Hiền như... binh khí

Võ cổ truyền Bình Định nổi tiếng khắp cả nước, cùng với nội công, các bài quyền thì binh khí cũng là một thế mạnh. Nhiều loại gắn bó với đời sống sinh hoạt, lao động của người dân, thậm chí có loại lành hiền, vẻ ngoài “mềm yếu”…

Biểu diễn võ Bình Định. Ảnh: Võ Việt
Biểu diễn võ Bình Định. Ảnh: Võ Việt

Hòa trong đời thường

Nếu không gặp các võ sư thì chúng tôi chẳng thể biết được làng võ thuật cổ truyền Bình Định có nhiều loại binh khí đến thế. Mỗi loại đều có sức mạnh, sự lợi hại riêng nhưng lại rất gắn bó với đời sống thường nhật. Nhìn qua chỉ thấy đó xuất phát từ những nông cụ thô sơ, được bà con rèn giũa phục vụ khai phá vùng đất cỏ thơm hoặc là đồ gia dụng. Nhưng khi có chiến tranh, giặc dã, những đồ vật thô sơ ấy trở thành binh khí khiến quân giặc nhiều phen khiếp sợ.

Võ sư Lê Xuân Cảnh, Chủ nhiệm võ đường Lê Xuân Cảnh, đóng trên địa bàn phường Nhân Hưng, thị xã An Nhơn (Bình Định) cho biết, binh khí của võ thuật cổ truyền Bình Định có 18 loại cơ bản - “Thập bát ban binh khí” bao gồm: Côn, roi, đao, thương, kiếm, bồ cào, xà mâu, thiết lĩnh, kích, giáo, lăng khiên, cung tên, đinh ba, dây xích, khăn lụa (khăn), giản, búa, chùy. Ngoài ra, còn một số loại như ô, quạt, rựa quéo… Hiếm có võ sư nào có thể sử dụng thuần thục tất cả.

Trong võ thuật Bình Định, roi, bồ cào là binh khí gắn bó nhiều với công việc sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Roi có hai loại, một dạng là thân cây gỗ cứng có đường kính rộng phù hợp với tay người cầm, chiều dài 1,8 m, giúp người nông dân tiện dùng để gánh lúa. Một loại khác là roi bằng thân cây mây, dễ tìm trong vùng, to bằng ngón tay cái người lớn, vừa có thể lùa trâu khi đi chăn, vừa làm binh khí phòng thân. Bồ cào cũng vậy. Lão võ sư Lê Xuân Cảnh cho biết, không ít động tác võ sử dụng bồ cào có những thao tác rất giống thao tác cào mặt ruộng khô và cào cỏ lúa dưới nước.

Hiền như... binh khí ảnh 1

Binh khí trong võ cổ truyền Bình Định có nguồn gốc từ các loại nông cụ. Ảnh: Anh Quân

Một loại binh khí khác là rựa quéo, là binh khí có lưỡi giống cái rựa thường, sống dày, lưỡi dài và to bản, có mấu quéo lại ở đầu để giật, kéo. Nó chỉ khác rựa thường ở chỗ có cán dài, vừa là nông cụ lao động, vừa là một đoản côn lúc xung trận. Đây là vũ khí của nghĩa quân Cần Vương sử dụng chống thực dân Pháp ở địa phương vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Vậy binh khí được sản xuất ở đâu? Tôi tìm về làng nghề Phương Danh, thuộc phường Đập Đá (thị xã An Nhơn), nơi những người thợ cần cù vẫn hằng ngày làm việc. Từ gần 300 năm trước, làng nghề phát triển. Thợ ở đây đã rèn nên nhiều nông cụ như bồ cào, dao, “rựa quéo”, đinh ba… phục vụ nông nghiệp và sau đó trở thành binh khí chiến đấu lợi hại, góp mặt vào “Thập bát ban binh khí”. Ông Nguyễn Đình Long, người thợ rèn được ông nội và cha truyền nghề chia sẻ: “Các cụ trong làng và bố tôi kể lại, người dân đã hăng hái sản xuất vũ khí, góp phần vào những chiến thắng vinh hiển của triều đại Tây Sơn”.

Tinh thần võ Việt

Ở Bình Định, võ sư Phan Thọ, Chủ nhiệm võ đường Phan Thọ là một trong những tấm gương gìn giữ binh khí, truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò về võ thuật cổ truyền và đạo đức của người luyện võ. Suốt hơn 50 năm truyền dạy, võ sư Phan Thọ đã dày công gìn giữ thương hiệu võ cổ truyền và binh khí. Sau khi ông mất năm 2014, cháu ngoại ông là võ sư Phan Minh Hải nối nghiệp. Chỉ mới hơn 30 tuổi, nhưng chàng võ sư trẻ đã lĩnh hội được phần lớn công phu mà ông ngoại truyền cho. Phan Minh Hải tâm sự: “Hiện ở võ đường Phan Thọ còn sử dụng 18 loại binh khí để luyện tập. Ngày xưa, nghĩa quân của Vua Quang Trung được luyện tập bài bản, phối hợp nhuần nhuyễn giữa quyền thuật và các binh khí. Đồng thời am tường tính chất lợi hại của chúng”.

Một điều đặc biệt làm nên danh tiếng của các võ đường Lê Xuân Cảnh, võ đường Phan Thọ chính là binh khí khăn và quạt. Võ sư Hồ Sĩ, công tác tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) cho hay: “Trong thập bát ban võ nghệ, có 18 món binh khí khăn lụa được xếp vào loại “nhuyễn tiên”. “Nhuyễn” là mềm, “tiên” là roi, thuật ngữ “nhuyễn tiên” dùng chỉ chung cho các loại hình binh khí mềm, uyển chuyển như: khăn quấn đầu, khăn quàng cổ, dải lụa, dây thắt lưng, dây xích sắt… Với chiếc quạt, tất nhiên để đánh trận được thì các nan xương của nó cũng phải được làm từ chất liệu thép”.

Phải là người có công phu, sự uyển chuyển, nhanh nhẹn mới có thể sử dụng khăn lụa một cách hiệu quả, quyền biến, hoạt động trên nguyên lý ly tâm với những thao tác chuyển động vòng tròn. Là người sử dụng thuần thục khăn lụa, võ sư Lê Xuân Cảnh cho biết thêm: “Khăn và quạt trông càng lành hiền, có vẻ mềm mại, “yểu điệu thục nữ” nhất. Đôi khi người ta còn ví: thiếu nữ đất võ, nhìn mặt phúc hậu, tay chân mềm yếu, nhưng không thể bắt nạt vì họ có… võ. Chiếc khăn lụa cũng vậy. Bình thường chỉ là khăn, khi có công phu của người luyện võ thì thành vũ khí, dễ phòng thủ cũng dễ tiến công, vừa có thể dùng quật, móc, lại có thể trói, khóa đối phương. Nhìn thì không mạnh mẽ như đao kiếm, bình thường dùng quấn lên đầu nhưng khi gặp khó khăn thì sẽ bộc lộ tính năng rất linh hoạt, uyển chuyển”.

Võ sư Cảnh nhấn mạnh: Đó cũng chính là tinh thần của võ Việt Nam, võ để phòng thân và cứu giúp người hoạn nạn chứ không phải để khoa trương.

Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định chia sẻ: “Trong các binh khí của Bình Định, nhiều loại nhìn thì có vẻ rất… hiền! Như mọi người thấy là cây roi, cái bồ cào, khăn lụa… Nhưng khi lâm trận thì nhờ công phu con nhà võ, những vật lành hiền đó thể hiện sức mạnh khác thường”.