Tài hoa và bản lĩnh

Đã có những công trình nghiên cứu khoa học cho thấy: từ thời văn hóa Đông Sơn, các cộng đồng dân cư đến từ vùng trung du, từ biển vào, từ phía nam lên, từ phía bắc xuống theo các dòng sông lớn đến đồng bằng sông Hồng, sông Mã và sông Lam. Họ hội tụ với cộng đồng người Việt - Mường có mặt sớm hơn, để cùng khai khẩn, trồng lúa, đúc đồng, làm đồ trang sức.

Việc đánh thắng giặc ngoại xâm đã thể hiện lòng quyết tâm giữ giang sơn và lòng quả cảm đã ăn sâu vào dòng máu quân dân Đại Việt. Ảnh: NAM ANH
Việc đánh thắng giặc ngoại xâm đã thể hiện lòng quyết tâm giữ giang sơn và lòng quả cảm đã ăn sâu vào dòng máu quân dân Đại Việt. Ảnh: NAM ANH

1. Quá trình cộng cư, hòa huyết đã hình thành nên người Việt cổ mà trong huyết quản đã mang trong mình nhiều “gen” trội. Nhà nhân chủng học nổi tiếng Nguyễn Đình Khoa đã từng lý giải sự thông minh của người Việt, nhìn từ góc độ sinh học chính là thu hút được nhiều gen trội của các tộc người cùng khai thác các vùng đồng bằng màu mỡ để trồng lúa nước và định cư. Ngày nay, các nhà nghiên cứu di truyền học, khi phân tích bộ gen người Việt hiện đại cũng cho kết quả ủng hộ giả thuyết này.

2. Từ thời văn hóa Đông Sơn, người Việt cổ đúc được trống đồng đã là một minh chứng cho sự tài khéo của tổ tiên chúng ta. Để đúc được những trống đẹp như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, họ đã biết cách pha chế hơn 10 loại hợp kim, mà chủ yếu là đồng - thiếc - chì, biết cách làm khuôn đất nung để đúc trống, cộng với đầu óc thẩm mỹ tuyệt vời tạo ra các hoa văn người, chim, thuyền, hươu, bò… hết sức sinh động.

Chính đó là sự thông minh, qua kinh nghiệm mà họ đã áp dụng thành công “khoa học, công nghệ” nói như ngôn ngữ kỹ thuật ngày nay. Cái ưu trội của người Việt cổ thể hiện ở chỗ, họ là tộc người đúc trống Đông Sơn thành thạo, trong lúc nhiều vùng đất ở Đông - Nam Á lúc đó còn trong tình trạng chỉ biết đến đồ đá mà chưa biết đến đồ đồng. Người Đông Sơn đã “xuất cảng” trống đồng đi nhiều vùng đất. Điển hình là họ đã dùng thuyền mảng chở trống đồng sang tận vùng quần đảo Indonesia. Chính các nhà khoa học phương Tây và Indonesia cũng công nhận điều này.

3. Qua đêm dài Bắc thuộc, với chính sách bành trướng và đồng hóa triệt để về mặt văn hóa, các cộng đồng người Bách Việt như Điền Việt, Mân Việt, Dạ Lang… cùng nhiều tộc người khác đã không còn giữ được căn cước riêng mình. Duy nhất, khối người Lạc Việt tổ tiên chúng ta vẫn tồn tại, chống lại sự đồng hóa của phương bắc. Chính sách “thu hết trống đồng để đúc ngựa đồng và cột đồng Mã Viện” nhằm xóa dấu tích văn hóa Đông Sơn, cũng không xóa được văn hóa người Việt. Họ đã mang trống đồng đi giấu, để đến ngày nay chúng ta còn đào được hàng trăm chiếc trống Đông Sơn. Văn hóa Việt vẫn tồn tại như một mạch ngầm, để rồi sau nghìn năm, lại được phục hưng trong thời Lý. Vào thời này, óc sáng tạo của người Việt tập trung cho việc xây kinh đô Thăng Long và xây chùa, tháp. Có nhiều chùa đẹp như chùa Phật Tích, chùa Dạm được xây trong thời Lý, đến nay vẫn tồn tại. Nhiều tháp xây đẹp như tháp Chương Sơn, tháp Báo Thiên lại được bàn tay người thợ Chăm ở miền trung xây dựng nên. Trong nhiều kiến trúc thời Lý lại có sự hội nhập của yếu tố Chăm Pa, góp phần làm nên văn minh Đại Việt với yếu tố mỹ thuật đẹp và độc đáo. Ngay hình tượng con rồng, chim thần Ga ru đa, cột đá chùa Dạm… cũng có yếu tố nghệ thuật Chăm ảnh hưởng vào văn hóa Đại Việt, được “Việt hóa” và là di sản chung của người Việt trong nhiều thế kỷ.

