Thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn

Bước vào mùa xuân mới, dư âm ngọt ngào của thành công tại SEA Games 30 vẫn vang vọng. Đây không chỉ là một kỳ đại hội lịch sử với số lượng Huy chương vàng (HCV) nhiều nhất trong các lần tham dự, mà còn hứa hẹn mở ra những tầm cao mới của thể thao Việt Nam.

“Kình ngư” Nguyễn Huy Hoàng phá hai kỷ lục SEA Games, đạt chuẩn A dự Olympic 2020.
“Kình ngư” Nguyễn Huy Hoàng phá hai kỷ lục SEA Games, đạt chuẩn A dự Olympic 2020.

1. Xét thành tích chung, SEA Games 30 là kỳ đại hội thể thao mà đoàn Việt Nam bội thu HCV chưa từng có. Chúng ta giành tổng cộng 98 HCV, vượt xa chỉ tiêu đề ra (65-70 HCV). Lần đầu tại SEA Games, Việt Nam vượt qua cường quốc thể thao trong khu vực Thái-lan trên bảng tổng sắp chung cuộc. Thành tích ngoạn mục này khẳng định một vị thế mới của Việt Nam, và là động lực lớn để chúng ta tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới tại SEA Games 31 sẽ diễn ra trên sân nhà.

Vinh quang trọn vẹn của bóng đá, môn “thể thao vua”, dĩ nhiên mang lại nhiều cảm xúc nhất. Tấm HCV sau 60 năm chờ đợi của đội tuyển bóng đá U22 đã khiến những trái tim vỡ òa hạnh phúc. Vui mừng với chiến thắng lịch sử của bóng đá nam, người hâm mộ cũng không ngớt lời bày tỏ sự khâm phục, yêu mến với những cô gái đá bóng, tập thể những “chiến binh tóc dài” đã chiến đấu quên mình để lần thứ sáu lên ngôi ở SEA Games.

SEA Games 30 đã chứng kiến những kỷ lục mới của đoàn thể thao Việt Nam. Đáng kể nhất là kỳ tích phá hai kỷ lục đại hội của “kình ngư” 19 tuổi Nguyễn Huy Hoàng ở các nội dung 400 m tự do nam và 1.500 m tự do nam, đạt chuẩn A dự Olympic 2020. Không thể không nhắc tới “cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên, người mang về tới sáu HCV trong tổng số 10 nội dung đăng ký tham dự. Một lần nữa cần vinh danh Nguyễn Thị Oanh, với “hat-trick” HCV ở ba nội dung môn điền kinh 1.500 m nữ, 5.000 m nữ và 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ. Hình ảnh cô gái bé nhỏ này nằm gục xuống đường chạy, khóc ngất khi về đích thật sự làm lay động trái tim hàng triệu người xem ở quê nhà.

Thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn ảnh 1

Nguyễn Thị Oanh giành “hat-trick” HCV ở ba nội dung điền kinh.

2. Không chỉ có bước tiến mới về số lượng HCV, mà thể thao Việt Nam còn tiếp tục duy trì sự biến đổi về “chất” của các môn thi, trong đó vai trò các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic hay ASIAD ngày càng đậm nét.

Khoảng 60% trong 98 HCV của cả đoàn đến từ các môn thi đấu hệ thống Olympic. “Mỏ vàng” của chúng ta chính là các môn thi đấu chủ chốt của Olympic và ASIAD, với 16 HCV của môn điền kinh và 10 HCV môn bơi. Tuy nhiên, ngay cả những môn mới đưa vào thi đấu như kurash (7 HCV), hay môn sở trường của Philippines như võ gậy (4 HCV), chúng ta cũng thi đấu tốt. SEA Games 30 còn là dấu mốc đáng nhớ của môn quần vợt với HCV của Lý Hoàng Nam và hai tấm Huy chương đồng của môn bóng rổ nam. Đó là những tín hiệu vui, chứng minh hướng đi đúng đắn trong việc đầu tư của thể thao nước nhà. Trước đây, thể thao Việt Nam giành HCV SEA Games chủ yếu dựa vào những môn thể thao mang tính biểu diễn nhưng sự thay đổi về chiến lược đầu tư thể thao thành tích cao đã giúp chúng ta có bước tiến vượt bậc ở các môn nòng cốt, cơ bản. Những năm gần đây, các “lứa” VĐV điền kinh, bơi lội tài năng liên tiếp xuất hiện, khẳng định vị thế đứng đầu khu vực, thậm chí đã chạm đến đẳng cấp châu lục.

Thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn ảnh 2

Nguyễn Thị Ánh Viên được vinh danh là vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 30.

3. Hiện tại, thể thao Việt Nam mới có năm vé dự Olympic ở các môn bơi, thể dục dụng cụ và bắn cung. Khó khăn, thử thách còn nhiều phía trước, nhưng âm hưởng chung lúc này vẫn là tâm trạng lạc quan, từ đó, kỳ vọng đặt ra càng lớn hơn tại SEA Games 31 sẽ diễn ra trên sân nhà. “Cố gắng hết sức”, lời hứa không chỉ là cam kết của những người tổ chức, mà còn là sự quyết tâm của những vận động viên để mang tới một kỳ đại hội thành công, đáng nhớ trong mắt bạn bè quốc tế.

“Gian lao - vinh quang”, đó có lẽ là những cụm từ chính xác nhất để cô đọng lại chuỗi ngày tháng tập luyện, thi đấu với bao mồ hôi, nụ cười, nước mắt và thậm chí cả máu của các VĐV thể thao thành tích cao. Với khí thế mới sau thành công ở SEA Games 30, hy vọng thể thao Việt Nam sẽ tiếp bước đà từ “bệ phóng” khu vực để vươn tầm xa hơn, cao hơn tới những đỉnh cao châu lục và thế giới.

Thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn ảnh 3

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam khẳng định ngôi vị số một Đông - Nam Á. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG