Sống chậm ở Bình Liêu

Ai đã đến huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), hẳn đều chung cảm nhận, đây là không gian lý tưởng để được sống chậm lại giữa thiên nhiên núi rừng. Mảnh đất miền biên viễn ấy có những nét lôi cuốn riêng mà ít nơi có được.

Cung đường lên cột mốc 1305 luôn hấp dẫn khách du lịch.
Cung đường lên cột mốc 1305 luôn hấp dẫn khách du lịch.

Bức tranh núi rừng

Dọc theo quốc lộ 18 đến cuối thị trấn Tiên Yên, lướt một vòng cua nhẹ tới xã Vô Ngại là “chạm” đất Bình Liêu. Không còn vị mặn mòi, nắng rát của biển mà chỉ có cao xanh vời vợi và dịu mát trong lành của sông núi, rừng cây.

Bám theo cung đường biên giới uốn lượn quanh núi đồi xanh ngát, thơm nồng mùi hồi, quế, bản Phạt Chỉ (xã Đồng Văn), cách trung tâm huyện gần 30 km hiện ra như tranh vẽ. Cuộc sống đời thường của bà con thôn, bản hiện lên giản dị và êm đềm. Những cụ bà người Dao cặm cụi thêu bên đường. Người dân thong thả trở về sau buổi đi rừng. Những phụ nữ vừa địu con ngủ, vừa tranh thủ nắng trưa phơi quần áo trước hiên nhà. Cũng chẳng thiếu các cậu bé, cô bé mặt mũi lấm lem đang say sưa vài trò nghịch ngợm…

Dưới nắng chiều từ phía tây rọi tới, đỉnh Cao Xiêm - được ví như “nóc nhà” của tỉnh Quảng Ninh, nổi bật trên nền trời xanh ngát. Càng lên cao, sương mù bao phủ, vi vu gió thổi và róc rách suối chảy. Người ta có thể thỏa sức tận hưởng, hít cho đầy lồng ngực những ngụm không khí trong lành. Ở nơi đất rộng người thưa ấy, những cột mốc vững chãi nơi biên giới đã gắn bó như máu thịt với mỗi con người được sinh ra.

Điểm đến không giới hạn

Câu slogan “Bình Liêu - Nơi tình yêu không giới hạn” tạo cảm giác chinh phục và khám phá vào mỗi mùa trong năm. Hè đến, huyện miền núi khoác lên mình một mầu xanh mát lành của cánh rừng nguyên sinh. Mỗi lần thu ghé qua, khung cảnh hoang sơ, khoáng đạt của vùng đồi núi Đông Bắc lại thêm chất tình. Đầu đông, Bình Liêu đắm chìm trong vẻ đẹp lãng mạn của cỏ lau trắng phủ khắp các vạt đồi, sườn núi, trải dài dọc cung đường tuần tra biên giới. Tháng 12, cả vùng như bừng lên sức sống mới giữa mầu trắng tinh khôi, thanh khiết của hoa sở. Hoa trẩu, hoa sở khiến cung đường biên giới Đông Bắc thơ mộng đến nao lòng.

Xuân về, Bình Liêu tươi thắm sắc đào phai dịu dàng. Đây cũng là mùa của những lễ hội truyền thống như lễ hội đình Lục Nà (16 tháng Giêng), hội hát giao duyên soóng cọ (16-3 âm lịch), ngày “Kiêng gió” (4-4 âm lịch)… Và không thể không kể đến những làn điệu then, soóng cọ say đắm, mang vẻ đẹp cốt cách của đồng bào dân tộc, cứ du dương, ngọt ngào níu chân người ở lại.

Anh Văn Chung (chủ homestay Tuyết Chung) chia sẻ: Phần lớn bà con dân tộc trong bản có ý thức giữ gìn nét văn hóa, phong tục truyền thống nên đây là một lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Chính nét mộc mạc, dân dã mà chân tình của người dân đã để lại tình cảm yêu mến cho du khách khi đến với Bình Liêu.

Vùng biên nay đã khác

Tận dụng tối đa nguồn tài nguyên phục vụ các hoạt động tham quan du lịch, Bình Liêu đang phát triển “gói” sản phẩm du lịch bốn mùa. Với sự đầu tư theo lối “Hạ tầng đi trước, phát triển theo sau”, huyện Bình Liêu hiện nay có hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh. Tỉnh lộ 341 dài

80 km, chạy dọc đường biên giới nối cửa khẩu Hoành Mô với TP Móng Cái đã chính thức mang tên đường 18C, kéo dài quốc lộ này lên tới hơn 121 km, giúp huyện miền núi Bình Liêu trở thành trung tâm kinh tế cửa khẩu lớn vào loại nhất, nhì nước ta.

Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, từ năm 2015, Bình Liêu đã xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, kết nối với các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài tỉnh để thu hút khách. Các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện thường xuyên được tăng cường, bảo đảm môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ tại khu dân cư...

Những ngày cuối năm, chợ phiên vùng cao Bình Liêu như nhộn nhịp hơn. Chợ phiên trở thành nơi “triển lãm” các giá trị văn hóa truyền thống của bà con Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa… Người dân đến đây không chỉ để bán, mua mà còn giao lưu để cảm nhận những thay đổi ở nơi vùng cao biên giới.

Trong chín tháng năm 2019, lượng khách du lịch đến Bình Liêu ước tính đạt 64.406 lượt khách, đạt 89,22% kế hoạch và tăng 132,5% so cùng kỳ, trong đó khách lưu trú ước đạt 11.498 lượt khách, đạt 68,85% kế hoạch và tăng 116,4% so cùng kỳ năm 2018. Doanh thu từ các hoạt động du lịch dịch vụ đạt 18.440,3 triệu đồng, đạt 87,68% kế hoạch và tăng 133,38% so cùng kỳ năm 2018.