Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thách thức hay cơ hội?

Thuật ngữ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mới chỉ xuất hiện năm 2011 ở Hội chợ Công nghệ Hannover, Cộng hòa Liên bang Đức, nhưng đã nhanh chóng trở thành một trong những từ ngữ có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong các loại văn bản in cũng như các trang thông tin mạng trên toàn cầu. Cho dù cũng còn có những ý kiến chưa hoàn toàn đồng thuận, chia sẻ với quan niệm về CMCN 4.0, tuy nhiên có một thực tế là rất nhiều tổ chức khoa học, doanh nghiệp sản xuất quan tâm, rất nhiều quốc gia đã đề ra chiến lược và kế hoạch hành động đáp ứng yêu cầu, điều kiện của cuộc cách mạng này.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đón đầu các cơ hội về công nghệ. Ảnh: NG.HẢI
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đón đầu các cơ hội về công nghệ. Ảnh: NG.HẢI

Theo cách hiểu chung nhất, CMCN 4.0 là sự hội tụ của nhiều công nghệ hiện đại trên nền tảng số hóa, trên cơ sở đó mà hình thành sự kết nối vạn vật, tích hợp các hệ thống số hóa - vật lý - sinh học, kết nối giữa thế giới thực với ảo, tạo ra lực lượng sản xuất mới mạnh mẽ hơn và quan hệ sản xuất mới hiệu quả hơn. Và do đó, CMCN 4.0 sẽ đảo lộn tất cả các bình diện của đời sống xã hội hiện đại, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, phương thức quản lý, cách thức tiêu dùng, đến văn hóa, lối sống, lao động, ngành nghề, giao tiếp xã hội... Điều đó cũng có nghĩa là, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi chính bản thân con người trong các mối quan hệ với tự nhiên và xã hội.

CMCN 4.0 không phải là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ. Thực chất, nó cũng chính là một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển tiếp nối liên tục của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (KH-CN) trong thời kỳ công nghiệp, trong đó, giai đoạn thứ nhất là, cơ giới hóa nhờ sự ra đời của động cơ hơi nước; giai đoạn thứ hai là, điện khí hóa với sự phát minh ra điện và động cơ điện; giai đoạn thứ ba là, số hóa trên cơ sở sự phát minh ra máy tính và internet. Tuy nhiên, giai đoạn thứ tư là sự kết nối, hội tụ trên nền tảng số hóa tất cả các công nghệ lõi hiện đại, các kết quả sáng tạo đột phá trong các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo; robot tiên tiến và các công nghệ tự động hóa mới; mạng di động; internet kết nối vạn vật; chuỗi khối; công nghệ sản xuất đắp lớp 3D; các phương tiện vận tải tự hành; vật liệu mới; tiến bộ về di truyền, sinh học và y học chính xác, nguồn năng lượng mới; tính toán lượng tử và hệ thống lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Sự kết nối, hội tụ các công nghệ lõi trên nền tảng số hóa mang lại khả năng tương tác mới, rộng lớn và vô cùng phong phú giữa thực với ảo, giữa con người với máy móc, tạo thành một hệ sinh thái sản xuất thông minh, trong đó máy móc làm thay phần lớn công việc của con người. Đến lượt nó, hệ sinh thái của CMCN 4.0 lại thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và phát huy hiệu quả tích cực các công nghệ mới, mở rộng quy mô, tốc độ của môi trường số, thúc đẩy những đột phá trong phát triển KH - CN, tạo thành động lực mạnh mẽ cho phát triển toàn diện nền sản xuất vật chất và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nói như vậy để thấy CMCN 4.0 có ý nghĩa quan trọng, to lớn như thế nào đối với sự phát triển của nhân loại, cũng như của mỗi quốc gia, dân tộc hiện nay. Song, CMCN 4.0 chỉ trở thành cơ hội phát triển mạnh mẽ cho quốc gia nào tận dụng được những yếu tố, điều kiện thuận lợi của nó với sự quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực đổi mới sáng tạo của cả cộng đồng cư dân. Ngược lại, nếu quốc gia bị gạt ra bên ngoài tiến trình vận động của nó thì CMCN 4.0 sẽ là thách thức, thậm chí là lực cản dẫn tới sự tụt hậu.

Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đã đề ra mục tiêu của nước ta là: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên KH-CN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”.

Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải đối mặt với một loạt vấn đề. Thứ nhất, vấn đề hoàn thiện thể chế phát triển, bao gồm từ cơ chế tổ chức, vận hành của hệ thống chính trị, hệ thống luật pháp và các chính sách, quyết định quản lý của Nhà nước và các địa phương, bảo đảm cho sự vận hành thuận lợi, hiệu quả các tiến trình chính trị, kinh tế - xã hội, trong đó có việc tạo ra môi trường thuận lợi cho việc chủ động tham gia CMCN 4.0. Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, cũng như yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số. Thứ tư, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, nhất là năng lực nghiên cứu, ứng dụng của các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học; năng lực nghiên cứu, tiếp thu, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trong nước. Thứ năm, thúc đẩy nhanh, chủ động quá trình chuyển đổi số, kết nối dữ liệu quốc gia, phát triển nhanh cả về quy mô và tốc độ kinh tế số, thương mại và thanh toán điện tử hiện đại.

Trong những năm vừa qua, KH-CN và đổi mới sáng tạo của nước ta đã có những bước đổi mới, phát triển đáng kể, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung to lớn của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, những hạn chế trong lĩnh vực này cũng không nhỏ và không dễ khắc phục, vượt qua nếu không có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, sáng tạo và hiệu quả. Các xếp hạng quốc tế về lĩnh vực này của chúng ta đều ở mức thấp, thí dụ: Chỉ số chính phủ điện tử xếp hạng 88/193 quốc gia (LHQ năm 2018); chỉ số công nghệ và đổi mới sáng tạo xếp thứ 90/100 và chỉ số vốn con người xếp thứ 70/100, chỉ số về nguồn lực bền vững xếp thứ 87/100 (Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018)… Một số công nghệ chúng ta có bước đi quá chậm, thí dụ, khi nhiều nước chung quanh chúng ta đã sử dụng phổ biến công nghệ thanh toán “1 chạm” thì chúng ta đang bắt đầu bước vào sử dụng công nghệ thẻ chíp...

Đúng như tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW, “chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng...”. Để có thể biến những thách thức của cuộc CMCN 4.0 thành “cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong đổi mới tư duy và hành động, đề ra những giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình sáng tạo, phù hợp.

Nói cách khác, CMCN 4.0 là thách thức hay cơ hội - điều đó phụ thuộc vào chúng ta, vào khát vọng và ý chí của con người Việt Nam!

Thách thức hay cơ hội? ảnh 1

Nhân viên đi kiểm tra mô cấy được nuôi dưỡng tại phòng lab. Ảnh: VNP