Giữ hương húng Láng

Phiên chợ Gú (xã Thụy Lương, Thái Thụy, Thái Bình) kỳ áp niên nhộn nhịp, gương mặt người bán kẻ mua hằn đậm nét toan lo những ngày cận Tết. Mấy hôm mù, biển làm sản vật ven lộng đầy lên. Cá khoai, cá cơm, don, día đặt cạnh những mẹt húng Láng ngan ngát mùi hương khó lẫn. Hơn 600 năm xa quê, liệu cây rau húng trồng nơi này có còn giữ được hương vị cố hương?

Vườn húng Láng là loài rau gia vị đặc sản của đất kinh kỳ. Ảnh: Nam Anh
Vườn húng Láng là loài rau gia vị đặc sản của đất kinh kỳ. Ảnh: Nam Anh

1. Vâng! Thì đó đúng là một trong những đặc sản “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây” của đất kinh kỳ ngàn năm văn vật. Nhưng, hẳn ít người biết rằng, húng Láng đã có mặt ở nơi này từ hơn 600 năm trước.

Đứng trên cầu Gú nhìn về mạn biển, mù bình lưu từ mép nước tràn lên làm khung cảnh làng quê Hổ Đội, Bao Hàm như lạ mãi ra. Thì hôm nay đã là 26 tháng Chạp rồi còn gì. Mai đã là 27 Tết, ngày mà dù bận mải đến đâu, người dân năm làng Hổ Đội xưa chẳng mấy ai bỏ qua phiên chợ Gú duy nhất trong năm. Và, trong muôn vàn sản vật được bày bán ở cái phiên chợ đậm chất đồng biển này, có một sản vật không dính gì đến biển, đó là húng Láng.

Ai đã về đất Thụy Lương (Thái Thụy, Thái Bình) hẳn đã từng nghe câu thành ngữ: “Ăn Bao Hàm, làm Hổ Đội”. Câu ca khen cái nết chăm làm, giỏi làm của dân Hổ Đội? Hẳn là như vậy! Nên dân mấy xã mạn biển này, từ xưa, thường nhủ nhau về Hổ Đội kén vợ gả chồng. Song câu thành ngữ trên còn là để khen cái khéo, cái giỏi, cái tài trong việc biết ăn ngon, biết làm ra các món ngon của người Bao Hàm. Và, trong số các món ăn làm nên văn hóa ẩm thực Bao Hàm, không thể không kể đến hai món gỏi là gỏi nhệch, gỏi día. Người làm đầu bếp, ai chẳng biết rằng, cả hai món đặc sản trên đều không thể thiếu được sự góp mặt của các loại rau thơm, mà chủ vị đúng là húng Láng. Một câu hỏi đặt ra là, vì sao cây húng của đất kinh kỳ lại lưu lạc về tận miền quê ven biển Thái Bình?

2.
Ngược dòng lịch sử về hơn 600 năm trước. Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 14, phò mã nhà Trần là Phùng Thế Kỳ đã chiêu tập dân binh theo tướng Trần Khát Chân chống lại nhà Hồ. Việc không thành, sau khi Trần Khát Chân bị sát hại, tướng Phùng Thế Kỳ đem theo công chúa Thiên Hương (con gái Vua Trần Thuận Tông) và 12 dũng tướng cùng một số dân binh lập đội Hổ Bôn vượt sông Hồng về miền duyên hải. Bị nhà Hồ truy đuổi gắt gao, phò mã cùng thủ túc phải qua nhiều lần thay đổi địa điểm ẩn cư. Ban đầu là đất Noi Cáo, nay thuộc Hạ Hồng, Ninh Giang, Hải Dương, sau là vùng Tô Xuyên thuộc Quỳnh Phụ, Thái Bình. Tiếp tục bị truy bức, đội quân Hổ Bôn men theo sông Hóa về vùng Quảng Nạp và cuối cùng định cư lập làng, lập trại tại khu vực cửa sông Diêm Hộ thuộc đất Hổ Đội ngày nay. Trong quá trình lưu lạc, phò mã cùng các dũng tướng mang theo bài vị tổ tiên và đem theo cả húng Láng, hành tỏi về trồng ở các nơi đội quân Hổ Bôn hành tẩu.

Quá trình tìm đất định cư của đội quân Hổ Bôn được thần tích đình miếu và gia phả của 12 dòng họ, phát triển từ 12 dũng tướng năm nào, sau hơn 600 năm ghi rõ: “Tiền cư Noi Cáo/Hậu đáo Tô Xuyên/Vãng qua Tu Trình/Ký cư Quảng nạp/An cư Hổ Đội” (Ban đầu là đất Noi Cáo, sau đến Tô Xuyên, trải qua Tu Trình, tạm cư Quảng Nạp, an cư Hổ Đội).

