Lớp học tiếng Việt ở Kawagoe

Đối với những người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, chỉ cần nghe tiếng Việt nơi phương trời xa, trong lòng đã ngân nga, thổn thức nỗi nhớ quê hương tha thiết. Tuy nhiên, vì nhiều điều kiện khác nhau, các thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn trong việc học và duy trì tiếng Việt. Trong bối cảnh ấy, việc ra đời Lớp học tiếng Việt Kawagoe tại Nhật Bản là câu chuyện thú vị về những nỗ lực đáng khâm phục của các bà mẹ người Việt Nam đang cố gắng dạy và duy trì tiếng Việt cho các con để các thế hệ người Việt trẻ ở đây có được sự gắn kết với quê hương.

Mỗi tuần lớp học tiếng Việt lại đưa các bé về gần hơn với quê hương.
Mỗi tuần lớp học tiếng Việt lại đưa các bé về gần hơn với quê hương.

“Tôi đã may mắn!”

“Một lần tình cờ mở lại những video cũ trong điện thoại, tôi được nghe lại giọng hát líu lo của con gái hồi còn ở Việt Nam khi mới hơn ba tuổi. Những bài thơ ngắn như: “Bắp cải xanh”, “Chú vịt con”… hay những bài hát: “Tạm biệt búp bê”, “Cháu yêu bà”, “Bé lên ba”… vang lên bằng giọng trẻ thơ trong veo, non nớt đáng yêu vô cùng. Một nỗi niềm tiếc nuối chợt dâng lên trong lòng. Tôi bỗng nhận ra, mình đã đánh mất đi một điều quý giá: Tiếng Việt của con…”.

Mùa hoa anh đào nở, tháng 4-2019 là lúc tôi bắt đầu lên kế hoạch để mở một lớp học tiếng Việt nhỏ cho trẻ em Việt Nam từ sáu tuổi trở lên sống quanh khu vực Kawagoe, tỉnh Saitama, bắt đầu từ việc tìm hiểu về tài liệu học tập. Lớp sẽ học theo bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chủ yếu là hai quyển Tiếng Việt và Tập Viết. Tôi sẽ dạy dần cho các bạn nhỏ từ lớp 1 đến lớp 5 và hơn thế nữa.

Về phương pháp quản lý và vận hành lớp học, tôi thật sự bối rối. Thật may mắn tôi được đến dự thính lớp học của con gái tôi đang học lớp 1 tại trường tiểu học của Nhật, và tôi đã hiểu cách cô giáo vận hành một lớp học của lũ trẻ chưa biết ngồi yên một chỗ lâu. Về địa điểm để tổ chức lớp học, ngay từ đầu tôi đã mong muốn tổ chức một lớp học tình nguyện và miễn phí cho học sinh. Mỗi tuần tôi sẽ dành ra khoảng 10 tiếng để soạn bài và dạy học. Vì vậy, tôi muốn tìm một địa điểm học gần ga tàu để tiện đi lại, đầy đủ cơ sở vật chất để các bạn nhỏ thấy thoải mái, và quan trọng nhất là miễn phí.

Tôi đã may mắn nhận được sự hỗ trợ của Ủy ban thành phố Kawagoe khi đồng ý cho tôi sử dụng miễn phí một phòng học của International Center vào hai tiếng buổi chiều chủ nhật hằng tuần. Vậy là tôi đã có tất cả! Thông qua nhóm Facebook của mẹ Việt tại Nhật với hơn 20 nghìn thành viên, tôi đã gửi thông báo về lớp học Tiếng Việt Kawagoe. Cô giáo, học trò và phụ huynh đã gặp nhau thật thân tình và ấm áp vào buổi học đầu tiên ngày 28-7-2019.

