành văn hóa Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên cấp một khoản nhỏ kinh phí cho hoạt động truyền dạy.

Tháng đều đặn bốn lần vào cuối tuần, trên sân rộng dưới bóng cây nối liền đình, đền thờ tổ nghề ca trù mới được tôn tạo sau nhiều năm nứt dột, giờ đã có nhiều cháu học sinh tiểu học đến ngồi vòng tròn quanh chiếu, tập nhịp, tập mở đầu câu hát cùng các chị, các cô, trong đó có cả cô giáo của các cháu ở trường.

Cô giáo Trịnh Thị Hoài Nam, Bí thư Đoàn Trường tiểu học Hòa Bình: Em thích ca trù vì ca trù đưa mình về với không gian tổ tiên, cảm thấy sự thăng hoa qua những bài thơ cổ và các làn điệu. Chúng em còn học múa, không khó, nhưng phải giữ được sự thành tâm và ra được thần thái thể hiện lòng tôn kính.