Lắng tiếng gió núi

Rét cộng mưa phùn là nét đặc trưng buồn bã nhất của mùa đông miền núi. Càng gần Tết mưa rét lại càng đổ dồn đậm đặc.

Minh họa: Đoàn Xuân Tặng
Minh họa: Đoàn Xuân Tặng

- Mùa đông chết tiệt! Nó lại xầm xì rỉ rả trở về kia kìa.

- Ấy! Đừng có rủa như thế. Anh bạn thân mến của tôi ơi. Đấy là việc ông trời. Chúng mình làm sao cản được.

- Ừ thì...

Đúng là mùa đông ở Trùng Khánh, Cao Bằng đã khiến cho biết bao người ngán ngẩm. Đã rét run người lại còn mưa phùn. Mưa dai dẳng nháp nhẳng ngày này qua ngày khác. Mưa phùn làm ướt đường đi lối lại, quả thực ngại vô cùng. Mưa làm ướt cây cỏ hoa lá thì tốt thôi. Nhưng ướt tầm nhìn xa nhìn gần cực kỳ nguy hiểm. Làm ướt tai nghe người yêu, làm ướt tiếng chim hót thì đâu còn thi vị. Làm ướt chén trà nóng, bát phù noòng không kịp cho ấm bụng. Cái gì cũng dinh dính nhớp nháp. Chỗ nào cũng ướt nhèm nhẹp, bẩn kinh lên được. Trong nhà như ngoài đường toàn đất với cát cực kỳ khó chịu vì bẩn. Thà nó mưa một trận thật to đoành. Mưa ra mưa. Chứ mưa lèm nhèm du kích thế thì cực lắm. Mưa một trận tơi bời rồi tạnh ráo ngay lập tức. Khắp nơi khắp chốn sạch làu làu. Sạch như chùi. Thế thì người ta lại rất thích. Còn đằng này...

… Mưa rả rích cả ngày lẫn đêm, không ngừng không nghỉ. Mưa dai dẳng như người đòi nợ. Thật ra, đó là hiện tượng cân bằng âm dương của thiên nhiên mà thôi. Nó bù vào những ngày mùa thu, trời trong biếc xanh. Trời làm thế dân cũng không oán trời. Quy luật bù trừ mà. Có sướng thì có khổ. Khổ rồi mới sướng.

Mưa rét như thế này thì chỉ có ngồi ở nhà sưởi lửa, nướng khoai hay vùi ngô hạt vào trong gio bếp. Người Tày bảo đấy là tẩu lình (gio khỉ). Tại sao nói gio khỉ? Chịu! Chỉ biết từ thời còn bà nội đã bảo thế rồi. Gio khỉ có khi còn nóng hơn cả than hồng. Vùi khoai vào gio khỉ, không bị lo cháy vỏ. Nó chín một cách từ từ. Nó nhừ một cách êm ái. Chứ không nên hầm hập nóng. Dồn dập nóng là hỏng hết bánh kẹo. Nên nhớ rằng, sự sung sướng nào cũng phải trả giá. Ngồi chờ một lát, tiếng ngô nổ như pháo tép. Hạt ngô nở bung ra biến thành hoa. Nó bắn cả ngô lẫn tàn than vào người. Bắn tóe tòe loe tứ tung lên mặt, lên vai, lên cổ, lên đầu. Cứ chỗ nào có thịt hở ra là nó nhắm đến. Nó chẳng cần biết anh chị là ai. Là khách quý hay chủ nhà, nó cóc cần biết. Đôi khi nhờ có tiếng ngô nổ làm cho mọi người thích thú.

Mưa rét cộng thêm gió hú qua đầu nhà nữa, thật là kinh khiếp. Và khi gió lọt qua vách nứa đan, giá rét càng tăng thêm độ ngọt. Gió như kim đâm thẳng vào da thịt. Đâm đến đâu mẩn ngứa tấy đỏ tới đó. Vào những ngày mưa rét, nhiều nhà không đủ củi đun. Họ phải dùng lõi ngô hay cỏ giàng giàng thay củi. Phải công nhận rằng, đun bằng cỏ giàng giàng là sướng nhất. Nhìn lửa phát ra ánh sáng vàng như vàng ròng. Và tai được nghe tiếng lửa thở phì phà. Và mũi được ngửi thấy mùi cỏ cháy. Cỏ cháy thơm lên như nướng. Nướng gì thì không ai biết. Chỉ biết có tiếng nổ lép nhép ở giai đoạn cuối cuộc chơi. Nghe buồn buồn như tiếng ai thở dài nuối tiếc. Rồi mỗi một lần tiếp cỏ, lại được nghe tiếng lửa phjè phjè cười giòn tan…