Vào thời Trần, phẩm chất của người Việt thể hiện ở ba lần chống quân Nguyên Mông hung hãn. Việc đánh thắng giặc đã thể hiện lòng quyết tâm giữ giang sơn và lòng quả cảm đã ăn sâu vào dòng máu quân dân Đại Việt. Nhưng, để thắng giặc cũng cần có óc sáng tạo và sự thông minh. Trong trận chiến năm 1288, Trần Hưng Đạo đã sáng tạo cách đánh bằng cắm cọc dựa trên sự lên xuống của thủy triều trên sông Bạch Đằng, tức đã nắm chắc thủy văn. Quân Nguyên Mông đi đến đâu thắng đó, ấy thế mà hàng vạn lính phải bỏ xác ở khúc sông nước Việt, đến nỗi nước sông đỏ ối như máu của giặc vẫn chưa từng khô (ý thơ của Vua Trần Minh Tông). Cách đánh giặc bằng… cọc hết sức thông minh này thật ra đã trở thành truyền thống, có từ thời Ngô Quyền, Lê Đại Hành.

Vào thời Hồ Quý Ly, sự nhẫn nại và tài khéo của quân và dân ta lại được thể hiện ở việc xây ngôi thành bằng đá với tốc độ kỷ lục, trong vòng có… ba tháng. Nay thì thành nhà Hồ vẫn còn sừng sững và được công nhận là di sản thế giới. Cho đến giờ, các nhà khoa học đã tìm ra được cách chế tác đá và nguồn gốc đá ở ngọn núi gần đó, nhưng vẫn chưa lý giải được cách người xưa chuyên chở những khối đá nặng hàng chục tấn đi xa đến chục cây số bằng cách nào, lại còn ghép lại cho khít nhau để dựng thành cao nữa.

Nhà Hậu Lê là một triều đại kéo dài nhất trong lịch sử nước ta, đến 355 năm. Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, nghĩa quân nếm mật nằm gai, với tinh thần quả cảm đã đánh đuổi được quân Minh xâm lược, tàn ác, hủy hoại các công trình văn hóa và sách vở nhiều đời của nước ta. Ngoài phẩm chất dũng cảm, người Việt thời này đã để lại bộ sử rất quý là “Đại Việt Sử ký toàn thư”, được biên soạn công phu và nhất là đã đề cao công ơn tổ tiên như Vua Hùng, truyền thống uống nước nhớ nguồn. Sự sáng tạo và khéo léo còn thể hiện ở việc làm ra nhiều dòng gốm đẹp như gốm men ngọc, men nâu có từ thời Lý - Trần, đến thời Lê lại có dòng gốm men trắng hoa lam nổi tiếng Chu Đậu. Chỉ trong một chuyến tàu đắm ở ngoài khơi Cù Lao Chàm mà các nhà khoa học đã tìm được hàng chục vạn đồ gốm Chu Đậu đang trên đường xuất khẩu sang các nước xa xôi về phía tây như Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào thời Tây Sơn, phẩm chất người Việt lại thể hiện ở việc đánh giặc Thanh, cái mà ngày nay có tên là “khoa học quân sự”. Đội quân của Vua Quang Trung đã đánh tan hàng vạn quân Thanh một cách chớp nhoáng bằng yếu tố bất ngờ, hành binh thần tốc, dùng rơm bện với mảnh gỗ ghép mà cản được hỏa khí của giặc trong trận Ngọc Hồi. Dồn giặc vào khu vực bãi lầy Đầm Mực để voi giày xéo. Tập kích trận Đống Đa khiến địch không kịp trở tay, xác giặc nhiều đến nỗi phải đắp cả 12 gò chôn mới xuể.

Tài hoa và bản lĩnh ảnh 1

Ấm có tượng chim Phượng, thời Lê.

4. Người Việt mang trong mình nhiều phẩm chất nổi trội từ cội nguồn, lại là dân tộc luôn luôn bị đặt trước thử thách về sự tồn tại, trước sự xâm lấn và đồng hóa của nước ngoài. Vậy mà, người Việt và đất Việt vẫn còn, vẫn giữ cho mình được cái “căn cước” sau bao cuộc vật đổi sao dời. Một dân tộc giàu sức sống và bản lĩnh sáng tạo như vậy sẽ mãi trường tồn.