“Rừng” đá đón năm mới

Khách du xuân thường thích thú tham quan các khu di tích kiến trúc đá vừa là di tích lịch sử, vừa là các địa điểm tâm linh nổi tiếng tại huyện Hoa Lư, Ninh Bình… Nhưng nếu ai biết, sẽ khó bỏ qua việc đi thêm vài cây số, ghé thăm những tác phẩm điêu khắc đá xinh xắn, hiện đại mang tên triển lãm điêu khắc “Về với đá” tại xưởng đá Lương Gia (xã Ninh Vân, Hoa Lư ) của 15 tác giả điêu khắc hiện đại khá có tiếng.

Tác phẩm “Tê giác” của Hoàng Tường Minh.
Tác phẩm “Tê giác” của Hoàng Tường Minh.

Quay lại đá và… từ đá bước ra!

Điều đáng nói tại trại điêu khắc đá hiện đại lần đầu ở Hoa Lư lần này, là việc “về với đá” với sự chọn lựa kích thước không quá đồ sộ. Hơn 30 tác phẩm của 15 tác giả thì lớn nhất của Khổng Đỗ Tuyền là ba khối vuông với tổng chiều cao không quá 2 m. Nhỏ nhất là của chính chủ xưởng - nghệ sĩ Lương Trịnh với khối tượng đá đen “Đêm trong làng” (18 x 42 x 23 cm, nặng 40 kg).

Tham gia tự nguyện đều là các nhà điêu khắc trụ cột trẻ trung. Họ từng tham gia sáng tác, thi công không ít các tác phẩm có kích cỡ tượng đài khắp nơi trong nước và quốc tế, cũng như các tác phẩm cỡ lớn, phục vụ tín ngưỡng tôn giáo. Thế hệ 6X trung niên là Hoàng Tường Minh, Trần Việt Hưng đến từ miền nam. Những tác giả phía bắc là hai thế hệ 7X, 8X gồm Lê Lạng Lương, Lương Văn Việt, Phạm Thái Bình, Kù Kao Khải, Phạm Bảo Sơn, Trần An, Lê Anh Vũ, Vũ Quang, Thái Nhật Minh, Vũ Bình Minh, Trần Thược. Một nửa trong số các tác giả hiện là giảng viên tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Điểm thứ hai ít người nói ra, là trại điêu khắc đá lần này chính là một lễ tưởng niệm chân thành và giản dị hướng tới hai tác giả điêu khắc đá danh tiếng thế hệ trước. Đó là danh gia điêu khắc Lê Công Thành (1931 - 2019), tác giả của tượng đài chiến thắng Núi Thành và nhà điêu khắc Trần Tuy (1942 - 2019). Cái tên “Về với đá” nói lên thâm ý của các tác giả thế hệ sau với những người đi trước là: Ngoài tinh thần hóa thạch trường tồn là cái đích vĩnh cửu chung của nhân loại, còn mong những linh hồn văn hóa lộng lẫy của dân tộc sẽ từ đá mà bước ra…

Từ trừu tượng trở lại hiện thực đá…

Đúng là mong muốn những “linh hồn sống” tươi vui từ đá bước ra là ước mơ chung, đậm đặc của trại điêu khắc sung sức này. Một bước rõ rệt của các tác giả ngầm cạnh tranh sáng tạo là việc chia rõ làm đôi “dòng” thể loại. Đa số tác giả đương đại thích thú chọn thể loại sáng tác “bán trừu tượng”. Họ lấy một vài nét trong hình tượng con người, hoặc liên tưởng đến mảng, nét, khối ngoài tự nhiên để tạo vật “đóng băng” như: cơ thể, da, hình mây bay, gió lộng chơi vơi xúc cảm. Các tác phẩm của Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Lương Văn Việt, Phạm Thái Bình, Phạm Bảo Sơn, Trần An; Lê Anh Vũ, Vũ Quang, Vũ Bình Minh, Trần Thược… đều theo đuổi dòng này. Hai tác giả dùng đá như… gột đất cứng để tạo tác các tòa nhà, phong cảnh núi non, thước đo tâm ý, triết lý thu nhỏ là tác giả Trần Việt Hưng với bộ ba khối “Thiên - Địa - Nhân” đặt nằm. Và tác giả Lương Trịnh với hai tác phẩm “Đêm trong làng” và “Đình trên mặt nước”…

Số tác giả còn lại chọn toàn hình ảnh loài vật để sáng tạo, lại là số ít nhất, nhưng tạo ra các tác phẩm thu hút sự thích thú của mọi lứa tuổi nhất. Đầu tiên là tác giả Hoàng Tường Minh với tác phẩm duy nhất là “Tê giác”. Thứ hai là tác giả Thái Nhật Minh với bộ đôi tác phẩm “Đôi cánh trắng” và “Thiên nga đen”. Cuối cùng, người tạo tác phẩm trực tiếp đón năm Tý theo thói quen vẽ 12 con giáp để chào năm mới, nhưng lại “vẽ” bằng điêu khắc đá là đôi tượng “Chuột đá” của tác giả Kù Kao Khải.