Cố gắng từng buổi học

Các bạn có khả năng giao tiếp hạn chế, lượng từ vựng ít ỏi và khả năng diễn đạt đơn thuần hơn rất nhiều so các bạn đồng tuổi tại Việt Nam nên tôi phải nhanh chóng thay đổi giáo án, bổ sung nhiều tài liệu phụ trợ để làm phong phú thêm những hiểu biết về cuộc sống, về thiên nhiên, về món ăn, về các vùng miền, về lịch sử… của đất nước. Thí dụ đơn giản nhất là trong sách giáo khoa, các từ vựng được giới thiệu như: cá rô, quả me, quả khế hay bẹ cau… đều là những thứ các bạn chưa bao giờ nhìn thấy, nghe đến và có lẽ sẽ rất ít dùng đến.

Lúc đầu, tôi đã rất hăm hở đề ra mục tiêu cho lớp là: đọc thông, viết thạo nên tôi đã rất nôn nóng muốn rèn luyện chữ viết và ghép vần. Nhưng khả năng nói của học sinh lại hoàn toàn đang ngủ yên bởi tiếng Nhật đã chế ngự hoàn toàn trong đời sống và học tập hằng ngày.

Sau một tuần gặp lại nhau, tôi và học sinh cùng kể cho nhau nghe về những việc đã xảy ra trong tuần, những món ngon được ăn, những món đồ mới được bố mẹ mua, những thành tích đạt được hay cả những nỗi buồn, ấm ức muốn mách lại với cô giáo. Đây là phần tôi rất thích vì tôi sẽ được nghe tiếng Việt vô cùng đáng yêu của các Việt kiều như: “Cô ơi, mỗi lần em con rơi, con đều kéo em lên”, “Cô ơi, bố con kể cho con nghe câu chuyện anh con trai đi nhặt que trong rừng” - (tức là câu chuyện có anh tiều phu đi đốn củi), “tuần vừa rồi mẹ nấu cho con ăn món bún dẹt” (tức là món phở)…

Sợi dây kết nối

Mỗi tuần lớp chỉ có hai tiếng học, vì vậy tôi đã soạn ra chương trình học của bảy ngày trong tuần với thời lượng 30 phút mỗi ngày để các bố mẹ cùng học hằng ngày với con. Đây là bài tập về nhà của cả bố mẹ và con để cùng duy trì thói quen học và sử dụng tiếng Việt. Tôi thật sự được khích lệ rất nhiều từ nỗ lực của các gia đình tham gia lớp học. Có những gia đình ở xa, tuần nào cả nhà cũng chạy xe một giờ đưa con đến lớp. Buổi tối sau khi các con đi ngủ, các mẹ lại cùng vào nhóm chat của lớp để gửi cho nhau những video học đọc, học viết của con hay đơn giản chỉ là để tâm sự sao bọn trẻ giống y mình ngày xưa, ngồi học là nhấp nhổm không yên, viện đủ các lý do để trốn bài.

Tôi hiểu rằng các bố mẹ người Việt đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều để gây dựng cuộc sống tại Nhật Bản. Chúng tôi có thể làm việc miệt mài 10 - 12 giờ mỗi ngày và nghĩ rằng mình đang lo cho tương lai của con. Nhưng chúng tôi quên mất rằng chỉ cần 30 phút mỗi ngày là chúng tôi hoàn toàn có thể giữ tiếng Việt cho con - sợi dây kết nối hữu hiệu nhất và bền lâu nhất cho các con với bố mẹ, ông bà, các anh chị em và hơn nữa là với Tổ quốc của mình.

Lớp học tiếng Việt là nơi chúng tôi cùng gặp gỡ, cùng động viên, cùng thôi thúc lẫn nhau để duy trì quyết tâm này. Chúng tôi tự thay đổi lại mình trước, bằng việc tạo lập lại thói quen sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày trong gia đình. Bởi gia đình là môi trường nhỏ bé duy nhất để giao tiếp bằng tiếng Việt cho các con. Chúng tôi đã cùng nhau làm được, và sẽ tiếp tục cùng nhau giữ tiếng Việt cho con.