Cũng theo thần tích đình các làng thuộc tổng Hổ Đội xưa, 12 dòng họ Hổ Đội ngày nay là hậu duệ của 12 nghĩa binh năm nào và đều có gốc tích từ vùng Yên Lãng, Nhân Mục ven đô Thăng Long. Ngày đó, giữa hai làng giáp ranh có một cây cầu qua sông Tô Lịch mang tên Cầu Hàn. Làng Láng là nơi chuyên canh các loại rau màu cung cấp cho nội thành. Vì vậy, một thời, Láng còn có tên Toán viên (vườn Tỏi). Tỏi, hành và nhất là húng thơm được trồng từ Láng đã nổi tiếng nhiều năm trước. Húng Láng có tới ba loại, húng thơm, húng dũi và húng chó. Mỗi loại húng hợp với một vài món ăn được chế biến làm nên những món ẩm thực khác nhau. Song, chỉ riêng húng thơm mới làm nên đặc sản húng Láng. Đó là cây rau húng được trồng thành cụm, thân tròn, đanh chắc, lá nhỏ, lá có răng cưa thưa, mặt dưới lá mầu tím và có mùi thơm đặc hữu.

3.
Một ngày cuối đông, điền dã miền ven biển Thụy Lương, Thái Thụy, Thái Bình, đi giữa cánh đồng ngan ngát mùi thơm húng Láng, được những người già nơi này cho biết, hiện tại, hằng năm người dân Hổ Đội, Bao Hàm trồng tới hơn 10 ha húng Láng. Cây húng Láng ẩn mình vào mùa đông và phát triển trở lại vào mùa xuân. Mỗi tháng cho hai lứa, thời gian thu hoạch trải dài chín tháng trong năm. Vị chi một năm cho 18 lứa. Một thước vuông (24 m²) thu được khoảng 4 kg/lứa, với giá bình quân 15 - 20 nghìn đồng/kg, một năm bà con thu được trên dưới 1 triệu đồng. Như vậy, một sào Bắc Bộ nếu trồng húng Láng có thể cho tới gần 20 triệu đồng/năm. 1 ha cho từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Điều thú vị là, chi phí cho mỗi ha húng Láng thấp hơn hẳn việc đầu tư canh tác các loại cây nông nghiệp khác, lại không sợ cái nạn “được mùa mất giá”. Như vậy, trồng húng Láng, bà con không chỉ an tâm mà còn có thu nhập gấp hàng chục lần trồng lúa. Những năm tháng này, húng Láng Hổ Đội không chỉ cung cấp cho các xã trong vùng mà còn có mặt tại các nhà hàng trên thành phố Thái Bình và các huyện lân cận.

Vào mùa cận Tết, chợ phiên vùng này la liệt tỏi hành. Hành tỏi, húng Láng vùng này theo chân thương lái xuống thuyền, lên xe đi đến nhiều nơi.

Và, hành, tỏi, húng thơm nơi đây, thoạt kỳ thủy, đều từ Láng mà ra. Người ưa tìm đến ngọn ngành, có công ngược dòng hoa trôi nước chảy, thấy rằng, chỉ giống má một cây rau húng mảnh mai, đã đủ mang trong mình biết bao cơ sự. Bởi, cho đến tận những ngày này, húng Láng cùng hành tỏi làng Láng không chỉ xanh trên đất các xã nơi cửa biển Diêm Điền, mà còn được lưu trồng ở Đông Hòa, Đông Mỹ, Hoàng Diệu (Đông Quan) và tỏa thơm trên vùng Tô Xuyên, Tu Trình, Quỳnh Hải (Quỳnh Côi) Thái Bình. Đó là những nơi đội quân Hổ Bôn, từ hơn 600 năm về trước đã từng cư ngụ.

Trở về đất Láng kinh kỳ, tản bộ trên độ dài gần năm cây số đường Láng, nhìn những dãy nhà kiên cố tân thời chen chúc nhau che kín mặt đường, giật mình nhận ra, mới chỉ hơn chục năm về trước, nơi này vẫn còn những ô đất trồng húng, trồng tỏi, trồng hành… Bây giờ, chỉ còn sót lại trong khuôn viên chùa Láng, mấy ô đất nho nhỏ có những luống húng Láng cố xanh. Biết, mấy năm gần đây, có những dự án bảo tồn húng Láng không thành…

Nhưng hãy yên lòng! Húng Láng sẽ mãi xanh trên đồng điền Hổ Đội. Dù rồi đây, húng Láng có thể sẽ không còn, ở ngay cố quận.