Nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia

Câu lạc bộ (CLB) doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) là cái tên được giới doanh nhân người Việt biết đến và đặt nhiều niềm tin trong quá trình đầu tư, kinh doanh trên thị trường đất nước Chùa Tháp.

Trong nhà máy chế biến mủ cao-su của doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Cratie, Campuchia.
Trong nhà máy chế biến mủ cao-su của doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Cratie, Campuchia.

Được thành lập vào năm 2018 dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam, thời gian qua, VBCC đã tích cực kết nối và giúp đỡ các doanh nghiệp (DN) thành viên cũng như nhiều nhà đầu tư Việt Nam mới đặt chân sang Campuchia.

Vào thời điểm cuối năm bộn bề công việc, Chủ tịch VBCC Nguyễn Thanh Dũng, Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Campuchia vẫn dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về sự phát triển của VBCC. Theo ông Dũng, CLB ra đời là xuất phát từ nhu cầu và mong muốn của cộng đồng DN Việt Nam khi làm ăn ở nước bạn. Tính đến nay, VBCC đã có hơn 50 DN thành viên, về số lượng thì chỉ bằng khoảng 30% số DN nước ta ở bên này, nhưng lại nắm tới 90% tổng vốn đầu tư, trị giá khoảng hai tỷ USD.

Trong số các thành viên của VBCC, có thể kể tên một số DN lớn của nước nhà sang kinh doanh, hợp tác đầu tư tại Campuchia như: Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam với khoảng 100.000 ha cao-su đã trồng và đưa vào khai thác; Viettel Cambodia với thương hiệu nổi tiếng Metfone, xứng đáng là ‘’Công ty Viễn thông số 1’’ tại Campuchia; các ngân hàng Agribank, BIDC, MB, Sacombank và SHB đã giúp cho người dân Campuchia vay tín dụng với lãi suất thấp, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước Chùa Tháp.

Tuy vậy, sau hơn 10 năm đầu tư tại Campuchia, bên cạnh những thành công và đóng góp cho cộng đồng, nhiều DN thành viên VBCC vẫn còn khó khăn, vướng mắc, chủ yếu là về các quy định trong luật và thuế của nước sở tại. Nhận thấy đây cũng là vấn đề thường gặp của các công ty nước ngoài trên địa bàn nên Ban Chấp hành CLB đã tổ chức nhiều cuộc họp với Đại sứ quán và những cố vấn giàu kinh nghiệm để tìm biện pháp tháo gỡ. Trước mắt, Ban Chấp hành tìm hiểu và hướng dẫn DN giải quyết vấn đề từng bước, đồng thời giải thích và đề xuất với các bộ, ngành cũng như chính quyền nước bạn để có sự thông cảm và cùng hợp tác tháo gỡ vướng mắc cho DN Việt Nam. Về lâu dài, theo ông Nguyễn Thanh Dũng, VBCC sẽ tập trung giúp đỡ các DN Việt Nam cũng như DN Khmer gốc Việt tại Campuchia cả về nguồn nhân lực và vốn để các đơn vị có thể phát triển được năng lực và công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Với sự trợ giúp của CLB và Đại sứ quán nước ta, nhiều đơn vị thành viên đã từng bước giải quyết được vấn đề tồn đọng, có thêm niềm tin và quyết tâm trong hoạt động kinh doanh, sản xuất và đầu tư trên thị trường Campuchia. Đây là một yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia. Thống kê cho thấy, năm 2018, giá trị trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt 4,704 tỷ USD, tăng 23,8% so năm 2017; 10 tháng đầu năm 2019 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, năm 2019, ước tính con số này sẽ tăng lên đến 5,2 tỷ USD, sớm hơn một năm so mục tiêu năm tỷ USD do Thủ tướng hai nước đề ra.

Nhân dịp cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia tại Hà Nội tháng 10-2019, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen đánh giá cao hiệu quả hoạt động và sự đóng góp của DN Việt Nam tại Campuchia; đồng thời chỉ đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Campuchia tổ chức gặp VBCC thường kỳ để trao đổi thông tin, tháo gỡ vướng mắc cho các DN Việt Nam và các công ty Khmer gốc Việt đang đầu tư trên địa bàn.